Tổng điều tra dân số năm 2016

Băn khoăn chuyện quản lý biến động dân số

05/12/2016 | 06:01 GMT+7

Theo chân những cán bộ đi điều tra mới thấy được sự vất vả, quyết tâm của mọi người để có được những con số “biết nói” của ngành dân số, cùng với đó là những chuyện cười ra nước mắt...

Cán bộ đi điều tra dân số ở địa bàn thị xã Ngã Bảy.

Những ngày qua, cứ mỗi sáng, Đoàn cán bộ điều tra dân số của tỉnh với gần 80 người lại tập trung về một huyện, thị để tỏa ra các địa bàn ấp, khu vực thực hiện điều tra dân số theo kế hoạch Tổng điều tra dân số năm 2016.

Vui, buồn với điều tra dân số

Tờ mờ sáng, những cán bộ đi điều tra đã xuất phát. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, cán bộ dân số xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, kể: “Ngày đầu tiên đi điều tra ở địa bàn thị xã Ngã Bảy, không biết công việc ra sao nên 4 giờ sáng ở nhà tôi đã xuất phát”. Điểm đặc biệt của cuộc tổng điều tra lần này là cán bộ điều tra không phải người ở địa phương mà là cán bộ dân số của tất cả các huyện, thị, thành phố của tỉnh nên quãng đường đến điểm điều tra có người đi đến vài chục cây số. Chưa hết mệt vì vừa chạy đoạn đường mấy chục cây số, cán bộ đi điều tra lại bắt tay vào việc điều tra. Anh Lê Văn Kiệt, cán bộ dân số xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết: “Đi bộ mỗi ngày mấy cây số, có hôm mưa, có ngày nắng gắt, hơn chục ngày qua giờ tôi thấy thấm mệt. Trước giờ tôi chưa từng đi bộ nhiều như vậy”. Vì phải đi bộ luôn nên chân của anh Kiệt sưng phù sắp mang dép không được. Anh Kiệt nói thêm: “Tôi mua thuốc uống thì đỡ mà cứ đi hoài nên chân cứ sưng”.

Mệt nhọc là vậy, nhưng vì nhiệm vụ và trách nhiệm công việc, những cán bộ đi điều tra đã luôn cố gắng vượt qua. Chị Võ Thị Bích Thủy, cán bộ dân số thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, kể: “Khi điều tra dân số ở xã Phú An, huyện Châu Thành, nói là trung bình mỗi ngày đi điều tra 50 hộ, nhưng ở vùng đông dân cư thì đỡ, còn vào vùng nông thôn, xa xa trong ruộng mới có cái nhà, bởi vậy đi 50 hộ cũng mấy cây số. Có hộ đến do bận chuyện gia đình nên đi vắng buộc cán bộ điều tra phải đi tới, đi lui. Thật sự, việc điều tra dân số không phải chuyện dễ dàng”. Đó là chưa kể thời tiết mưa, nắng thất thường như hiện nay ảnh hưởng rất nhiều đến công tác này. Có người ngủ đêm tại trạm y tế hay xã đội mấy ngày liền ở địa phương đi điều tra… Có hôm đổ đường đến nơi trời lại mưa không đi điều tra được.

Kể chuyện đi điều tra, anh Lê Văn Kiệt, chia sẻ: “Hôm đi điều tra ở phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, chỉ có một hộ dân sống ở trên đồng, cộng tác viên dân số phải lấy xuồng chở tôi đi đến nhà để điều tra. Không phải được đi xuồng máy mà lấy sào chống thôi. Đi về mất hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng trách nhiệm mình phải đi đến nhà hộ dân”.

Không ít vất vả cán bộ đi điều tra dân số gặp phải mà người chưa từng trải qua khó cảm nhận được hết. Có người đi điều tra đến trưa ở nông thôn không ai bán cơm phải ăn mì gói rồi làm tiếp. Tuy nhiên, họ vẫn lạc quan nghĩ đây cũng là cơ hội để mình khám phá những vùng quê của tỉnh.

Vì sao gia tăng số hộ sau điều tra ?

Ngay sau khi điều tra hai đơn vị đầu tiên là địa bàn thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành, kết quả cả hai đơn vị này đều phát sinh thêm khá nhiều hộ dân so với số liệu hộ được quản lý trước đó. Đây là vấn đề đặt ra về công tác quản lý của cộng tác viên dân số ở địa phương chưa thật sự kịp thời. Theo anh Nguyễn Minh Trung, một cán bộ đi điều tra tại địa bàn thị xã Ngã Bảy: “Đại đa số các trường hợp phát sinh hộ là do tách hộ khẩu, nhưng cộng tác viên vẫn quản lý chỉ có một hộ. Ngoài ra, cũng có hộ mới về ở và có ý định ở lâu dài tại địa phương, cộng tác viên chưa cập nhật kịp”.

Gia tăng số hộ sau điều tra xảy ra ở hầu hết các xã, phường, thị trấn của thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Nhưng phát sinh hộ nhiều nhất là 3 xã Tân Thành và Đại Thành (thị xã Ngã Bảy) và xã Phú Tân (huyện Châu Thành) từ 300-400 hộ/xã. Sau điều tra, tổng số hộ dân của thị xã Ngã Bảy gần 14.450 hộ, huyện Châu Thành trên 22.200 hộ, cả hai đơn vị đều tăng trên dưới 1.000 hộ so với số liệu quản lý ban đầu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao duy trì được hoạt động cập nhật biến động dân số chính xác sau điều tra dân số. Thực trạng cộng tác viên dân số đang hoạt động cầm chừng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc cập nhật thông tin hộ. Trong khi đó, nhiều địa bàn dân cư, hộ dân biến động thường xuyên. Qua điều tra, một số địa phương phát sinh thêm hộ nên số lượng hộ quản lý của cộng tác viên cũng nhiều hơn. Thực tế cho thấy, nếu cộng tác viên dân số không thực hiện tốt việc cập nhật biến động hàng tháng sẽ không thể đảm bảo số liệu chính xác. Không khéo, số liệu sau điều tra lại quay về điểm xuất phát ban đầu...

Nỗi lo sau Tổng điều tra dân số

Bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, băn khoăn: “Tiến hành điều tra đã mất rất nhiều công sức, cán bộ đi điều tra vất vả dầm mưa, dải nắng, kinh phí đầu tư hàng tỉ đồng, nhưng số liệu có được muốn duy trì cần có sự quản lý, cập nhật tốt của cộng tác viên dân số sau này. Cái khó hiện nay là chế độ chính sách, thù lao cho cộng tác viên còn rất ít chưa khuyến khích được mọi người nhiệt tình với công việc”.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>