Xây dựng cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”

04/03/2021 | 07:48 GMT+7

Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo” (đề án) được triển khai thực hiện đã giúp cho nhiều cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trưởng thành về mọi mặt, trở thành những cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ được giao tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Nguyễn Hữu Tứ (giữa) trong một lần tiếp xúc với dân.

Những tháng cuối năm 2020, người dân ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành quen với hình ảnh Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Tứ chạy xe gắn máy đi vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Ngày nào không có hội họp là anh Tứ lại đi, hết ấp này đến ấp khác. Vận động một lần không được thì đến lần thứ hai, thứ ba… Anh Tứ ăn nói nhanh nhẹn, gần gũi, thật thà nên dễ vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Quanh năm quanh quẩn với vườn mít Thái, chôm chôm nên anh Đinh Văn Cường, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, chưa biết nhiều về lợi ích của việc tham gia BHYT. “Anh Tứ trực tiếp đến tuyên truyền, vận động và giải thích cho tôi hiểu được việc tham gia BHYT là rất cần thiết, coi như để phòng thân. Tôi thấy có lý nên quyết định mua BHYT cho hai vợ chồng”.

Ít người biết anh Tứ từng bỏ tiền túi mua BHYT cho một số người dân khi thấy bà con vì khó khăn chưa có điều kiện tham gia.

Đến cuối năm, xã Phú Tân hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia BHYT (90,21%). Đảng ủy, UBND xã và ban dân chánh các ấp đều vui mừng vì đạt được chỉ tiêu khó. Anh Tứ cũng hài lòng, nhất là thấy kết quả đó được tạo nên từ một tập thể đoàn kết, đồng lòng, tích cực vì nhiệm vụ chung.

Từ lúc được luân chuyển về nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân vào năm 2018 (trước đó là Chánh Văn phòng Huyện ủy Châu Thành), anh Tứ thường xuyên đi xuống các ấp. Đi để biết được địa phương mình đang gặp khó khăn như thế nào để có biện pháp tháo gỡ; đi để hiểu được người dân còn trăn trở điều gì để trong lãnh đạo, điều hành sát hợp hơn.

Trong những lần “vi hành” như thế, anh nghe người dân phản ánh trên địa bàn xã còn một số điểm đá gà, đánh bài ăn thua bằng tiền có quy mô vừa và nhỏ gây mất an ninh trật tự. Vậy là vị Bí thư này chỉ đạo ngay cho lực lượng Công an xã phối hợp lên kế hoạch xử lý triệt để. Kết quả trong năm 2020 triệt phá 13 điểm, góp phần trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Hàng tháng, anh Tứ còn tranh thủ thời gian đến dự sinh hoạt lệ tại 1 chi bộ nhằm kiểm tra, theo dõi họ có tổ chức sinh hoạt đúng theo hướng dẫn; đồng thời lắng nghe chi bộ nói về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để có biện pháp chỉ đạo sát hợp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ.

Năm 2020, xã Phú Tân giảm được 59 hộ nghèo. Trong kết quả đó có sự quyết tâm chỉ đạo của anh Tứ để UBND xã, Mặt trận, các đoàn thể có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả giúp người dân thoát nghèo. Đến nay, xã này đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Theo lộ trình, đến năm 2022, xã sẽ về đích.

“Còn 5 tiêu chí nữa nhưng là những tiêu chí khó như: giao thông, môi trường… cần sự đầu tư của huyện và phát huy nội lực của xã mới có thể hoàn thành. Nhiệm vụ thời gian tới còn rất nặng nề, tôi với vai trò là người đứng đầu cấp ủy sẽ tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân trong thực hiện các tiêu chí còn lại”, anh Tứ nhấn mạnh.

Còn anh Danh Lươl, Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, là cán bộ khá đa tài, vì một mình anh đảm nhận nhiều nhiệm vụ và luôn hoàn thành tốt.

Gần 10 năm công tác, anh Danh Lươl luôn thực hiện có chất lượng việc xây dựng các báo cáo, kế hoạch thực hiện các mặt hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện. Nhất là luôn chủ động tham mưu giúp cho lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, cũng như những phong trào mới, đặc thù ở địa phương.

Trong năm nay, người cán bộ dân tộc Khmer này đã tham mưu, xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp xây dựng mô hình “Nhường cơm sẻ áo” ở xã Lương Nghĩa. Mô hình ra mắt mang ý nghĩa hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kết quả, đã kêu gọi, quyên góp tiền mặt, hiện vật trị giá hơn 100 triệu đồng.

Anh cũng tích cực tham mưu thực hiện mô hình hỗ trợ vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo ở thị trấn Vĩnh Viễn. Theo đó, đã hỗ trợ vay không tính lãi số vốn 70 triệu đồng được trích từ Quỹ vì người nghèo và Chương trình an sinh xã hội của huyện cho 17 hộ nghèo và cận nghèo. Sau 2 năm, các hộ có trách nhiệm trả lại vốn để Mặt trận huyện giao lại cho đơn vị khác tiếp tục hỗ trợ người dân với cách làm tương tự.

Đặc biệt, anh còn tham mưu và trực tiếp vận động các cơ sở thờ tự tham gia mô hình bảo vệ môi trường gắn với giảm nghèo bền vững. Kết quả, 15/16 cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện đã tham gia mô hình, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường và giảm nghèo ở địa phương.

“Hầu như nhiệm vụ nào được giao thì đồng chí Danh Lươl đều hoàn thành tốt. Ở đồng chí có tư duy đổi mới, sự sáng tạo và luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao”, bà Nguyễn Thị Kim Hân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, đánh giá.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, anh luôn thể hiện là người bí thư sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đảng viên; luôn phân công nhiệm vụ cho đảng viên phù hợp với năng lực, sở trường của họ. Nhờ vậy mà chi bộ này luôn là một tập thể có tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.

Anh còn là một nông dân chính hiệu. Anh tận dụng 2 ngày nghỉ cuối tuần để chăm sóc 7 công đất trồng lúa của gia đình; xung quanh nhà thì trồng rau sạch, cây ăn trái.

Bằng sự năng nổ, nhiệt tình và đa tài, anh Danh Lươl đã và đang dùng sức trẻ (36 tuổi) để cống hiến cho sự nghiệp chung của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc. Ở anh còn có sự ham học hỏi khi đăng ký học cao học chuyên ngành về xây dựng Đảng, chính quyền. Đây là cơ hội để người cán bộ dân tộc Khmer này nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực của bản thân.

Có thể nói, sự cống hiến của anh Tứ, anh Lươl đã góp phần cho sự phát triển của tỉnh nhà những năm qua. Đâu riêng họ, Tỉnh ủy đánh giá đề án đã góp phần xây dựng nên một thế hệ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt.

Để rồi giờ đây, hễ nhắc đến công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiều người nói ngay đến đề án. Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu từng nhấn mạnh, đề án đã và đang tạo ra một thế hệ cán bộ kế thừa đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng và phát triển Hậu Giang trong những năm tới, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

Cũng vì thế mà việc tiếp tục kế thừa và phát huy hiệu quả do đề án mang lại là rất cần thiết. Do đó, Tỉnh ủy xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025”. Điểm mới của đề án này so với trước là có thêm đối tượng cán bộ cấp cơ sở, hướng tới mục tiêu xây dựng cán bộ cấp cơ sở có đủ năng lực để đảm đương tốt nhiệm vụ.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Hậu Giang có 618 đồng chí được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trong đó cán bộ trẻ 232 đồng chí, cán bộ nữ 153 đồng chí, cán bộ người dân tộc 2 đồng chí, đạt 257,7% mục tiêu của đề án; 2.210 đồng chí được đào tạo trung cấp lý luận - chính trị, trong đó có 1.347 cán bộ trẻ, 805 cán bộ nữ và 35 cán bộ người dân tộc, đạt 192,4% so với mục tiêu đề án; 424 đồng chí được đào tạo sau đại học, trong đó cán bộ trẻ 298 đồng chí, cán bộ nữ 108 đồng chí, cán bộ người dân tộc 12 đồng chí, vượt 9 lần so với mục tiêu đề án.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>