Trọng dân, gần dân và thể hiện trách nhiệm của đại biểu dân cử

03/03/2017 | 08:21 GMT+7

Phát huy truyền thống 70 năm Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh luôn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng luật, hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri và tham gia thảo luận, đóng góp các vấn đề quan trọng của đất nước. Để cử tri tỉnh nhà biết rõ về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh thời gian qua, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Thủy (ảnh), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, về vấn đề này.

Xin bà cho biết từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh có những hoạt động gì nổi bật ?

- Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, sau 2 kỳ họp, chất lượng hoạt động của cơ quan Quốc hội tiếp tục thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Đoàn ĐBQH tỉnh đã cùng các vị ĐBQH cả nước tham gia thảo luận, đánh giá tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đồng thời xác nhận tư cách của ĐBQH khóa XIV; tham gia bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước, nhiệm kỳ 2016-2021; Nghị quyết về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017.

Đặc biệt tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, với tâm huyết, trách nhiệm cao, các vị ĐBQH trong Đoàn đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị góp phần hoàn thiện các dự thảo luật và biểu quyết thông qua 11 nghị quyết quan trọng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Cụ thể như: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV…

Xin bà cho biết, những đổi mới cơ bản trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh so với nhiệm kỳ trước là gì ?

- Từ kinh nghiệm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hậu Giang tiếp tục đổi mới hoạt động, đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề (kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tài chính, ngân hàng, tiền tệ, thanh tra, tòa án, kiểm sát…) và nhóm đối tượng (cán bộ hưu trí, cán bộ lãnh đạo, lực lượng vũ trang, công nhân viên chức và người lao động, cử tri địa bàn đô thị, cử tri địa bàn vùng nông thôn sâu, cử tri vùng bị ảnh hưởng quy hoạch, cử tri vùng ảnh hưởng khu công nghiệp, môi trường...). Đồng thời tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và ngành chức năng để tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp các dự thảo luật theo chuyên ngành, lĩnh vực quản lý hoặc đối tượng chịu tác động điều chỉnh bởi dự thảo luật.

Thực tế ở Hậu Giang cho thấy, việc đổi mới này rất hiệu quả nhằm giúp cho Đoàn nắm bắt được thông tin, trao đổi thông tin với chuyên gia các ngành chức năng ở từng lĩnh vực cụ thể. Thành phần dự họp không quá đông, nội dung ngắn gọn, trọng tâm, do vậy những ý kiến cũng được chắt lọc, phản ánh đúng vấn đề bức xúc, vướng mắc đang đặt ra.

Thời gian qua, tinh thần trọng dân, gần dân và trách nhiệm của đại biểu đại diện cho nhân dân được thể hiện như thế nào, thưa bà ?

- Với tư cách là đại biểu của nhân dân, các vị ĐBQH của tỉnh luôn thực hiện vai trò, trách nhiệm, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh, cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh, của đất nước và hoạt động giám sát; thay mặt nhân dân nói lên tiếng nói chung đó là ghi nhận và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri vào quá trình xây dựng pháp luật; chủ trương, quyết sách lớn của Nhà nước; đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật...

Đặc biệt, tiếp xúc cử tri được tổ chức với nhiều hình thức và đa dạng về thành phần, đi sâu, đi sát quần chúng, cơ sở để lắng nghe, giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Đối với những cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, Đoàn cũng ghi nhận được nhiều tâm tư, nguyện vọng của từng nhóm đối tượng, nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết và rất trách nhiệm của cử tri gửi đến Quốc hội, đồng thời cũng giúp cho Đoàn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử tại địa phương. Đó cũng chính là tinh thần trọng dân, gần dân và thể hiện trách nhiệm của đại biểu đại diện cho nhân dân.

Trong năm 2017, Đoàn ĐBQH tỉnh có những hoạt động, phối hợp hoạt động gì nổi bật ?

- Để cử tri và nhân dân kịp thời nắm bắt được chủ trương, nghị quyết, luật của Quốc hội ban hành, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, đặc biệt là phản hồi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh được các ngành chức năng trả lời cụ thể, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền thường xuyên các nội dung trên, cụ thể là trên trang 5 của Báo Hậu Giang vào thứ sáu hàng tuần.

Rất mong nhân dân và bạn đọc quan tâm theo dõi, đóng góp ý kiến để Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng hoạt động của người đại biểu dân cử.

Xin cảm ơn bà !

MỸ AN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>