Thành công từ việc lắng nghe dân

05/10/2017 | 07:55 GMT+7

Tổ chức đối thoại trực tiếp, thẳng thắn, ghi nhận, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, đó là cách làm mà xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, đang áp dụng thời gian qua.

Một buổi đối thoại, lắng nghe dân nói tại ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh.

Đều đặn mỗi tháng, UBMTTQ Việt Nam xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, lại cùng với lãnh đạo Đảng ủy, UBND và các đoàn thể trong xã chọn một địa điểm trong 10 ấp trên địa bàn xã để tổ chức diễn đàn đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân. Việc làm này được triển khai hơn 10 tháng qua với mong muốn tạo cầu nối gắn kết giữa chính quyền địa phương với nhân dân.

Đối với nhiều người dân trên địa bàn xã, việc được đối thoại trực tiếp với chính quyền đã trở thành một hình thức sinh hoạt dân chủ thực sự. Các buổi tiếp xúc, đối thoại vừa là nơi để chính quyền địa phương kịp thời tuyên truyền những chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến với người dân, đồng thời qua đó người dân có thể phản ánh, kiến nghị đến lãnh đạo những bức xúc liên quan đến đời sống; góp ý về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, về cải cách hành chính; hay chuyện cầu hư, đường xuống cấp… Tất cả đều được ghi nhận.

 Ông Lê Hoàng Mến, Bí thư Đảng ủy xã Long Thạnh, chia sẻ: “Những buổi đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc với dân như thế không phải là một cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ mà chúng tôi muốn gặp gỡ để lắng nghe người dân, gần dân, hiểu dân hơn. Từ khi triển khai cách làm này, số đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân giảm hẳn, vì những gì bà con bức xúc đã được chúng tôi giải quyết ngay”.

 Tại những buổi đối thoại, lắng nghe, người dân tham gia rất đông. Tinh thần của dân tại các buổi tiếp xúc với cán bộ luôn phấn khởi, thẳng thắn, chân tình đóng góp ý kiến trong thực hiện nhiệm vụ.

Một người dân ở ấp Long Hòa A1 cho biết, ông rất phấn khởi khi cán bộ xã đến tận nơi để lắng nghe, đối thoại với dân. Bất cứ vấn đề nào từ xích mích với hàng xóm, thực hiện nghĩa vụ thuế, liên quan đến đất đai… đều được cán bộ giải thích thấu đáo.

“Đoàn cán bộ, lãnh đạo địa phương đi gặp gỡ, tiếp xúc với chúng tôi khá đầy đủ, giải quyết kịp thời các ý kiến, bức xúc. Do đó, người dân chúng tôi cũng thể hiện tinh thần đồng thuận cao, không có lời nói nặng nề hay gay gắt. Những vấn đề vượt thẩm quyền của xã được lãnh đạo địa phương ghi nhận đầy đủ và hứa sẽ chuyển lên cấp cao hơn”, ông Lê Thanh Tuấn, ở ấp Long Hòa A1, chia sẻ.

 Còn ông Lê Văn Hoàng, ở ấp Long Hòa B, bộc bạch: “Buổi đối thoại trong ấp hôm vừa rồi dù trời mưa nhưng bà con vẫn đến dự đông đủ. Với chúng tôi, mong mỏi lớn nhất tại những buổi gặp gỡ, đối thoại như thế chính là sự cầu thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân từ lãnh đạo địa phương để kịp thời giải quyết bức xúc, tháo gỡ khó khăn cho bà con”.

Thông thường, các buổi đối thoại, tiếp xúc, người dân được mời đến một địa điểm nhất định trong ấp. Sau đó, cán bộ lãnh đạo, công chức xã sẽ đến gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại. Phong cách giản dị và gần dân của cán bộ, công chức trong giao tiếp đã thể hiện phần nào là công bộc của dân.

Ông Nguyễn Thanh Sáng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long Thạnh, chia sẻ: “Sau một thời gian thực hiện đối thoại, lắng nghe người dân đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức xã. Mục đích của mô hình là tạo cho lực lượng cán bộ, công chức xã phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, đồng thời khẳng định muốn làm được việc phải nghe dân nói”.

Thời gian tới, theo lãnh đạo Đảng ủy xã Long Thạnh, thay vì một tháng tổ chức từ 1-2 cuộc tại các ấp, lãnh đạo xã sẽ xem xét tổ chức thêm nhiều cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân hơn nữa, đồng thời tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá hiệu quả để có thể nhân rộng cách làm hay này đến với nhiều địa phương khác. 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>