Sắt son lời thề với Đảng

26/01/2017 | 11:52 GMT+7

Trước khi vào Đảng, mỗi người đứng trước Quốc kỳ, Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thề: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng cua Đảng…”. Với đại đa số đảng viên, lời thề đó là chân lý, là ngọn đuốc soi đường để họ vượt qua mọi gian khó trên con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra. Họ đã dành trọn niềm tin vào Đảng, một long với Đảng dù thời gian cứ trôi, cuộc đời có thay đổi thì lời thề với Đảng vẫn mãi sắt son trong tim những người Cộng sản chân chính.

Biến lời thề thành sức mạnh

Tết này bà Tám Điền (Trần Thị Điền), Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh, vui hơn mấy cái tết qua, vì năm Đinh Dậu 2017 là tròn 50 năm bà đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm ấy, bà co quyền tự hào vì chưa bao giờ mình phai nhạt lý tưởng và lời thề với Đảng.

Con cháu ông Hai Điện luôn nêu cao khí chất cách mạng hiên ngang của người cha, người ông đáng kính.

Tôi biết bà Tám Điền trong những lần cùng bà ngược xuôi đi trao nhà nghĩa tình đồng đội cho những cựu TNXP trong tỉnh. Mỗi lần như vậy, bà như trẻ ra so với cái tuổi 69. Bởi khi gặp lại những đồng chí, đồng đội từng cùng “ăn cơm nắm, ngủ hầm” thì khí thế hiên ngang của tuổi trẻ lại ùa về trong bà. Những lúc rảnh rỗi, bà Tám Điền thường ngâm nga những câu thơ:

Em nhap ngũ - Tuổi vừa mười tám

Trong trắng, dịu dàng, sức sống trào dâng

Ánh mắt em như sao trời lấp lánh

Nghiêng nghiêng nhìn, cây cỏ cũng bâng khuâng…

(Nhớ em, cô thanh niên xung phong - Phương Hà)

Bà tâm sự những câu thơ này thiệt giống với hoàn cảnh của mình và nhiều cô gái khác khi dấn thân vào đội TNXP, bởi lúc ấy tuổi bà cũng mới đôi mươi. Lật lại những trang nhật ký cuộc đời, bà không thể nào quên khoảnh khắc thiêng liêng trong buoi tuyên thệ trước Quốc kỳ, Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1967. Khi ấy, bà vừa là giáo viên trường làng, vừa tham gia công tác thanh thiếu niên ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ.

Khi cả nước đang dồn sức cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ hăng hái tham gia lực lượng TNXP. Ngoài bà Tám Điền, hàng chục chị em khác cùng quê cũng khoác lên mình chiếc áo xanh, đội lên đầu chiếc nón tai bèo để lên đường phục vụ tiền tuyến. Khi ấy, bà nhận vai trò làm thủ lĩnh một trung đội TNXP với 13 người để phục vụ cho Tiểu đoàn 307 đánh vào chiến trường Vòng cung, thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ (cũ).

Chiến trường ác liệt nơi đây khiến người thủ lĩnh luôn đi trước về sau như bà phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Trong mưa bom bão đạn, bà vẫn làm tốt nhiệm vụ tải thương, tải đạn và lương thực cho bộ đội. Rồi bà bị thương ở tay và chân nên phải tạm rời đơn vị... Không lâu sau, bà quay lại trận địa với hình ảnh người nữ TNXP gan dạ, mạnh mẽ và mưu mẹo hơn xưa.

Khi chiến dịch Mậu Thân kết thúc, bà được phân công nhiệm vụ mới ở tuyến đường 1C huyền thoại. Những lần vượt sông Vĩnh Tế, băng rừng, lội ruộng để tiếp nhận quân và vũ khí từ Trung ương chi viện cho chiến trường miền Nam của lực lượng TNXP cực không kể siết. Nhiều người nói vui: “Ai không có lác thì không phải TNXP” hay “10 người lính, 9 người lác, người còn lại bị lang ben”.

Thời đó, tuyến đường 1C bị giặc “chăm sóc” rất kỹ, chúng đốt rừng và sẵn sàng nã đạn bất cứ nơi đâu nghi có bộ đội của ta. Cũng vì vậy mà các chuyến hàng của lực lượng TNXP phải thay đổi địa điểm liên tục để qua mắt giặc. Dù ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng chẳng làm vơi đi ý chí cách mạng của bà Tám Điền. Ngược lại, chứng kiến sự tàn bạo của kẻ thù càng nung nấu thêm ý chí “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của người con gái miền Hậu Giang.

Những lúc đối mặt với chuyện sinh tử, lòng bà Tám Điền luôn nghĩ về lời thề với Đảng, nhớ tới lời dạy của Bác Hồ và ngày toàn thắng không còn xa, rồi biến những điều đó thành sức mạnh để vận chuyển thành công những chuyến hàng và đảm bảo an toàn cho những đơn vị bộ đội chi viện cho chiến trường miền Nam.

Từ đầu năm 1972, bà chuyển công tác qua phụ trách quân trang tại Trung đoàn Hậu cần 195; đến tháng 8 năm đó về phục vụ tại Tỉnh đoàn Cần Thơ cho đến ngày nước nhà độc lập.

Khi đất nước sạch bóng quân thu, bà tiếp tục kinh qua nhiều nhiệm vụ tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ), Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vị Thanh (cũ)… Bà về hưu năm 2001 nhưng vẫn đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh. Đến năm 2010, được sự tín nhiệm của mọi người, bà trở thành Chủ tịch Hội Cựu TNXP của tỉnh.

Không lúc nào trong cuộc đời bà Tám Điền thôi phục vụ cho Đảng, phục vụ nhân dan. Lý tưởng cách mạng chân chính mà Đảng và Bác Hồ đã gieo vào lòng bà cách đây gần 50 năm vẫn còn nguyên nhựa sống.

Bà và những người đồng đội ngày nào giờ tóc đã pha sương. Cái thời bom cày đạn xới đã qua, giờ la lúc họ phát huy khí chất vẻ vang của người TNXP trên con đường xây dựng và phát triển quê hương ngày thêm giàu đẹp. Ở cái tuổi 69, bà Tám Điền vẫn không ngừng lo nghĩ về những biện pháp chăm lo hiệu quả cho những đồng đội còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Đó vừa là trách nhiệm với đồng đội, vừa là cách để đáp lại ân tình mà Đảng đã dành cho cuộc đời bà.

Với người thủ lĩnh đầy tâm huyết như thế nên Hội Cựu TNXP tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho đời sống hội viên. Nổi bật là từ khi thành lập vào năm 2010 đến nay, Hội đã vận động các nguồn hỗ trợ để xây dựng mới và sửa chữa hơn 40 căn nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên. Mỗi lần tặng nhà mới cho hội viên là lòng bà Tám Điền vui như mở hội. Tôi hỏi khi nào bà mới chịu về hưu “lần hai”, bà cười giòn và nói sẽ còn phục vụ cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân đến khi nào không được nữa mới thôi…

Son sắt mãi một lời thề

Trong một lần cùng bà Tám Điền đi trao nhà nghĩa tình đồng đội ở huyện Phụng Hiệp, tôi có nghe nhiều người nhắc đến ông Hai Điện (Nguyễn Văn Điện), ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp - người vừa nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và cũng là đảng viên cao tuổi đảng nhất ở Hậu Giang hiện nay.

Được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng là niềm tự hào đối với ông Hai Điện.

Tôi lân la hỏi thăm đường vào nhà ông. Tới nơi cũng là lúc ông đang bật radio nghe tin tức trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Dù về hưu lâu rồi nhưng mọi hoạt động của Đảng và sự phát triển của đất nước, ông đều theo dõi thường xuyên. Ở cái tuổi 94, ông Điện không còn nhớ hết những chuyện trong quá khứ, nhưng những ký ức gắn liền với Đảng, với cách mạng, ông vẫn nhớ mồn một. Đặc biệt, ngày 22-7-1947 được ông coi là ngày thiêng liêng nhất đời mình, bởi khi ấy ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mấy mươi năm tham gia kháng chiến chống giặc, ông Hai Điện từng giữ nhiều chức vụ quan trọng... Thời ấy, ông và các đồng đội đã chiến đấu anh dũng như thách đố sự tàn ác của kẻ thù. Đóng quân chỗ này bị phát hiện, họ chuyển chỗ khác để duy trì hoạt động. Ông cũng không thể quên những lúc phải ăn cơm nắm, thậm chí ăn chuối… cầm hơi; rồi những lần ông và đồng đội đào hầm chông, nuôi ong vò vẽ chống giặc khiến quân thù phải bạt vía kinh hồn…

Ông Hai Điện hồi tưởng: “Đối mặt với lửa đạn của kẻ thù nhưng tôi không hề sợ hãi, bởi lý tưởng theo Đảng, theo cách mạng, theo Bác Hồ giống như ngọn lửa ấm áp luôn cháy mãi trong tim. Những lúc gian khổ nhất, anh em đều động viên nhau phải ráng theo tới cùng con đường giải phóng dân tộc mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra, vì chỉ có con đường này mới giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ”.

Một năm sau ngày đất nước giải phóng, ông về hưu và sống vui vầy bên người thân. Trong cách giáo dục con cháu, ông thường răn dạy phải có lòng yêu nước, làm nhiều việc nghĩa và cự tuyệt với cái gian, cái ác. Phát huy truyền thống cách mạng của người cha, người ông đáng kính, con cháu ông Hai Điện đều sống đàng hoàng, nhiều người đã tiếp bước ông để tận tụy phục vụ cho Đảng, cho nhân dân…

Tết đang cận kề, lòng ông Hai Điện bỗng vui rộn rã, bởi mấy ngày nữa con cháu sẽ tập trung về đông đủ để ăn tết đoàn viên. Sẵn dịp này, ông sẽ không quên nhắc nhở “hậu bối” phải luôn tận trung với nước và sống theo lý tưởng cách mạng của Đảng như những gì ông đã làm trong cả cuộc đời.

Luôn tin Đảng đem đến mùa xuân hòa bình, no ấm

Bà Tư Chắc (Nguyễn Thị Chắc), ở khu vực 2, phường VII, năm nay đã 84 tuổi nên tóc bạc trắng, đi lại khó khăn và mang trong người nhiều bệnh tật. Ít ai ngờ cụ bà giờ chỉ quanh quẩn trên chiếc giường ấy lại là một nữ cán bộ từng vào sinh ra tử ở chiến trường U Minh (tỉnh Kiên Giang) ác liệt.

Bà Tư Chắc (thứ ba từ trái qua) trong một lần ra thăm Hà Nội và được gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sinh ra trong thời loạn lạc, ba Tư Chắc nung nấu trong mình ý chí đánh đuổi kẻ thù như bao thanh niên khác. Bà tham gia công tác phụ nữ ở địa phương và lập gia đình với người con trai đất Sài Gòn - Gia Định cũng một lòng theo Đảng. Năm 1954, chồng tập kết ra Bắc trong lúc bà bụng mang dạ chửa ở tháng thứ 7. Đứa con chào đời chẳng được bao lâu thì mất do bạo bệnh. Quá đau buồn, bà quyết định rời quê để đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ phục vụ kháng chiến ở vùng U Minh.

Với sự gan dạ, khôn khéo, nhiều lần bà vận chuyển trót lọt những chuyến hàng phục vụ cho bộ đội chiến đấu. Ngày 10-10-1960, bà nhận nhiệm vụ sang nước bạn Campuchia để chở hàng về căn cứ. “Khi tôi đi, mấy anh trong đơn vị còn dặn: Tư Chắc đi nhanh, về sớm để tổ chức trao quyết định kết nạp Đảng chính thức cho em. Nhưng không ngờ lần đó tôi bị bắt”, bà Tư Chắc nhớ lại.

Rồi giặc nhốt bà qua hàng loạt nhà tù lớn ở miền Nam thời đó như: Rạch Giá, Phú Lợi, Chí Hòa, Thủ Đức, và lần ở nhà tù Phú Lợi làm bà nhớ hơn cả vì những trận đòn roi khủng khiếp.

Để khai thác thông tin, lũ giặc không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Hết đánh đập rồi đến dùng điện tra khảo. Bà không nhớ hết số lần ngất xỉu vì sự tàn ác của kẻ thù. Nhưng đổi lại, lũ giặc chỉ nhận được cái lắc đầu cùng một tiếng “Không” của bà. Thấy không thể thắng được người Cộng sản kiên trung nên chúng trả tự do cho bà Tư Chắc sau 3 năm giam cầm.

Bà Tư Chắc tâm sự: “Khi đã theo Đảng, theo cách mạng thì tôi không sợ gì cả, kể cả cái chết. Đối mặt với những lần tra tấn của kẻ thù, lòng tôi chỉ nghĩ về lời thề với Đảng, tuyệt đối không bán đứng Đảng, bán đứng tổ chức. Trong thâm tâm cứ nghĩ, nếu mình có chết đi thì nhiều người khác sẽ nối bước theo con đường cách mạng vinh quang mà Đảng đã lựa chọn”.

Khi được trả tự do, bà về thăm quê hương được mấy ngày rồi tiếp tục khăn gói trở lại phục vụ đơn vị cũ. Sau ngày toàn thắng, bà được điều động tham gia công tác phụ nữ ở huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) đến năm 1982 thì về hưu.

Hơn nửa cuộc đời phục vụ cho Đảng, bà Tư Chắc chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc và coi đó là quyết định đúng đắn nhất đời mình. Bởi bà tin Đảng sẽ mang lại mùa xuân hòa bình, no ấm.

         ***

Mỗi lần trao nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn là lòng bà Tám Điền (hàng đầu, thứ hai từ trái qua) vui như “mở hội”.

Khí chất của những người đảng viên trung kiên như bà Tám Điền, ông Hai Điện, bà Tư Chắc đáng trở thành tấm gương sáng để những đảng viên “hậu bối” noi theo. Và trong suốt 86 năm Đảng ra đời, phát triển đến nay, có hàng triệu đảng viên luôn ra sức phấn đấu rèn luyện để giữ gìn sắt son lời thề với Đảng. Chính họ đã tô thắm thêm bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng. Bởi họ hiểu rằng, chỉ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng mới đem lại độc lập, tự do cho đất nước, cơm no, áo ấm cho nhân dân và cả những mùa xuân vui tươi, hạnh phúc như lời bài hát:

Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng

Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi

Đảng đã mang về tuổi xuân cho nước non

Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời…

(Đảng đã cho ta mùa xuân - Phạm Tuyên)

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>