Phổ cập tin học cho cán bộ

20/03/2013 | 05:47 GMT+7

Trong năm 2013, Đảng ủy, UBND xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy dự kiến sẽ phổ cập tin học cho hơn 50 cán bộ (kể cả cán bộ ấp). Đây có thể xem là hoạt động… lạ và chưa có tiền lệ ở xã này.

 

Mới đây, lớp bổ túc tin học dành cho cán bộ thuộc Đảng ủy, UBND xã và bí thư, phó bí thư chi bộ các ấp thuộc Đảng bộ xã Vị Thanh được khai giảng, trở thành lớp học đặc biệt, vì toàn là cán bộ đi học.

 

Nói về việc mở lớp phổ cập tin học dành cho… người lớn này, Bí thư Đảng ủy xã Vị Thanh Huỳnh Văn Trắng cho biết: “Mở lớp cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương và nhất là mong muốn của những cán bộ chưa thông về tin học. Việc không biết tin học không chỉ thực hiện không tốt công việc mà chính cán bộ đó cũng thiệt thòi”.

 

Ông Huỳnh Phước Hải (ngồi) được cán bộ Đảng ủy xã Vị Thanh trao đổi kỹ thuật đánh máy và thao tác trên word.

 

Dự kiến, trong năm nay xã Vị Thanh sẽ mở 2 lớp phổ cập tin học. Lớp đầu tiên này có 27 học viên tham gia. Sau lớp này sẽ rút kinh nghiệm và mở lớp tiếp theo cũng dành cho những cán bộ chưa... rành tin học. Điều đáng nói là kết quả học tập và việc áp dụng thực tế kết quả học tập vào công việc hàng ngày của các cán bộ cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm.

 

Trước đây, mỗi cán bộ có một máy tính sử dụng là chuyện không thể. Chính vì cơ sở vật chất thiếu thốn nên một thời gian dài cán bộ… quên mất chuyện cần có tin học, hay nói đúng hơn là cần đánh máy, đây cũng là thực trạng không chỉ riêng gì xã Vị Thanh. Bởi vậy, mở được lớp phổ cập tin học cho cán bộ như ở xã Vị Thanh tuy trễ nhưng cần thiết.

 

Những cán bộ ở Đảng ủy, UBND xã Vị Thanh khá quen với những cán bộ ấp thường xuyên lên xã, nhưng không phải vì công việc mà chủ yếu nhờ đánh máy và sửa văn bản giùm. Bí thư Chi bộ ấp 1 Huỳnh Phước Hải chia sẻ: “Không biết tin học, hay nói trắng ra là không biết đánh máy đã gây ra nhiều vấn đề khó khăn, phiền phức cho cán bộ, nhất là đối với những cán bộ ở ấp. Nói chung, ở ấp cũng ít làm mấy văn bản đánh máy lắm, nhưng thường các báo cáo hàng quý, tổng kết cuối năm hay khen thưởng gì đó phải đánh máy, vậy thì phải mượn trên xã làm giùm, chứ đâu ai biết đánh máy, với lại đâu có máy móc đâu mà làm, khó lắm!”.

 

Ông Hải cũng cho biết thêm, sau đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vừa rồi, thấy những đơn vị khác có máy tính, đánh máy nhanh, còn chi bộ mình phải viết tay rồi phải nhờ đánh máy, nên quyết tâm mua máy tính để… luyện đánh máy.

 

Theo ông Trắng, kinh phí cho lớp học này được xã hội hóa, chi phí cho các thầy cô tham gia giảng dạy chỉ ở mức bồi dưỡng, nhưng các thầy cô đều rất nhiệt tình. Còn trang thiết bị, máy móc đều được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Trường THPT Lê Hồng Phong đóng trên địa bàn xã.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Vị Thanh Nguyễn Văn Lạc bày tỏ: “Phải cố gắng học đặng biết nhiều thứ phục vụ cho công việc, đánh máy thì dễ học rồi, nhưng còn những kỹ năng khác, những thao tác khác chưa rành nên lần này quyết tâm học cho rành để làm việc được tốt hơn”.

 

Còn ông Huỳnh Lê Đức, Phó Trưởng Khối vận Đảng ủy xã Vị Thanh, nói: “Đợt học này phải chú trọng học excel cho biết rõ, biết sử dụng máy tính đã lâu, nhưng chủ yếu cũng để đánh chữ thôi, bây giờ phải học. Tuy tuổi của mình cũng đã quá để học mấy vụ này, nhưng với tôi vẫn chưa trễ”.

 

Cũng không ít ý kiến cho rằng, sau học tập, với tình trạng không có máy thực hành thường xuyên, dù có thông thạo mấy thì cũng trả chữ lại cho thầy. Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy Huỳnh Văn Trắng cho biết, sẽ cố gắng vận động từ nguồn xã hội hóa để mua cho mỗi ấp 1 bộ máy vi tính để phục vụ công việc và nhất là để trau dồi kỹ năng tin học cho những cán bộ ấp.

 

Phổ cập tin học cho cán bộ không còn là chuyện lạ đối với các địa phương, nhưng mở được một lớp học dành cho những cán bộ lớn tuổi như ở xã Vị Thanh có thể xem là mô hình đáng được nhân rộng.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>