Kiểm điểm dưới cờ: Việc làm có một, chưa có hai

06/03/2017 | 16:33 GMT+7

Tạp chí Xây dựng Đảng giới thiệu bài viết "Kiểm điểm dưới cờ: Việc làm có một, chưa có hai" - đoạt Giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ nhất - năm 2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Toàn cảnh kiểm điểm dưới cờ sáng thứ hai đầu tuần

Đảng bộ huyện Đam Rông có trên 1.360 đảng viên, đây là con số không nhỏ đối với một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng với tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73%, gồm 25 dân tộc anh em.

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số thì “cán bộ nói chưa tin, thấy mới tin”, vì vậy, để đồng bào tin và làm theo Đảng thì trước tiên phải cho bà con thấy được sự chuẩn mực về đạo đức, tác phong, trách nhiệm với công việc, gần gũi với đồng bào của cán bộ, đảng viên. Sau nhiều lần bàn thảo, Huyện ủy Đam Rông quyết định chọn việc xây dựng con người đảng viên chuẩn mực làm khâu “đột phá” trong công tác xây dựng đảng.

Luận giải điều này, các đồng chí Thường vụ Huyện ủy Đam Rông cho rằng: Đảng trước hết là tập hợp các đảng viên; hình ảnh của Đảng được thể hiện qua hình ảnh của mỗi một đảng viên. Đảng viên tốt, uy tín Đảng càng cao; đảng viên không tốt, uy tín Đảng càng thấp, vì vậy xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trước hết phải xây dựng con người Đảng viên thực sự chuẩn mực trong mọi mối quan hệ. Biết là thế, nhưng làm thì không dễ. Và hình thức “kiểm điểm dưới cờ” sáng thứ hai đầu tuần là giải pháp được Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chọn lựa với sự đồng thuận cao.


Đồng chí Bùi văn Hởi, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông kiểm điểm dưới cờ

Để làm gương, việc “kiểm điểm dưới cờ” sáng thứ hai đầu tuần được tiến hành theo quy trình từ trên xuống; kiểm điểm Ban Thường vụ trước rồi đến các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc; cấp trên kiểm điểm trước, cấp dưới làm sau; tập thể kiểm điểm trước rồi đến cá nhân. Nội dung kiểm điểm phải làm rõ những yếu kém, khuyết điểm của tập thể, cá nhân trên từng lĩnh vực, cương vị công tác; không kể lể thành tích mà mỗi một cá nhân dù ở cương vị nào cũng cần phải tự soi mình, tìm ra những yếu kém khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Để tránh “bệnh hình thức”, việc “kiểm điểm dưới cờ” phải gắn với hoạt động phản biện, trọng trách phản biện này được giao cho bộ phận giúp việc do Ban Tuyên giáo huyện ủy làm trưởng ban. Như vậy, cứ sáng thứ hai đầu tuần, sau khi người kiểm điểm tự kiểm điểm, bộ phận giúp việc sẽ thực hiện phần phản biện (nhất trí hoặc chưa nhất trí một phần hay toàn bộ đối với nội dung kiểm điểm), đồng thời đánh giá mức độ trung thực cũng như những khuyết nhược điểm mà người được kiểm điểm đã trình bày. Đây là cách làm mới chưa có tiền lệ và không dễ triển khai thực hiện nếu người đứng đầu cấp ủy không quyết liệt, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ không đồng lòng.

Tưởng là khó khăn, nhưng rồi “đầu xuôi, đuôi lọt”, sau phần kiểm điểm đầu tiên đối với đồng chí Bí thư Huyện ủy, các tổ chức cá nhân theo vị trí công tác, chức vụ được giao, trình tự từ trên xuống, lần lượt đứng dưới cờ “tự nhận xét” về mình. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, việc kiểm điểm dưới cờ sáng thứ hai đầu tuần ở huyện Đam Rông đã được triển khai đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã và đã đi vào nế nếp, trở thành cách làm “có một, chưa có hai” trong tỉnh. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã cho rằng tất cả các buổi kiểm điểm đều thể hiện tinh thần cầu thị, cởi mở, dân chủ. Nội dung kiểm điểm sâu sắc, sát thực, chỉ ra được những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân dẫn đến những yếu kém, khuyết điểm và giải pháp khắc phục. Nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn nhưng không hằn học; trực diện nhưng đầy tính xây dựng; người được kiểm điểm và bộ phận phản biện, phê bình, góp ý đều cảm thấy không mất đi tình đồng chí. Cũng nhờ thông qua các buổi kiểm điểm dưới cờ, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện xác định rõ hơn một số vấn đề gây bức xúc xã hội cần được khắc phục sửa chữa kịp thời trên các lĩnh vực. Đặc biệt là các lĩnh vực thủ tục hành chính; công tác quản lý bảo vệ rừng; công tác xây dựng cơ bản; giải phóng mặt bằng; công tác tổ chức cán bộ; tác phong, đạo đức, lối sống. Những yếu kém, khuyết điểm sau khi kiểm điểm dưới cờ đều được giám sát và báo cáo kết quả kết quả khắc phục, sửa chữa dưới cờ.

Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số cấp huyện và cấp xã, họ rất thích được kiểm điểm dưới cờ, họ nhận thức rằng, đây là việc làm rất thiêng liêng giống như ngày mà họ được kết nạp vào đảng. Dưới cờ Đảng và cờ Tổ quốc, những cán bộ, đảng viên đồng bào dân tộc đều kể rất chi tiết những việc chưa làm được, không hề giấu giếm những vi phạm, khuyết điểm. Đồng chí Lê Ích Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đam Rông, Trưởng ban phản biện “kiểm điểm dưới cờ” cho biết: Với cán bộ, đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số được kiểm điểm dưới cờ là một vinh dự, họ liệt kê các chi tiết mà họ vi phạm, kể cả chuyện uống rượu buổi trưa dù không ai biết (quy định của Tỉnh ủy Lâm Đồng không được uống bia, rượu buổi trưa trong các ngày làm việc), uống bao nhiêu lần, uống ở đâu, vì sao uống, vi phạm như thế nào? Những gì vượt quá sự hiểu biết thì họ tự kiểm điểm rằng mình không hiểu, những gì không có khả năng làm được thì họ nói vượt quá khả năng, cần sự giúp đỡ. Sự thành tâm, trung thực của cán bộ, đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số đã lan tỏa, góp phần làm cho việc kiểm điểm dưới cờ đầu tuần ngập tràn không khí chân tình đồng chí. Đến nay, việc kiểm điểm dưới cờ ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện được 3 vòng và hiệu quả của cách làm này trong công tác xây dựng đảng đã được khẳng định, nhất là việc xây dựng con người cán bộ, đảng viên chuẩn mực.

Trong công tác xây dựng đảng và nhất là rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Thang thuốc tốt nhất để phòng ngừa, chữa trị các căn bệnh về tác phong, đạo đức lối sống cho cán bộ đảng viên là phải thiết thực phê bình và tự phê bình. Người cũng nói: "Đảng víên và cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu… đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”. “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm". Người chỉ rõ:"Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng”.

Từ lời dạy trên của Người cho thấy: Việc kiểm điểm dưới cờ sáng thứ hai đầu tuần được triển khai thực hiện rộng rãi ở huyện Đam Rông, là sự vận dụng sáng tạo từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phê bình và tự phê bình. Sự vận dụng sáng tạo ấy đã đem lại hiệu quả thiết thực, mọi hoạt động ở công sở đều dần nề nếp, tác phong lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ huyện đến xã đã từng bước được cải tiến theo hướng “văn minh công sở, công bộc của dân”; phẩm chất, đạo đức, lối sống không ngừng được tôi luyện với mục tiêu mỗi cán bộ, đảng viên trong huyện phải mẫu mực trong mắt quần chúng nhân dân; thực lòng thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Với kinh nghiệm và hiệu quả sau 3 năm thực hiện, “kiểm điểm dưới cờ” sáng thứ hai đầu tuần ở huyện Đam Rông đã, đang là hình mẫu về công tác phê bình, tự phê bình – một trong những điểm cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Theo Văn Tòa/Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng/xaydungdang.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>