Hậu Giang đột phá phát triển nguồn nhân lực

17/03/2022 | 09:07 GMT+7

Đánh giá về kết quả xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng tỉnh có những thành tựu, điểm sáng nhưng nhìn lại thì thấy rằng chưa hài lòng với kết quả đó...

Một cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để xem xét kỷ luật cán bộ.

Bài 2: Đâu là khó khăn, hạn chế ?

Chưa hài lòng là do việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh xét trên nhiều phương diện vẫn còn không ít hạn chế, bất cập.

Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp

Giải thích cho sự “chưa hài lòng” đối với chất lượng nguồn nhân lực, ông Đồng Văn Thanh chỉ ra, người lao động có trình độ từ trung cấp trở lên đạt ở mức thấp so với nhu cầu mà tỉnh ta cần hội nhập quốc tế càng sâu hơn, rộng hơn và nhanh hơn trong những năm tiếp theo.   

Chủ tịch UBND tỉnh cũng trăn trở khi còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cấp trình độ, năng lực chưa ngang tầm với nhiệm vụ; đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ giỏi để dẫn dắt các ngành trọng điểm của tỉnh thì còn thiếu. Trong khi đó, chính sách thu hút nhân tài của tỉnh là có nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, đặc biệt là không thu hút thêm mà còn bị “chảy máu” chất xám, cụ thể ở đây là ngành y tế, hàng năm có lực lượng bác sĩ và cao hơn bác sĩ đã xin nghỉ việc ở tỉnh để đến làm ở những tỉnh khác.

“Khi doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh cần lực lượng có trình độ chuyên môn thì chúng ta không đáp ứng được. Cơ sở đào tạo lực lượng lao động của chúng ta luôn đi sau, không theo kịp với nhu cầu phát triển”, ông Đồng Văn Thanh nói đầy trăn trở. Đó có lẽ cũng là trăn trở chung của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, khi chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa “theo kịp” và phục vụ tốt cho công cuộc xây dựng và phát triển.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cũng nhìn nhận chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay sẽ không theo kịp nhu cầu phát triển, khi mà Hậu Giang đề ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đột phá trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu ra thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh vừa thừa, vừa thiếu. Thừa là thừa những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhưng thiếu cán bộ chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực để tỉnh ta thể chế hóa, hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đó là bất cập mà tỉnh cần sớm giải quyết để sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực, trong bối cảnh Hậu Giang là một trong những tỉnh có số biên chế được giao thấp nhất cả nước.

Một số cán bộ không biết “giữ mình”

Do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cấp trình độ, năng lực chưa ngang tầm với nhiệm vụ đã dẫn đến hoạt động công vụ chưa đạt hiệu quả như mong đợi, chưa giải quyết tốt công việc của người dân và doanh nghiệp.

Có lần tiếp xúc và nghe ông T. (xin giấu tên, địa chỉ) kể về quá trình làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mới thấy vẫn còn những bất cập trong cung cách, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức nhà nước.

Chuyện là ông T. nộp hồ sơ trong 8 tháng nhưng chưa được giải quyết dù đã đi lại nhiều lần. Nhưng chỉ sau một “cuộc điện thoại” của “người quen” thì ngày hôm sau ông đã nhận được kết quả bấy lâu mong đợi.

Phải chăng ông T. là trường hợp duy nhất trải qua điều này? Trong những lần theo đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi tiếp xúc cử tri hay tiếp xúc, đối thoại với người dân tại các huyện, thị, thành trong tỉnh, không ít lần chúng tôi và cả lãnh đạo tỉnh nghe người dân phản ánh bức xúc về sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong giải quyết công việc của dân.

Đâu đó vẫn còn nghe người dân phản ánh việc cán bộ, công chức, viên chức có thái độ nhũng nhiễu, xa cách khi tiếp xúc với người dân, vô cảm với nỗi lo của dân, dẫn tới người dân… sợ khi đến cơ quan công quyền và sợ khi tiếp xúc với cán bộ, công chức.

Đáng trách hơn là một số cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã không biết giữ mình, dẫn đến vi phạm kỷ luật. Họ được tổ chức tin tưởng giao cho những nhiệm vụ quan trọng, thay vì thực hiện tốt, họ lại sử dụng nó không… đúng mục đích.

Từng là lãnh đạo của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành A, nhưng Lý Phương Tùng giờ đây lâm vào cảnh tù tội chỉ vì lòng tham. Với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 780 triệu đồng, Tùng bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt mức án 13 năm tù.

Không chỉ người có chức vụ, một khi không chiến thắng được lòng tham thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bình thường cũng có thể sa ngã vào con đường tội lỗi. Là kế toán UBND phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, bà Phạm Thị Kham La có hành vi ký khống tiền cấp phát cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp hàng tháng nhằm mục đích chiếm đoạt tiêu xài cá nhân, với số tiền 12,6 triệu đồng. Một hành động bị lên án dữ dội vì đã ăn chặn tiền của những người từng có công lao với đất nước.

Tất cả chỉ vì lòng tham bất chính. Ở một góc độ khác, họ thực hiện sai phạm khi mang danh phận là người cán bộ, công chức nhà nước, là công bộc của Nhân dân. Điều đó đã trực tiếp gây sứt mẻ niềm tin của người dân vào hoạt động của bộ máy công quyền.

Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 05 về nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tác phong; xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả; công khai, dân chủ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số ít cán bộ, công chức, viên chức đảng viên lãng phí thời gian làm việc, chấp hành chưa nghiêm Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong giờ làm việc, vẫn còn xuất hiện hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức la cà ở các quán cà phê, quán nhậu. Vào năm 2019, 4 cán bộ ở huyện Long Mỹ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì nhậu trong giờ làm việc…

Những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã trở thành vật cản đối với sự phát triển của tỉnh thời gian qua. Chính vì vậy, Đảng bộ tỉnh đang thể hiện quyết tâm cao để giải “bài toán” khó này, với sự đồng bộ, liên thông, đổi mới trong cơ chế, chính sách, cách làm và biện pháp.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ xử lý kỷ luật 630 đảng viên và 10 tổ chức đảng. Riêng năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra và chi bộ đã thi hành kỷ luật 156 đảng viên, tăng 31 đảng viên so với năm 2020. Nội dung vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; phẩm chất đạo đức, lối sống; những điều đảng viên không được làm; chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; tham nhũng, cố ý làm trái; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; tài chính, xây dựng cơ bản và vi phạm khác.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 3: Xây dựng nguồn nhân lực để tạo nền tảng phát triển lâu dài và bền vững

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>