Đề án giúp đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo

03/03/2021 | 08:30 GMT+7

Đề án Hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, đa dạng sinh hóa và nhân rộng mô hình giảm nghèo các ấp, xã đặc biệt khó khăn, được cấp ủy, chính quyền xã Xã Phiên, huyện Long Mỹ triển khai thực hiện hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Anh Danh Thi chăm sóc đàn heo.

Chỉ tay về 8 con heo vừa bắt cách đây hơn 1 tháng, anh Danh Thi, ở ấp 5, xã Xà Phiên, phấn khởi nói: “Hy vọng chúng mau lớn, sau này bán được giá để cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định”.

Nhiều năm qua, ngoài canh tác 3 công ruộng, hàng ngày vợ chồng anh Thi làm mướn, giăng lưới, cắm câu nhưng không thể thoát nghèo. Theo anh Thi, lý do nghèo vì làm 3 công ruộng chỉ đủ ăn, còn làm thuê thì một ngày làm hai, ba ngày nghỉ; muốn chăn nuôi nhưng không có vốn.

Thực hiện Đề án Hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, đa dạng sinh hóa và nhân rộng mô hình giảm nghèo các ấp, xã đặc biệt khó khăn, tháng 7-2020, cấp ủy, chính quyền xã Xà Phiên tạo điều kiện để hộ anh vay 12 triệu đồng. Từ 12 triệu đồng, anh lên kế hoạch mua 6 con heo về nuôi, mua thức ăn cho 2 bể lươn (nuôi lươn từ đặt trúm). Sau 4 tháng, hộ anh bán lươn và heo lời gần 20 triệu đồng, cuối năm 2020 thoát nghèo.

Anh Thi cho biết: “Theo tôi, để thoát nghèo thì cần nhiều yếu tố, trong đó có cả vốn để làm ăn. Cũng nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện để tôi vay vốn thực hiện mô hình nuôi heo và lươn nên mới thoát nghèo. Tôi sẽ tiếp tục nuôi heo và lươn, đồng thời tìm tòi, học hỏi các mô hình khác phù hợp với gia đình để thoát nghèo bên vững”.

Còn hộ ông Danh Thắng, ở ấp 5, xã Xà Phiên, tuy cuộc sống không bằng anh Thi, nhưng từ khi địa phương hỗ trợ vốn để nuôi gà thì đã đỡ vất vả.

Những năm trước, kinh tế hộ ông Thắng dựa vào làm mướn, giăng lưới, cắm câu, nhưng vợ bị bệnh mãn tính, một đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam nên mấy chục năm qua thuộc diện nghèo. Để giúp ông ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp ông vay 15 triệu đồng từ đề án trên.

Có vốn, ông làm chuồng, mua 400 con gà về nuôi, sau 4 tháng thì xuất chuồng. “Bán 400 con gà, tôi lời gần 10 triệu đồng. Tuy chưa thoát nghèo nhưng cuộc sống của gia đình ổn định hơn trước rất nhiều. Đề án này thật sự là cứu cánh cho gia đình tôi”, ông Thắng cho biết.

Theo lãnh đạo xã Xà Phiên, thực hiện Đề án Hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, đa dạng sinh hóa và nhân rộng mô hình giảm nghèo các ấp, xã đặc biệt khó khăn, năm 2020 xã có 59 hộ được hỗ trợ với 805 triệu đồng. Các hộ này tập trung vào những mô hình như: nuôi heo, gà, vịt, lươn, trồng màu... “Hầu hết các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, nhiều mô hình được nhân rộng phù hợp với điều kiện của gia đình, giúp nhiều hộ thoát nghèo”, ông Phạm Hoàng Khâm, Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, cho biết.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2020, thực hiện Đề án trên, toàn tỉnh có 176 hộ được hỗ trợ với trên 2,5 tỉ đồng. Đây là chương trình hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, chưa có kiến thức, nguồn lực để phát triển sản xuất; đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo có điều kiện tham gia Đề án để phát triển kinh tế nhằm thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Các hộ tham gia Đề án được hỗ trợ về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ tiền để đầu tư không tính lãi và sau 5 năm số tiền được trả lại. Qua quá trình thực hiện đề án, các địa phương cũng có cách làm phù hợp với từng gia đình và mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ lãnh đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Bên cạnh đó, xem xét, nhân rộng những mô hình thực hiện hiệu quả trong phát triển kinh tế, thoát nghèo, nhất là phù hợp với từng gia đình, giúp họ thoát nghèo bền vững”.

Đề án Hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, đa dạng sinh hóa và nhân rộng mô hình giảm nghèo các ấp, xã đặc biệt khó khăn thật sự là “cứu cánh” cho những hộ gặp khó khăn trong phát triển sản xuất, thoát nghèo, rất cần duy trì, nhân rộng…

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>