Chuyện một thời oanh liệt

19/10/2012 | 05:35 GMT+7

Đây là lần thứ 2 sau gần 10 năm chia tách tỉnh, những cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang - Cần Thơ qua các thời kỳ mới có dịp ngồi lại hàn huyên, tâm sự. Một ngày ngắn ngủi để nhớ về kỷ niệm, để sẻ chia và để sống lại khoảnh khắc một thời từng là cán bộ của Văn phòng cấp ủy…

 

Kỷ niệm tràn về

 

Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ hôm nay nhộn nhịp lạ thường. Trong dòng người về dự họp mặt, nhiều cô chú vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng cũng có những bạn còn rất trẻ. Ngày họp mặt, mọi người tay bắt mặt mừng, có người không cầm được nước mắt khi nhận ra đồng chí, đồng đội của mình. Trong khoảnh khắc, kỷ niệm ùa về, ai cũng muốn nói, tâm sự, chia sẻ thật nhiều, từ chuyện thời chiến cho đến chuyện thời bình.

 

Vui mừng ngày gặp mặt.

 

Ông Nguyễn Văn Hồng bùi ngùi nhớ lại: “Hồi đó, tôi làm bên điện đài, chuyên nhận thông tin để chuyển cho bộ phận cơ yếu. Nói ra mấy cháu nhỏ tuổi chắc không hình dung được, hồi đó chúng tôi nhận thông tin đến bằng một cái máy tự chế mà tôi gọi vui là máy “tít te”. Cứ “te tít” là chữ A, “te tít tít” là chữ B,… Hồi tôi còn trẻ làm mấy chuyện đó dễ ợt, ghi một lúc được cả trăm ký tự. Bây giờ mà nhận thông tin kiểu này chắc tôi… “đầu hàng” luôn”.

 

Tại buổi họp mặt, gần chục cô chú là thành viên của Đội giao liên CK-A808 (Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ) cũng tề tựu về đây.

 

Bà Trương Thị Hết, thành viên của Đội giao liên, kể: “Hồi đó tôi bị bắt 3 lần, mỗi lần như vậy tụi nó nhốt mấy tháng trời, tra tấn, đánh đập dữ lắm. Bây giờ nhớ lại thấy nhức mình. Nhưng mình không khai báo gì, tụi nó cũng không có bằng chứng rõ ràng nên được thả”.

 

Còn bà Cao Thị Thu nhớ lại: “Tui gia nhập đội CK khi mới 17 tuổi, hồi ấy mọi người hay chọc tui là “em bé” của đội, vì tui nhỏ tuổi nhất và nhỏ con nhất, mà cũng bị đánh nhiều nhất nữa. Mấy cháu coi phim “Biệt động Sài Gòn” thấy cảnh nhân vật Huyền Trang bị giặc hành hạ ra sao thì tụi cô cũng giống vậy đó. Cũng từng bị chích điện, cho uống xà bông. Hồi đó gần 10 đầu móng tay của tui bị sứt hết, lâu lắm mới ra lại đó chớ”…

 

Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động, khơi gợi lại một thời gian lao mà anh dũng của những cô chú từng làm công tác ở Văn phòng cấp ủy. Gần 400 cán bộ về đây họp mặt, là có gần 400 câu chuyện vui buồn. Tất cả đã góp phần vẽ lên hình ảnh đẹp về truyền thống vẻ vang của những cán bộ Văn phòng cấp ủy.

 

“Nghề” văn phòng đâu dễ !

 

Bà Phạm Thị Kim Liên, từng đảm nhiệm công việc văn thư - đánh máy từ thời chiến đến thời bình cho Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ (cũ), nhớ lại: “Hồi đó nhiệm vụ của tôi cũng quan trọng lắm à, được giao đánh máy nhiều tài liệu mật. Tôi nhớ, chỗ tôi ngồi đánh máy lúc nào cũng có can xăng để sẵn. Đặng khi có động tĩnh gì thì nhanh tay đốt hết tài liệu, không để rơi vào tai địch hay lọt ra ngoài không đúng thời điểm”.

 

Ông Huỳnh Thương, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Cần Thơ, chia sẻ: “Tôi cũng từ cán bộ văn phòng mà lên. “Nghề” văn phòng thấy vậy chứ không dễ đâu, ở một cuộc họp thấy ai bận rộn nhất thì đó là cán bộ văn phòng; chuẩn bị cuộc họp ai bận rộn nhất cũng là văn phòng. Thấy ai mà tai nghe, mắt nhìn, tay ghi, miệng nói… đích thị là cán bộ văn phòng. Có thể họ không phải là những người xuất sắc nhất, nhưng họ đều là những người giỏi”.

 

Giờ đây, Văn phòng cấp ủy không chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu, tổng hợp, hành chính, lưu trữ, cơ yếu, mà còn đảm nhiệm cả trọng trách tham mưu, tổng hợp, thẩm định các dự án về lĩnh vực kinh tế, nội chính; theo dõi quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Đảng; bảo đảm các điều kiện làm việc của các cấp ủy…

Vị thế những cán bộ làm công tác Văn phòng cấp ủy không ngừng được nâng cao. Họ luôn thể hiện được trách nhiệm, làm tốt công tác tham mưu, có thể xem là “cánh tay phải” cho lãnh đạo.

 

Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Năm 2010 đã tổ chức họp mặt lần đầu tiên và đây là lần thứ 2. Văn phòng Tỉnh ủy nhận được rất nhiều ý kiến và nguyện vọng được họp mặt từ các cô chú, nên đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy quyết định tổ chức họp mặt đợt này”.

 

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn:

“Cán bộ văn phòng tham mưu đúng, mới giúp lãnh đạo đưa ra quyết định đúng”

 

 

- Văn phòng Thành ủy Cần Thơ và Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cần tiếp tục sưu tầm những tài liệu lịch sử về Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ - Hậu Giang qua các thời kỳ, vì đây chính là tư liệu quý báu để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ cán bộ Văn phòng cấp ủy hôm nay. Cán bộ văn phòng có nhiệm vụ và trách nhiệm rất quan trọng. Cán bộ văn phòng có nắm bắt chắc tình hình, tham mưu đúng, thì mới giúp lãnh đạo đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp tình hình và ngược lại…

 

****

Vài nét về Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy

 

Sau khi thành lập Đảng (1930), mặc dù tổ chức văn phòng không nêu trong quyết định bộ máy giúp việc cho Trung ương, nhưng không thể thiếu những hoạt động của công tác văn phòng như: in ấn, phát hành tài liệu, bảo vệ cán bộ, liên lạc… vì vậy, vào tháng 5-1947, Văn phòng Trung ương Đảng chính thức được thành lập tại Căn cứ địa Việt Bắc, với tên gọi Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Văn phòng Trung ương đã phục vụ đắc lực cho các hoạt động lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ngày 29-1-2002, Ban Bí thư quyết định lấy ngày 18-10-1930 là Ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng cấp ủy nói chung để ghi nhận những đóng góp to lớn của Văn phòng cấp ủy.
 

(Trích diễn văn kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy)

 

Bài, ảnh: H.NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>