Chuyện cán bộ không chuyên trách nghỉ việc: Thực trạng và giải pháp

05/10/2017 | 07:59 GMT+7

Theo thống kê, giữa tháng 8-2017, toàn tỉnh có 979 cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cơ sở xin nghỉ việc, trong đó có 666 người ở xã, phường, thị trấn và 313 người ở ấp, khu vực. Tình trạng này đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở của tỉnh hiện nay.

Phụ cấp ít ỏi, áp lực công việc nhiều khiến anh Phạm Thanh Hải quyết định xin nghỉ việc.

Bài 1: Vì sao cán bộ không chuyên trách nghỉ việc ?

Trước số lượng cán bộ không chuyên trách xin nghỉ việc nhiều, lãnh đạo Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng của tỉnh tổ chức nhiều cuộc làm việc với các địa phương để tìm hiểu nguyên nhân, và nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là vì chế độ quá thấp...

Nhiều người từng cống hiến một thời gian dài nhưng vì cuộc sống gia đình khó khăn khiến họ chọn hướng đi khác dù tinh thần cống hiến vẫn còn…

Thu nhập bèo bọt

Năm 2010, anh Phạm Thanh Hải vào làm công an viên xã Vị Thắng với mong muốn góp sức trẻ giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân. Bao năm qua, anh đã thực hiện tốt lý tưởng đó khi là cá nhân năng nổ, nhiệt tình với nhiệm vụ. Nhưng đầu năm nay, anh quyết định xin nghỉ việc vì không đủ sống với chế độ phụ cấp chỉ 835.000 đồng/tháng.

Nhớ lại quyết định xin nghỉ việc cách đây mấy tháng, anh Hải chia sẻ đã phải trăn trở, trằn trọc rất nhiều. Đặc biệt là khi nói ra điều này với tập thể cơ quan, được mọi người động viên, khuyến khích khiến lòng anh càng thêm ray rứt. Nhưng cuối cùng anh vẫn quyết định xin nghỉ vì nặng lo chuyện cơm áo gạo tiền của gia đình. “Nói là cán bộ không chuyên trách nhưng công việc ở cơ quan dường như chiếm trọn thời gian của tôi, cha mẹ ở nhà làm mấy công ruộng mà không thể phụ được gì, mấy ngày tết là coi như làm nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm. Công việc là vậy nhưng phụ cấp quá ít ỏi; mang tiếng đi làm nhưng tháng nào cũng phải xin tiền để xài”, giọng anh Hải cứ đứt quãng khi kể về chuyện đã qua.

Nghỉ làm công an viên, anh Hải lăn lộn đủ nghề, từ làm phụ hồ tới giăng câu, thả lưới, đẩy côn bắt cá. Mùa nước nổi tràn đồng đang mang lại nguồn thu nhập kha khá cho người thanh niên mới 29 tuổi này. Anh Hải cho biết, dù làm hồ hay đánh bắt thủy sản thì thu nhập có thể cao hơn gấp 3-4 lần so với phụ cấp khi làm công an viên.

Đã nghỉ việc nhưng anh Hải mong muốn chế độ dành cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở sẽ sớm được cải thiện để không còn nhiều trường hợp cán bộ xin nghỉ việc vì chế độ thấp…

Cũng vì thu nhập thấp mà chị Đặng Thị Yến xin nghỉ việc dù có thâm niên 2 năm làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A. “Bản thân tôi còn tâm huyết với nghề nhưng phải xin nghỉ vì đồng lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, nuôi bản thân còn chưa đủ huống gì lo cho gia đình”, chị Yến bộc bạch.

Hiện tại, chị Yến xin vào làm công nhân tại Công ty TNHH Lạc Tỷ (Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A). Dù công việc có vất vả hơn lúc làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn nhưng đổi lại có nguồn thu nhập khá hơn.

Ngoài chế độ thấp, áp lực công việc nhiều cũng là nguyên nhân khiến nhiều cán bộ không chuyên trách phải “mỏi gối chồn chân”. Theo quy định thì cán bộ không chuyên trách là người chỉ tham gia việc công trong một phần thời gian lao động chứ không bắt buộc phải làm hết thời gian như cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, một số cán bộ không chuyên trách cấp xã chia sẻ rằng, thời gian họ làm việc không khác mấy so với cán bộ chuyên trách nên hầu như khó có thể làm việc khác kiếm thêm thu nhập.

Qua nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra một số cấp ủy, chính quyền đôi lúc giao nhiệm vụ quá nhiều cho cán bộ không chuyên trách, thời gian làm việc nhiều lúc 8 giờ/ngày, thậm chí làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật khiến họ không có thời gian phát triển kinh tế gia đình. Phụ cấp thấp cộng với thời gian làm việc nhiều là những nguyên nhân chính khiến nhiều người không còn thiết tha với vai trò cán bộ không chuyên trách.

Khó giữ chân cán bộ

Đằng sau mỗi trường hợp cán bộ không chuyên trách xin nghỉ việc là những tiếng thở dài pha lẫn sự nuối tiếc không chỉ riêng người trong cuộc mà còn của cả lãnh đạo chính quyền cơ sở…

Bí thư Đảng ủy xã Vị Trung Nguyễn Minh Vương kể lại câu chuyện cách đây chưa lâu, người thanh niên phụ trách Ấp đội ấp 11 đến gặp ông bày tỏ ý định xin nghỉ việc. Người này nêu lý do vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ cấp quá thấp nên mới xin nghỉ. Biết người này nhiệt tình, năng nổ với công việc nên ông Vương ra sức động viên, thuyết phục nhưng không có kết quả.

“Nếu cán bộ không chuyên trách nào đó có ý định xin nghỉ việc thì Đảng ủy xã cố gắng làm công tác tư tưởng nhiều lần. Nhưng nhiều trường hợp vì hoàn cảnh gia đình khó khăn muốn rẽ đi con đường khác nên dù thuyết phục thế nào cũng không làm họ thay đổi ý định”, ông Vương nói.

Nhiều người cho rằng, tình trạng cán bộ không chuyên trách nghỉ việc xuất phát từ thực tế của cuộc sống. Trong khi cán bộ không chuyên trách ở cơ sở chỉ hưởng mức phụ cấp vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/tháng thì những người làm ở ngành nghề khác, thậm chí là công nhân hay phụ hồ có thu nhập cao hơn. Thực tế đó khiến cho tư tưởng của nhiều cán bộ không chuyên trách dao động dẫn đến xin nghỉ việc.

Mỗi cán bộ dù là chuyên trách hay không đều là một bộ phận trong hệ thống chính trị ở cơ sở, một khi có cán bộ không chuyên trách xin nghỉ việc thì chắc chắn hoạt động của hệ thống chính trị nơi đó phát sinh nhiều khó khăn. Thế nên, với con số gần 1.000 cán bộ không chuyên trách nghỉ việc đang thật sự đặt ra nhiều thử thách cho công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở của tỉnh hiện nay…

“Thật sự tôi còn yêu nghề lắm nhưng vì cuộc sống khó khăn nên đành xin nghỉ”, anh Phạm Thanh Hải chia sẻ.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 2: Nhiều hệ lụy cho hệ thống chính trị ở cơ sở

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>