Cải cách hành chính đồng bộ, hiệu quả

05/12/2019 | 07:57 GMT+7

Kết thúc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2019, Hậu Giang đạt nhiều kết quả, song cũng còn những hạn chế cần khắc phục cho năm sau. Về vấn đề này, ông Trần Văn Quân (ảnh), Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin cụ thể.

Năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành trong cải cách hành chính ở tỉnh được thực hiện thống nhất, đồng bộ ?

- Thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 02/8/2018 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3906 ngày 07/11/2018 của UBND tỉnh về Nâng cao chất lượng các chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI và PCI tỉnh giai đoạn 2018-2021 và những năm tiếp theo, các sở ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Qua kiểm tra thực hiện, chúng tôi ghi nhận rất nhiều tiến bộ về tuyên truyền cải cách hành chính thực hiện có chiều sâu, thiết thực; công tác kiểm tra cải cách thực hiện khá tốt; trong năm, có nhiều giải pháp được các đơn vị triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả.

Công tác cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Đã triển khai thực hiện nghiêm quy định về tổ chức bộ máy và tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước theo hướng tinh gọn, tăng cường quản lý nhà nước theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giảm đầu mối; kịp thời ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Các cấp, ngành đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 108 ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định 113 ngày 31/8/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108 đúng quy định và sẽ hoàn thành đúng lộ trình.

Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Đã từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua đào tạo sau đại học, thu hút nhân lực. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO ngày càng hiệu quả. Trung tâm Hành chính công tỉnh hoạt động hiệu quả góp phần quan trọng vào việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân...

lNăm nay, lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành rất quan tâm cải cách trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cải cách liên thông, ông đánh giá gì về bước tiến này so năm 2018 ?

- Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo trong thực hiện dịch vụ công và thực hiện liên thông TTHC. Sắp tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ có báo cáo đánh giá về chất lượng hoạt động của cổng dịch vụ công trực tuyến để Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Đến thời điểm này có thể khẳng định, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tác động tích cực trong việc công khai, minh bạch các quy định và quy trình giải quyết hồ sơ hành chính.

Bên cạnh đó, dù đã thực hiện cơ chế liên thông trong giải quyết TTHC từ năm 2012 nhưng đến cuối năm 2018, việc thực hiện liên thông của tỉnh chỉ dừng lại ở mức “đạt theo quy định”. Từ năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện cơ chế liên thông giải quyết TTHC nên giảm thời gian, công sức và chi phí đi lại của tổ chức và cá nhân.

Tóm lại, việc cung cấp dịch vụ công của tỉnh hiện nay đã tiến bộ hơn rất nhiều so năm 2018.

Thủ tục hành chính nói chung đã được tinh gọn, rút ngắn như thế nào, thưa ông ?

- Đó là nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết. Trong quý III, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 139 TTHC trên tổng số 496 thủ tục được công bố.

Ngoài ra còn là hoạt động giảm đầu mối trong việc giải quyết TTHC. Cụ thể, thông qua thực hiện cơ chế một cửa liên thông thì người dân không cần phải đi lại nhiều cơ quan để yêu cầu giải quyết, như TTHC liên thông khai sinh - nhập khẩu - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Và giảm giấy tờ khi làm TTHC. Chi phí phát sinh khi làm TTHC như photo hộ khẩu, chứng minh nhân dân… cũng là gánh nặng cho người dân. Thông qua việc rà soát TTHC, tỉnh đã cắt giảm các thành phần không cần thiết trong quá trình thụ lý, giải quyết.

Cán bộ bưu điện xử lý nhận, chuyển hồ sơ hành chính cho người dân tại Trung tâm Hành chính công.

Ông nhận thấy cải cách hành chính ở tỉnh còn những hạn chế gì ?

- Tôi thấy công tác này ở tỉnh còn những hạn chế về tổ chức thực hiện tại một số đơn vị còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một số đơn vị cấp xã và một số cán bộ, công chức cấp cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác cải cách nên tình trạng vi phạm các quy định còn diễn ra.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả chưa cao, triển khai các phần mềm dùng chung và các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn chậm, đặc biệt là ở cấp xã. Điều kiện về máy móc, thiết bị tại đơn vị hành chính các cấp còn nhiều nơi chưa bảo đảm, chưa thuận tiện cho thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, công tác phối hợp rà soát, cập nhật, trình, công bố TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của một số sở, ngành còn chậm so với yêu cầu. Việc cập nhật, niêm yết công khai TTHC tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC vẫn còn có nơi thực hiện chưa đầy đủ, chưa thống nhất, khó tra cứu…

Trên cơ sở kết quả đạt được và hạn chế, năm 2020, công tác này sẽ có những đổi mới như thế nào, thưa ông ?

- Năm 2020, tỉnh sẽ tập trung vào một số khâu đột phá về cải cách nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành nói chung và chỉ đạo, điều hành trong công tác cải cách hành chính nói riêng thông qua những giải pháp cụ thể. Như đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm; tăng cường công tác tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu để mỗi cán bộ, công chức, viên chức thấy được vai trò trách nhiệm của mình.

Sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước như: khai thác có hiệu quả cổng dịch vụ công trực tuyến; triển khai họp không giấy; tăng cường ký số để tiến đến số hóa các hồ sơ hành chính.

Cùng với đó là kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nâng chất hoạt động của Trung tâm Hành chính công trên cơ sở Kế hoạch thí điểm chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và tra kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích...

Chỉ số PAR INDEX là chỉ số cải cách hành chính; SIPAS là chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân vào sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. PAPI là chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh và PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

 

Xin cảm ơn ông !

T.THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>