Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Buổi đầu xây dựng phong trào, tổ chức cách mạng

25/03/2022 | 08:22 GMT+7

Sau khi dẹp yên các cuộc nổi dậy, chính quyền Pháp siết chặt chế độ cai trị, thực hiện các chính sách hà khắc. Bộ máy kềm kẹp, đàn áp dân chúng ngày càng tinh vi, tàn ác... Thế nhưng, từ áp bức đó, đã thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản và tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng khắp nơi, trong đó có tỉnh Rạch Giá và vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu.

Đường về xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh ngày nay, một trong những nơi có phong trào cách mạng hoạt động mạnh trong giai đoạn trước năm 1945.

Tháng 8-1929 tại Nam Kỳ, tổ chức An Nam Cộng sản Đảng ra đời. Sau đó, Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang thành lập vào tháng 9-1929 tại Bình Thủy (Cần Thơ) nhằm chỉ đạo, xây dựng phong trào cách mạng rộng khắp miền Hậu Giang. Tháng 11-1929, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành lập tại điền Tây Cờ Đỏ (Cần Thơ), sát quận Giồng Riềng (Rạch Giá) không xa vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu.

Ngày 3-2-1930, một sự kiện trọng đại đối với dân tộc Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, thống nhất 3 tổ chức cộng sản trong cả nước. Đây là dấu ấn lịch sử, mở ra thời kỳ đấu tranh cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Không lâu sau, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Rạch Giá được thành lập tại xã Mỹ Quới, quận Phước Long. Đồng thời, tại quận Long Mỹ phong trào cách mạng tiến thêm một bước: Thành lập chi bộ ghép giữa làng Long Phú với làng Mỹ Quới vào năm 1936.

Việc sớm ra đời của các tổ chức Đảng trong tỉnh và miền Hậu Giang đã lan tỏa rộng khắp. Trong đó, có các làng Hỏa Lựu, Tân Long (Long Mỹ) và Vị Thanh (Giồng Riềng). Những nơi này tuy chưa thành lập được chi bộ nhưng nhiều đồng chí đảng viên của tỉnh và các quận vẫn thường xuyên lui tới gây dựng phong trào, tuyên truyền về đường lối, chủ trương khi cần thiết sẽ lãnh đạo Nhân dân đấu tranh bằng nhiều hình thức.

Sau Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, tháng 1-1941, Liên Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức hội nghị cán bộ để kiểm điểm tình hình, rút kinh nghiệm của khởi nghĩa; quyết định chọn rừng U Minh Thượng làm căn cứ để huấn luyện cán bộ và chế tạo vũ khí toàn liên tỉnh, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp tới khi có thời cơ. Lúc bấy giờ, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng một số đồng chí trong Đảng bộ Rạch Giá, chịu trách nhiệm xây dựng khu căn cứ U Minh Thượng.

Từ thuận lợi các tổ chức Đảng càng nhân rộng, lấy được căn cứ, phong trào cách mạng vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu thêm trưởng thành. Một số đảng viên ở tỉnh và các nơi đến vận động, phát triển đảng viên xây dựng cơ sở đảng trong quần chúng, tại làng Vĩnh Tuy (Gò Quao), Hỏa Lựu. Năm 1942, các chi bộ Xà Phiên, Vĩnh Viễn cũng được thành lập. Đồng chí Võ Văn Kiệt đến xây dựng cơ sở tại làng Lương Tâm, phát triển thêm 4 đảng viên.

Một đặc điểm đáng chú ý, sau Nam kỳ khởi nghĩa, các chi bộ làng trong quận Long Mỹ chịu sự chỉ đạo của 2 đảng bộ: Long Hồ (Vĩnh Long) và Long Mỹ (Rạch Giá). Việc chỉ đạo phong trào ở Hỏa Lựu do Đảng bộ quân Long Mỹ phụ trách. Tại làng Vị Thanh, do Quận ủy Giồng Riềng chịu trách nhiệm.

Giai đoạn sau Nam kỳ khởi nghĩa, phong trào cách mạng vùng Hỏa Lựu, Vị Thanh có nhiều chuyển biến tích cực, với thái độ, hành động đấu tranh quyết liệt. Bởi sau thành bại Nam kỳ khởi nghĩa, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, truy lùng gắt gao người yêu nước. Trong khi đó, Hỏa Lựu là một trong những nơi ẩn náu an toàn cho người từ địa phương khác tránh sự khủng bố của chính quyền Pháp.

Dần dần, phong trào đấu tranh của Nhân dân Hỏa Lựu, Vị Thanh càng diễn ra liên tục, bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền tin đồn cộng sản nổi dậy ở Rạch Giá, Sài Gòn, Tân An… nhằm trấn áp tinh thần giới hương chức, chủ điền, khiến họ hoang mang, lo sợ. Lúc này, một số tổ chức chống Pháp khác như: Kèo Vàng, Kèo Xanh cũng nổi lên chống tăng tô, chống đi lính.

Tháng 10-1949, cơ sở cách mạng tại Hỏa Lựu tổ chức cho anh Hai Hứ diệt điền chủ Sáu Yến, vì y có nhiều tội ác với Nhân dân. Qua sự kiện này, Nhân dân rất phấn khởi, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, chống giặc Pháp xâm lược và bọn cường hào ác bá tay sai.

Hạt giống đỏ vùng Hỏa Lựu ngày càng lớn mạnh, từ năm 1943-1945, một nông dân tên Sáu Trị ở ấp Thạnh Quới, tình nguyện làm đầu mối liên lạc bí mật cho cán bộ, đảng viên là các anh Bùi Duy Hinh, Lữ Hữu Để hoạt động tại làng Hỏa Lựu.

Đầu năm 1941, Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá được thành lập, tổ chức đưa cán bộ cốt cán xuống các quận, các làng nhằm tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng. Tại làng Vị Thanh, có các đồng chí Khải, đồng chí Bảy Bụng kết hợp với cán bộ địa phương Vị Thanh là đồng chí Sở, đồng chí Xứ ráo riết xây dựng cơ sở, tổ chức cách mạng.

Tình hình phát xít Nhật đảo chính ở Đông Dương đã tác động mạnh đến quân Pháp đóng ở Vị Thanh. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương khiến Pháp phải lên tàu tháo chạy về hướng Rạch Giá. Để ngăn quân Nhật truy kích, quân Pháp đã đặt chất nổ làm sập một nhịp cầu quay (Cầu Đúc).

Phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên bình diện cả nước, đã tác động mạnh tới tỉnh Rạch Giá. Trong khí thế sục sôi, lại được cán bộ cách mạng tuyên truyền, giáo dục, Nhân dân vùng Hỏa Lựu - Vị Thanh đã có bước chuẩn bị cho công cuộc vùng lên, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Trong các làng đã tổ chức trui rèn hàng trăm dao găm, mã tấu; chế biến da trâu, da bò làm dây nịt, bao dao găm. Ngoài ra, nhiều gia đình nhận lãnh may hàng trăm cờ đỏ sao vàng, mũ ca lô cho lực lượng vũ trang.

Đáng chú ý, các tổ chức đảng, đảng viên đã vận động quần chúng tham gia các tổ chức thanh niên Tiền Phong, Cộng hòa Vệ Binh, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng nổi dậy.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>