Lời giải cho “bài toán” đảng viên đi làm ăn xa

Bài 3: Xây dựng Đảng mạnh từ cơ sở

06/04/2017 | 07:50 GMT+7

Để “lôi kéo” đảng viên đi làm ăn xa trở về địa phương thì trước hết phải tạo điều kiện cho họ làm ăn, phát triển kinh tế. Điều đó đòi hỏi chi bộ - nơi quản lý trực tiếp đảng viên, phải có đủ năng lực để hỗ trợ, hướng dẫn họ nên làm gì, làm bằng cách nào để vươn lên trong cuộc sống. Do đó, việc nâng cao năng lực hành động và chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng là nhiệm vụ cần thiết mang tính nền tảng để từng bước tháo gỡ tình trạng đảng viên đi làm ăn xa.

Một cuộc họp của Chi bộ ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ.

Thật ra công tác này đã và đang được các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện thời gian qua và kết quả là rất đáng ghi nhận.

Từ một chi bộ điểm

Gần đây, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 09 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cấp ủy gắn với nâng cao năng lực hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên; chọn Chi bộ ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, làm điểm chỉ đạo.

Chi bộ này hiện có 27 đảng viên. Bí thư Chi bộ ấp 7 Phạm Văn Bi cho biết, hạn chế lớn nhất mà chi bộ gặp phải trước đây là đảng viên ít phát biểu ý kiến trong các cuộc họp, nhưng điều đó đến nay đã hoàn toàn thay đổi.Để kiểm chứng, chúng tôi đã trực tiếp tham dự một cuộc họp chi bộ ấp này. Đúng với những gì ông Bi “khoe”, phần phát biểu đóng góp ý kiến của đảng viên diễn ra sôi nổi, có trọng tâm, trọng điểm và đầy tâm huyết. Qua đó, giúp tập thể chi bộ có cái nhìn đa chiều hơn về những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Cuối cuộc họp, chi ủy chi bộ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên phù hợp với điều kiện, năng lực của mỗi người. Ông Phạm Văn Bi còn dặn dò kỹ lưỡng các đảng viên trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn gì thì báo ngay để tập thể chi bộ hỗ trợ, giúp đỡ đảm bảo công việc diễn ra trôi chảy.           

Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên là tiền đề để Chi bộ ấp 7 thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, trong đó góp phần không nhỏ giúp Long Trị A “về đích” xã nông thôn mới vào ngày 22-12 năm ngoái. Bên cạnh đó, đảng viên chi bộ luôn đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau thực hiện có hiệu quả các mô hình làm ăn như trồng lúa lai, lúa giống, vườn rau, ao cá. Nhờ vậy mà chi bộ không còn trường hợp đảng viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mô hình đảng viên hùn vốn để phát triển sản xuất. Cách làm này vừa gắn kết thêm tình cảm giữa các đảng viên vừa có được nguồn vốn giúp anh em vay xoay vòng làm ăn không tính lãi”, ông Bi chia sẻ.

Hiện chi bộ này có 2 đảng viên đi làm ăn xa ở tỉnh Bình Dương, do làm tốt công tác giáo dục nên đảng viên đều viết đơn xin phép theo quy định để không bị xóa tên. Cũng nhờ hoạt động có chất lượng đã giúp Chi bộ ấp 7 đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm 2016, và họ quyết tâm giữ vững thành tích ấy thêm nhiều năm nữa.

Xây dựng Đảng hướng về cơ sở

Ngoài Chi bộ ấp 7 được tỉnh chọn làm điểm, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy cũng chọn 1-2 chi bộ điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng mô hình để nhân rộng theo Kế hoạch số 09 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, với quyết tâm nâng dần chất lượng hoạt động của tổ chức đảng ở cơ sở.

Huyện Châu Thành đã chọn Chi bộ ấp Phú Quới, xã Đông Thạnh, để làm điểm chỉ đạo. Không riêng Chi bộ ấp Phú Quới, công tác nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng được thực hiện rộng khắp ở tất cả các chi bộ trên địa bàn huyện, đặc biệt là ở những chi bộ hoạt động hiệu quả chưa cao. Nếu như năm 2015, địa phương này có 6 chi bộ ở mức hoàn thành nhiệm vụ thì đến năm 2016, tất cả đã “vượt lên chính mình” khi trở thành chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đơn cử như tại Chi bộ ấp Đông Lợi, xã Đông Phước. Do tồn tại nhiều hạn chế, như: có đảng viên đi làm ăn xa không tham gia sinh hoạt chi bộ thường xuyên, có trường hợp đảng viên bị kỷ luật và việc lập biên bản các cuộc họp chi bộ chưa được kỹ nên chi bộ này chỉ được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ năm 2015. Trước tình hình trên, Đảng ủy xã Đông Phước đã tăng cường số lượng Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã xuống chỉ đạo trực tiếp công tác xây dựng Đảng ở chi bộ ấp này. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc hướng dẫn, hỗ trợ họ tổ chức sinh hoạt chi bộ hàng tháng đúng Hướng dẫn số 09 của Ban Tổ chức Trung ương.

“Nhờ được cấp trên tích cực hỗ trợ, hướng dẫn mà chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng lên, đảng viên cũng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Kết quả là năm 2016, chi bộ được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Bí thư Chi bộ ấp Đông Lợi Đặng Văn Cậy chia sẻ.

Nói về công tác xây dựng Đảng trên địa bàn, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành Tiêu Văn Bảy cho biết: “Vào cuối năm 2015, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 02 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua hơn 1 năm thực hiện, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hầu hết các cấp ủy đều phát huy được vai trò hạt nhân trong hệ thống chính trị và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào, nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Riêng cán bộ, đảng viên ngày càng có ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với Đảng, với dân. Họ luôn phát huy tính tiền phong, gương mẫu và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ do tổ chức phân công”.

Còn Nghị quyết năm 2017 của Huyện ủy Vị Thủy đã nêu ra 3 khâu đột phá, trong đó nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nâng cao năng lực hành động của cán bộ, đảng viên được ưu tiên hàng đầu. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Vị Thủy Nguyễn Thanh Thuấn cho biết: “Thời gian qua, Huyện ủy đã phân công các đồng chí cấp trưởng, phó phòng, ban, ngành huyện xuống dự các buổi sinh hoạt của chi bộ trên địa bàn. Qua đó chỉ đạo toàn diện các mặt công tác chứ không riêng gì công tác đảng. Đặc biệt là việc quản lý đảng viên được thực hiện chặt chẽ hơn khi hàng tháng mỗi xã, thị trấn phải báo cáo tình hình đảng viên cho Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo đơn vị mình, sau đó Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ báo cáo về Ban chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị của huyện. Từ đó để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế phát sinh trong công tác quản lý đảng viên”.

Chính quyết tâm đó của cấp ủy các cấp đã giúp công tác nâng cao chất lượng hành động của đảng bộ, chi bộ cơ sở, nâng chất đảng viên trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, cấp ủy đảng các cấp thể hiện tốt hơn vai trò lãnh đạo trong thực hiện nghị quyết; còn đảng viên cũng thể hiện rõ trách nhiệm của mình với Đảng, với nhân dân.

Về những giải pháp trong thời gian tới, bà Phạm Thị Phượng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: “Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy để hướng dẫn, nhân rộng những chi bộ điểm đạt hiệu quả trong toàn tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng để giúp cho các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy có sự lãnh đạo thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với các ban, ngành để phát triển kinh tế trong đảng viên, qua đó nhằm hạn chế số lượng đảng viên bị xóa tên vì đi làm ăn xa. Tất cả là để giúp cho mỗi tổ chức cơ sở đảng có đủ năng lực hành động, sức chiến đấu để phục vụ cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

Sự nỗ lực đi đôi với những giải pháp khả thi mà các cấp ủy đảng trên địa bàn triển khai thực hiện như gieo thêm những niềm tin mới, hy vọng mới trong nhiệm vụ nâng cao năng lực hành động và chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn tỉnh tới đây. Đó là tín hiệu đáng mừng! Bởi một khi chi bộ có đủ năng lực để thực hiện tốt công tác quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ đảng viên phát triển kinh tế gia đình thì mục tiêu kéo giảm số lượng đảng viên đi làm ăn xa mà tỉnh đặt ra sẽ đạt được kết quả như mong đợi.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>