Long Mỹ và bài học xây dựng Đảng

Bài 1: Vàng son và biến cố

31/10/2016 | 08:00 GMT+7

Trong một lần trò chuyện với bạn học cử nhân Anh văn, tôi hỏi: Sao không học thêm tín chỉ sư phạm để đi dạy? Bạn bảo rằng: Lỡ học xong bị đưa về Vĩnh Viễn dạy chắc... chết (?).

Câu nói thật lòng ấy làm người Vĩnh Viễn buồn...

Thật vậy, miệt này ngày xưa và cả vùng đất Long Mỹ (huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang ngày nay) những năm 80, 90 mấy ai đoái hoài. Xa xôi, cách trở, khó đi, khó ở, khó về, khó phát triển và khó... trăm bề. Thế rồi...

Giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Ảnh: LÝ ANH LAM

Hừng hực khí thế cách mạng !

Những năm đầu sau đổi mới và thập niên sau đó, bằng sức người, Long Mỹ nổi lên như là một hiện tượng ở đồng bằng sông Cửu Long khi hàng trăm con kênh thủy lợi, lộ nông thôn được đào đắp. Sức dân hồi đó mỗi ngày tương đương với sức khai phá của cả chục chiếc xáng cạp. Đi đâu cũng nghe nói làm thủy lợi một cách tự giác kết hợp làm giao thông nông thôn, xổ phèn, chống mặn, ngọt hóa ruộng đồng… Xong mỗi đợt, bản tình ca của đất và nước làm bừng sáng từng góc quê nghèo.

Ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, khi ấy là Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ (1990-1993), tâm sự: “Chính thôi thúc của chủ trương đổi mới, mở cửa; sự nhất trí, đồng lòng của cán bộ, đảng viên khai phá vùng đất khó thời ấy là hình ảnh đẹp tạo nên sức mạnh tổng lực kiến thiết quê hương. Ngày đó, tôi và anh em cùng chia ngọt sẻ bùi, ăn ngủ với dân. Xẻ kênh, làm lộ dân không ngại hiến đất, đốn cây, bỏ công lao động, bởi dân biết cán bộ mình không tư lợi gì nên hoàn toàn tự nguyện”.

Sử liệu những năm đó ghi, nhờ chủ trương đúng nên “đã mở rộng diện tích lúa sản xuất Hè thu toàn huyện từ 3.000ha năm 1983 lên 11.461ha năm 1989”; hệ thống thủy lợi lúc đó đủ sức phục vụ 11.516ha lúa Hè thu, rồi lên 12.000ha vào năm 1990, đủ khả năng phục vụ sản xuất lúa Đông xuân từ 4.000ha năm 1988 lên 10.000ha năm 1990, năng suất lương thực tăng từ 6,5 tấn/ha lên 7 tấn/ha so năm 1988. Giao thông nông thôn có nhiều đột phá với 7/10 xã thông xe 2, 4 bánh liền huyện, 60% ấp có đường nối liền xã. “Lúc đầu phong trào làm giao thông nông thôn, thủy lợi xuất hiện tư tưởng ngán dội trong cán bộ, đảng viên, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy mà dần phát triển bứt phá; hàng năm được phát động thành chiến dịch”, ông Huỳnh Phong Tranh nhớ lại.

Để rồi giai đoạn 1991-1995 toàn huyện huy động gần 200 tỉ đồng để đầu tư cho giao thông, thủy lợi, trong đó nhân dân đóng góp hơn phân nửa; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tăng 34 lần so nhiệm kỳ 1988-1990. Đến năm 2000, toàn huyện có 78km đường nhựa, 103 con đường bê tông, hoàn thành nhựa hóa đường về trung tâm các xã. Bức tranh nông thôn Long Mỹ có những gam màu sáng. Hàng chục tỉnh bạn và Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan học tập.

Cho rằng khí thế cách mạng còn nóng hổi đã hun đúc tinh thần cống hiến, hy sinh của con người Long Mỹ, ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, nói: “Không có dân chúng tôi không làm được những chuyện đó đâu. Toàn Đảng bộ không ai bảo ai, trong suy nghĩ cứ muốn phát triển nên bàn kế, vạch chủ trương đổi mới. Sự dốc sức ấy đã lan tỏa đến nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Vì vậy, từng bước đi luôn chắc chắn, tiến bộ rõ; dân với cán bộ hồi đó đoàn kết lắm !”.

Theo từng năm, nông thôn Long Mỹ đổi khác, canh tác đổi mới, sức sống đổi thay, mua bán tấp nập, và đời sống người dân từ đó không thể không từng ngày sang trang. “Đến năm 2000 thì cơm ngày 3 bữa rồi. Người dân đã rành chuyện trao đổi, mua bán; biết đầu tư sản xuất 3 vụ lúa, biết tích lũy làm giàu”, ông Sáu Phùng, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, nói.

Ghi nhận thành tích… phi thường ấy, Đảng bộ huyện Long Mỹ 10 năm liền (1990-2000) được công nhận trong sạch, vững mạnh; năm 2001 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai; sau đó được xem xét đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, làm nức lòng dân.

Niềm vui không trọn…

Có người nói, theo quy luật phát triển, đến một lúc nào đó, sự vật, hiện tượng sẽ chựng lại hoặc đổi hướng. Phải chăng Long Mỹ không thoát khỏi quy luật đó - trăng tròn rồi trăng khuyết? Vì vậy, danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đến giờ vẫn phải chờ.

“Mở hàng” cho “vầng trăng khuyết” ấy phải kể đến chuyện cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện dùng nhiều thủ đoạn qua mặt cấp trên đục khoét ngân sách 8,3 tỉ đồng để cờ bạc, ăn xài cá nhân. Sự việc bại lộ (tháng 12-2002), hàng chục cán bộ liên quan đến quản lý tài chính phải hầu tòa…

Kế đến là vụ 4 cán bộ thương binh - xã hội ở 4 xã trong huyện lợi dụng khe hở ngân sách để tư túi (phát hiện năm 2006). Cụ thể, sau mỗi lần phát tiền cho gia đình có công, đối tượng bảo trợ xã hội… cán bộ phụ trách đã ký khống nhận tiền (có tên người lãnh tiền nhưng mất hay chuyển đi địa phương khác) hoặc làm giả hồ sơ chính sách để trục lợi. Số tiền sai phạm được xác định tổng số 260 triệu đồng. Chuyện người chết lãnh tiền ở Long Mỹ “nổi tiếng” từ đó.

Những năm sau, Long Mỹ lại “nổi danh” với chuyện một bộ phận cán bộ chủ chốt thiếu gương mẫu; xảy ra mất đoàn kết nội bộ, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở xã Vĩnh Viễn, Lương Tâm, Long Phú sa sút…

Nhiều cán bộ lão thành cho rằng, đừng đổ cho quy luật, nếu biết vậy cần phải có cách ứng phó để tránh xảy ra khuyết điểm, sai lầm. Vấn đề ở đây là con người, là nội bộ, là cách điều hành, quản lý sau nhiều năm vượt trội, tiêu biểu…

Theo thời gian, niềm tin, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, đảng viên ở huyện Long Mỹ giảm sút, dân không còn ủng hộ nhiệt tình. Nhắc đến thời vàng son trước kia người ta hầu như chỉ nhớ sự kiện mà quên đi khí thế hừng hực sức dân, “bát cơm sẻ nửa, chăn xuôi đắp cùng” của cán bộ, đảng viên và dân - sức mạnh sau những năm đổi mới - đại thành công từ những đại đoàn kết.

Vàng son và biến cố. Tạm gọi như vậy để ví hai giai đoạn trên cuối cùng vẫn đúc kết ra bài học của sự thăng hoa là đoàn kết và lòng dân.

TRÍ THỨC

Bài 2: Bài học đoàn kết và lòng dân

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>