Trung Quốc bị cô lập về vấn đề biển Đông

22/04/2016 | 16:47 GMT+7

Trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hoạt động quân sự hóa biển Đông, cộng đồng quốc tế ngày càng có nhiều tiếng nói phản đối. Trung Quốc đang bị cô lập về vấn đề biển Đông giữa lúc có nhiều thông tin về khả năng Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bất lợi cho nước này trong vụ kiện của Philippines.

Tàu khu trục Mỹ USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý gần đá Subi, quần đảo Trường Sa, Việt Nam vào tháng 10-2015.

Uy tín giảm sút

Theo tạp chí Foreign Policy (FP), 5 chuyên gia của Tòa án trọng tài quốc tế đang xem xét đơn kiện của Philippines chống lại đường chủ quyền 9 đoạn (đường lưỡi bò) do Trung Quốc đơn phương tuyên bố. Mặc dù tòa án sẽ không ra phán quyết về vấn đề về chủ quyền lãnh thổ và biên giới trên biển, nhưng tòa có thể xác định rất nhiều các vấn đề khác liên quan đến cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn phi pháp này, khi mơ hồ tuyên bố trên 85% biển Đông là của Trung Quốc.

Nếu Bắc Kinh bác bỏ kết quả phán quyết của tòa án gây bất lợi cho họ đồng nghĩa sẽ gây tổn hại cho hình ảnh của Trung Quốc, vì điều đó chứng tỏ Trung Quốc đã không thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà nước này đã phê chuẩn.

Trung Quốc từng nhấn mạnh rằng, Tòa án trọng tài thiếu thẩm quyền đối với UNCLOS nhưng phía tòa án bác bỏ lập luận này. Một số người cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phản đối kịch liệt phán quyết của Tòa trọng tài và thậm chí rút khỏi UNCLOS. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra trong thời gian Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của tòa án. Hơn nữa, một phản ứng cực đoan như vậy sẽ còn khiến cộng đồng thế giới cô lập Trung Quốc và kéo theo nhiều thiệt hại khác về uy tín quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây lên án Tòa án trọng tài là “một sự khiêu khích chính trị trong vỏ bọc của pháp luật”. Điều đó, theo tạp chí FP, chỉ tiếp tục làm hại vị thế của Trung Quốc.

Anh - Mỹ gia tăng sức ép

Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh ngày 21-4 cho biết, Trung Quốc “rất không hài lòng” với bình luận của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Đông Á Hugo Swire. Trước đó, ông Hugo Swire cho rằng, căng thẳng gia tăng ở biển Đông là do những hành động quyết đoán của Trung Quốc. Ông cho biết, Anh sẽ cùng với Mỹ ủng hộ một phán quyết sắp tới của Tòa án trọng tài quốc tế về đơn kiện của Philippines và rằng bất kỳ phán quyết nào cũng nên ràng buộc cả hai bên. Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng, tuyên bố của ông Swire đã “phá vỡ cam kết của Anh rằng nước này không đứng về bên nào liên quan đến các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc rất bất bình với điều này”.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng gì trước lời kêu gọi của Mỹ yêu cầu Bắc Kinh tái khẳng định không có kế hoạch triển khai máy bay quân sự ra quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Lời yêu cầu này xuất phát từ việc Trung Quốc mới đây lần đầu tiên hạ cánh công khai máy bay quân sự trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, do Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp. Reuters dẫn lời ông Garry Ross, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, nói: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tái khẳng định rằng không có kế hoạch để triển khai máy bay quân sự tại quần đảo Trường Sa, phù hợp với sự đảm bảo trước đây của Trung Quốc”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng, thật “khó hiểu” cho việc Bắc Kinh phải sử dụng một máy bay quân sự để vận chuyển thường dân. Ông Kirby nói thêm, vấn đề là những người lao động dân sự này thực tế đã làm việc trong các công trình “xây dựng cơ sở hạ tầng có tính chất quân sự”.

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken trong bài phát biểu ngày 21-4 trước sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Vì vậy, việc Trung Quốc cải tạo ồ ạt đất ở biển Đông và tăng cường quân sự tại khu vực này càng thổi bùng căng thẳng trong khu vực và đặt ra vấn đề nghiêm trọng về ý đồ của Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi và hỗ trợ các đồng minh, các đối tác của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa máy bay và tàu hải quân vào biển Đông hay bất cứ nơi nào mà pháp luật quốc tế cho phép”.

 

Theo THỤY VŨ (tổng hợp)/sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>