Nước Pháp bất ổn vì đình công

02/06/2016 | 15:01 GMT+7

Kể từ đêm 31-5, nhân viên các phương tiện vận chuyển công cộng tại Pháp bắt đầu tiến hành cuộc đình công mới, lần này là đình công vô thời hạn nhằm phản đối dự luật cải cách lao động. Cùng lúc, nhân viên ngành đường sắt của Pháp cũng bắt đầu cuộc đình công liên hoàn, gây ảnh hưởng đến một số dịch vụ vào tối cùng ngày, trong ngày 1-6, khoảng một nửa các dịch vụ cấp quốc gia và khu vực đã bị tê liệt.

Theo Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), trong khi các dịch vụ đường sắt tới Anh và Đức vẫn hoạt động bình thường thì một số các dịch vụ tới Italia và Tây Ban Nha bị tác động từ cuộc đình công trên. Đây là cuộc đình công thứ 8 trong vòng hơn 2 tháng của SNCF nhằm đòi thỏa mãn những yêu sách liên quan đến thời gian làm việc. Tuy nhiên, cuộc đình công vô thời hạn lần này còn nhằm phản đối dự luật lao động khi cho rằng dự luật này cho phép giới chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên, trong khi làm tổn hại tới các quyền cơ bản của người lao động.

Kế đến, nhân viên hệ thống tàu điện ngầm Paris sẽ đình công từ ngày 2-6, sau đó tới lượt nhân viên và phi công Hãng hàng không Air France cũng đe dọa đình công kéo dài nhiều tuần ngay trong thời điểm giải bóng đá Euro 2016 diễn ra. Thậm chí, các tài xế taxi cũng đe dọa đình công để bảo vệ quyền lợi của họ. Ngoài ra, một cuộc tổng đình công trên toàn quốc cũng đã được lên kế hoạch vào ngày 14-6, khi Thượng viện Pháp bắt đầu thảo luận về dự luật lao động gây tranh cãi nói trên.

Giới quan sát lo ngại, tình trạng đình công kéo dài sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho Euro 2016. Theo đó, ban tổ chức Euro 2016 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc vận chuyển các đội tuyển và các cổ động viên bóng đá từ khắp nơi trên thế giới đổ đến Pháp vì phần lớn các đội tuyển cũng như các cổ động viên sẽ sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng. Phiền toái hơn nữa là Trung tâm xử lý rác khu vực Ivry-sur-Seine quận 13, tức là trung tâm xử lý rác lớn nhất ở vùng Paris, cùng với một trung tâm xử lý rác khác trong vùng cũng ngưng hoạt động có thể gây nên nguy cơ ô nhiễm môi trường diện rộng tại khu vực trung tâm.

Báo chí Pháp bình luận rằng, các nhà chức trách cần phải đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng gần như tê liệt hiện nay, vì đang diễn ra những “phản ứng phụ” khó kiểm soát như  lợi dụng làn sóng phản đối dâng cao để đưa vào những yêu sách chuyên biệt của từng ngành, các công đoàn của những ngành này muốn nhân cơ hội để tạo được áp lực tối đa. Ủy ban du lịch của Paris và vùng phụ cận cảnh báo hình ảnh về những vụ đụng độ dữ dội giữa người biểu tình với cảnh sát trong thủ đô Paris, được truyền đi khắp thế giới, khiến nhiều du khách nước ngoài e ngại đặt chân đến nước Pháp, nhất là trong bối cảnh nguy cơ khủng bố vẫn còn đó.

Bất chấp áp lực từ các cuộc đình công và biểu tình ngày càng gia tăng, Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn dứt khoát không nhượng bộ khi khẳng định dự luật cải cách “đảm bảo hiệu suất tốt nhất cho các doanh nghiệp và cung cấp thêm các quyền mới cho người lao động”. Đáp lại, đại diện các nghiệp đoàn tuyên bố phản ứng của chính phủ đối với các cuộc đình công, cũng như thái độ không chịu nhượng bộ trong việc rút lại dự luật gây tranh cãi chỉ làm tăng thêm quyết tâm của những người phản đối dự luật.

Theo VIỆT ANH/sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>