Mỹ: Lại chờ phiên bản mới sắc lệnh về nhập cư

01/03/2017 | 14:41 GMT+7

Chính giới Mỹ vẫn cương quyết nói “không” về việc tạm ngừng việc dừng thi hành sắc lệnh cấm người dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump. Ngày 27-2, Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ tại thành phố San Francisco, bang California, đã bác bỏ đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ về đề nghị trên. Tuy nhiên, để giải quyết các mối lo ngại từ các thẩm phán của tòa phúc thẩm, theo báo Washington Post, Tổng thống D. Trump dự kiến ​​ký sắc lệnh hành pháp về người tị nạn và di dân trong ngày 1-3, một ngày sau khi phát biểu trước lưỡng viện quốc hội nước này.

Lao động nhập cư trong ngành nông nghiệp Mỹ

Phiên bản khái quát?

Thông tin trên được một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ cho báo The Washington Post hôm 27-2. Tuần trước, Tổng thống D. Trump định ký sắc lệnh này nhưng sau đó bất ngờ hoãn lại. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer giải thích nhà lãnh đạo Mỹ muốn việc ký sắc lệnh phải được thực hiện một cách hoàn hảo. Theo hãng tin AP, sắc lệnh mới sẽ được xem là phiên bản “khái quát” hơn của các quy định cấm đi lại do Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly công bố. Tuần trước, cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller nói với đài Fox News rằng, sắc lệnh mới sẽ có những khác biệt nhỏ về kỹ thuật so với sắc lệnh ban đầu và đó cũng là một phản ứng với quyết định tư pháp sau khi sắc lệnh đầu tiên của ông Trump bị một thẩm phán liên bang ngăn chặn.

Đây cũng là lần hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ khi một sắc lệnh của chính phủ vấp phải sự phản đối gay gắt không chỉ của công chúng mà còn của chính giới. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC ngày 27-2, cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush đã thể hiện sự không đồng tình với chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump, đồng thời tuyên bố ủng hộ chính sách nhập cư. Người đứng đầu ngành hành pháp tại 15 bang và thủ đô Washington D.C cũng đã cùng đệ đơn kiến nghị nhằm ủng hộ vụ kiện chống lại lệnh cấm nhập cảnh.

Sắc lệnh được ban hành từ cuối tháng 1 vừa qua (cấm nhập cảnh vào Mỹ có thời hạn đối với công dân Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) nhưng cho đến nay chưa có hiệu lực thực thi. Trước đó, khoảng 100 tập đoàn ở Mỹ, trong đó có Apple, Google, Microsoft đã cùng đệ đơn lên tòa phúc thẩm liên bang của Mỹ phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump với lý do quyết định này ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ.

Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng mạnh

Những điều chỉnh mang tính bước ngoặt trong chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống D. Trump đã khiến không ít doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp và chăn nuôi Mỹ quan ngại vì hai ngành này phụ thuộc phần lớn vào lực lượng lao động nhập cư giá rẻ dồi dào để giảm chi phí đầu vào. Thống kê cho thấy lao động nhập cư chiếm tới 70% thị trường việc làm trong ngành chăn nuôi và trồng trọt tại Mỹ. Phần lớn những người này đến từ nước láng giềng Mexico và không ít người thuộc diện nhập cư bất hợp pháp. Các lao động này sẵn sàng làm các việc như dọn chuồng, vắt sữa bò... chỉ với 10,5 USD/giờ - mức lương không hấp dẫn lao động bản địa.

Nghiên cứu mới đây của một tổ chức về nông nghiệp cảnh báo, nếu toàn bộ người lao động nhập cư bất hợp pháp bị trục xuất khỏi Mỹ, thu nhập trước thuế của ngành nông nghiệp sẽ giảm từ 15% - 29%, trong khi sản lượng cây ăn quả sụt giảm tới 60%. Điều này sẽ đẩy giá tiêu dùng tăng khoảng 5%, tác động trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng. Nghiên cứu cũng chỉ rõ các chủ trang trại rau quả sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng khi họ sử dụng tới 40% lao động là người nhập cư. Tình hình tại khu vực chăn nuôi bò sữa thậm chí còn bi đát hơn khi lao động nhập cư chiếm tới 80% lao động tại ngành này. Năm 2015, Hiệp hội Các nhà sản xuất sữa của Mỹ cảnh báo giá sữa thành phẩm sẽ tăng gấp đôi nếu thiếu nguồn nhân công nhập cư giá rẻ.

Theo HẠNH CHI (tổng hợp)/sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>