Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

Bài 1: Sự hình thành và phát triển Cộng đồng ASEAN

06/01/2016 | 08:33 GMT+7

Sau 6 năm triển khai Lộ trình xây dựng, ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập. Sự kiện này là thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua và cũng là một dấu mốc quan trọng của ASEAN khi bước sang một giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu rộng hơn.

Cộng đồng ASEAN chính  thức ra mắt vào 31-12-2015. Ảnh: TL

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8-8-1967 trên cơ sở là một tuyên bố chính trị (Tuyên bố Bangkok), với 5 nước thành viên ban đầu là: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Tính đến năm 2009, tổ chức này đã kết nạp hầu hết các quốc gia Đông Nam Á làm thành viên (trừ Đông Timor), chấp nhận Đông Timor và Papua New Guinea làm quan sát viên và đang xem xét đơn xin gia nhập của Đông Timor. Sau 40 năm tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á (thêm 5 nước là Brunei, Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam), là một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới. Hiện nay, ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới và chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015 vừa qua.

Ý tưởng về Cộng đồng ASEAN đã được đề cập từ tháng 12-1997, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ASEAN và sau khi Hiệp hội đã bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á. Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua văn kiện quan trọng Tầm nhìn ASEAN 2020, với mục tiêu tổng quát là đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”.

Tháng 10-2003, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Bali II), nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột chính: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC); đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực.

Tháng 1-2007, lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhất trí mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 (thay vì vào năm 2020 như thỏa thuận trước đây).

Tháng 2-2009, lãnh đạo các nước đã thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015) cùng các Kế hoạch triển khai cụ thể trên 3 trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Hiến chương ASEAN (được ký tháng 11-2007 và có hiệu lực từ tháng 12-2008) đã tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng ASEAN trở thành cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác rộng mở với bên ngoài, hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Theo đó, Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) có mục tiêu tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với 3 đặc trưng chính gồm: một Cộng đồng hoạt động theo luật lệ với các giá trị, chuẩn mực chung; một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; và một khu vực năng động quan hệ rộng mở với bên ngoài. Cộng đồng Kinh tế (AEC) nhằm tạo ra môi trường duy nhất và  cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề và phần nào là vốn; có sức cạnh tranh cao; phát triển đồng đều; và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) có mục tiêu phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tăng cường ý thức cộng đồng và bản sắc chung.

Để thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng chung ASEAN 2015, ASEAN đã thông qua kế hoạch tổng thể (KHTT) trên từng trụ cột, trong đó đề ra các mục tiêu và thành tố cụ thể cùng hơn 800 biện pháp/hoạt động để triển khai, cùng với KHTT về kết nối ASEAN (MPAC) và Kế hoạch công tác về Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển. Ngoài ra, quan hệ đối ngoại của Hiệp hội, nhất là với 11 đối tác đối thoại cũng được đẩy mạnh thông qua nhiều khuôn khổ khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF và ADMM+) và được lồng ghép vào hoạt động của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>