Thực hiện hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

09/08/2023 | 09:25 GMT+7

Trong 5 năm qua, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 “Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Nhờ đó, chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng được nâng lên.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, điểm nổi bật trong 5 năm thực hiện nghị quyết này là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề giám sát, phản biện phù hợp với xã hội và Nhân dân đang quan tâm. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội đảm bảo tính khách quan, trung thực, đầy đủ nhưng có sự chắt lọc kỹ càng, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra đảm bảo hiệu quả, tính khả thi.

Chẳng hạn, khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, các huyện, thị, thành đã xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa thực hiện. Đáng chú ý, Mặt trận tổ chức phản biện xã hội đối với văn bản này, qua đó ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng, giúp cho kế hoạch khi ban hành đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế.

Tại Hội nghị phản biện dự thảo kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch huyện Vị Thủy giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo do Mặt trận huyện tổ chức đã ghi nhận 6 ý kiến phát biểu trực tiếp và 4 ý kiến bằng văn bản. Cụ thể, về phát triển công nghiệp, đại biểu đề nghị đưa vào các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề và đảm bảo an sinh cho các hộ bị ảnh hưởng từ việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp.

Về phát triển nông nghiệp, cần hỗ trợ kinh phí và chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị nông sản và góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vị Thủy, cho biết, để tổ chức hội nghị này, đơn vị cố gắng mời lãnh đạo ngành chức năng, đoàn thể cấp huyện, thường trực UBND các xã, thị trấn; đồng thời, gửi tài liệu từ sớm để đại biểu chủ động nghiên cứu. Nhờ vậy, đã thu nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, sát hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Thống kê cho thấy, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Mặt trận các cấp tổ chức giám sát được hơn 1.500 nội dung. Trong đó, giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản 143 nội dung; giám sát bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát được 628 nội dung; giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân được 565 nội dung...

Về công tác phản biện xã hội, Mặt trận các cấp phản biện được 210 nội dung, trong đó cấp tỉnh 11 nội dung, cấp huyện 54 nội dung và cấp xã 145 nội dung. Công tác phản biện được tổ chức theo 2 hình thức chủ yếu gồm: Hội nghị phản biện xã hội được 155 nội dung và gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến được 55 nội dung.

Tuy nhiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhìn nhận việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 còn một số hạn chế như: chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội ở một số địa phương có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có địa phương chưa chủ động, thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc xác định đối tượng, nội dung, hình thức giám sát, phản biện xã hội ở một số địa phương còn lúng túng.

Theo ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ chú trọng lựa chọn các nội dung giám sát, phản biện liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; tiếp tục thực hiện giám sát đối với cá nhân, người đứng đầu theo Quy định số 124 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng...

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>