Chăn nuôi bằng đệm lót cho hiệu quả cao

29/12/2016 | 08:12 GMT+7

Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế, giảm tác hại cho môi trường đang là một trong những xu hướng được khuyến khích hiện nay. Trong đó, giải pháp chăn nuôi gia súc, gia cầm trên đệm lót sinh học đã được ngành chuyên môn ghi nhận là hạn chế dịch bệnh, ít hao hụt con giống, đặc biệt là giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Nhờ áp dụng đệm lót sinh học mà quá trình chăn nuôi heo của gia đình anh Thừa luôn cho hiệu quả kinh tế cao.

An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề mà người tiêu dùng hiện nay đặc biệt quan tâm, cũng như là giải pháp để củng cố niềm tin và giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Vì thế, trong những năm qua, người chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất, phát triển mô hình chăn nuôi heo thân thiện với môi trường. Đơn cử như gia đình anh Lý Văn Thừa, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, đã mạnh dạn áp dụng quy trình chăn nuôi heo theo hướng an toàn bằng cách chọn con giống sạch bệnh, tiêm phòng đầy đủ và sử dụng đệm lót sinh học.

Theo anh Thừa, lý do mà anh chọn phương thức chăn nuôi “sạch” kể trên là đàn heo mau lớn, thời gian xuất chuồng sớm hơn cách nuôi truyền thống từ 10-15 ngày. Cho nên mỗi năm, gia đình anh có thể xuất bán 3 đợt, mỗi đợt khoảng 25-30 con, từ đó mang về khoản thu nhập gần 100 triệu đồng, còn giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thanh Loan, ở xã Hòa An, đã áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo được hơn một năm nay. Bà Loan cho hay: Ngoài giảm mùi hôi, mô hình còn góp phần tiết giảm được thời gian chăm sóc. Bởi khi nuôi bằng đệm lót thì không cần tắm cho heo mỗi ngày như cách nuôi truyền thống, từ đó hạn chế được một khoản chi phí về điện, nước trong quá trình nuôi. Chưa kể là đệm lót sinh học sau mỗi đợt thu hoạch đàn heo, có thể tận dụng phế phẩm đó bán cho các nhà vườn làm phân hữu cơ bón cho cây trồng nên cũng thu lại được phần nào chi phí đầu tư ban đầu.

Gắn bó với nghề chăn nuôi gà hơn 10 năm qua, nên ông Võ Văn Buôl, ở ấp Mỹ Thành, xã Tân Phước Hưng, hiểu được những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình thả nuôi. Chính vì thế, sau đợt dịch bệnh đầu năm 2013, ông đã mạnh dạn áp dụng đệm lót sinh học vào việc chăn nuôi gà. Theo ông Buôl, trung bình để nuôi 1.000 con gà với diện tích 80m2, phải tốn thêm chi phí đầu tư đệm lót 1 triệu đồng, nhưng đổi lại đàn gà phát triển tốt, ít hao hụt do dịch bệnh nên tiết giảm được chi phí, đặc biệt là giảm đáng kể mùi hôi phát sinh ra môi trường.

Ông Buôl cho hay: “Trước đây, khi nuôi gà chưa áp dụng đệm lót, mùi hôi phát sinh ra môi trường rất nặng. Đặc biệt vào thời điểm mùa mưa, người dân địa phương phản ánh thường xuyên, thậm chí có nhiều người còn làm đơn chuyển lên xã. Thấy vậy, gia đình tôi đã tìm tòi nghiên cứu, tham quan những mô hình nuôi gà ở các địa phương khác, đồng thời với sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã, tôi đã quyết định mua đệm lót sinh học về nuôi. Giờ đây, mùi hôi không còn và đàn gà xuất chuồng luôn đạt tỷ lệ đầu con trên 95%”.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Đệm lót sinh học thường dùng men Balasa trộn với trấu hoặc mạt cưa để làm. Chức năng của men Balasa sẽ giúp quá trình phân hủy chất thải của gia súc, gia cầm diễn ra nhanh hơn. Chất thải sau khi bị phân hủy sẻ bị trộn lẫn với đệm lót nên mùi hôi ít phát sinh ra môi trường xung quanh. Trong khi đó, qua thực tế sản xuất cho thấy, bình quân đối với chuồng heo thì chi phí đầu tư đệm lót khoảng 700.000 đồng/chuồng, còn đối với gà khoảng 1 triệu đồng/chuồng.

Cũng theo ông Tự, hiện nay huyện Phụng Hiệp trong quá trình quy hoạch lại ngành chăn nuôi nhằm hướng đến một nền chăn nuôi sạch, giảm tác hại cho môi trường tự nhiên. Vì thế, với hiệu quả của việc chăn nuôi bằng đệm lót sinh học đã chứng minh trong việc giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua. Tới đây, ngành nông nghiệp huyện sẽ tích cực vận động những hộ chăn nuôi trên địa bàn tiếp tục nhân rộng cách làm này. Phấn đấu trong năm 2017, toàn huyện có khoảng 60% hộ chăn nuôi áp dụng đệm lót sinh học.

Theo thống kê, hiện nay, huyện Phụng Hiệp có 82 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 40% số hộ áp dụng đệm lót sinh học. Lợi ích của chăn nuôi theo hình thức này là chất lượng con giống cải thiện đáng kể, hạn chế bệnh về đường hô hấp, vật nuôi tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao. Đặc biệt là môi trường được giải quyết một cách cơ bản, giảm thiểu mùi hôi khoảng 90%. Từ hiệu quả mang lại khá cao nên hiện nay đệm lót sinh học không chỉ áp dụng trong chăn nuôi heo, gà mà người dân Phụng Hiệp còn đưa vào nuôi trăn.

 

Bài, ảnh: THANH DUY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>