Mở hướng cho chuỗi rau

10/05/2018 | 06:06 GMT+7

Mới đây, ngành nông nghiệp, y tế đã có bước hỗ trợ làm cầu nối giúp cửa hàng chuỗi liên kết sản xuất rau, màu theo hướng an toàn thực phẩm đưa sản phẩm vào phục vụ các bếp ăn tập thể trên địa bàn.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh thường xuyên thu mẫu kiểm tra sản phẩm rau, màu trong chuỗi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, quá trình triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất rau, màu theo hướng kiểm soát an toàn thực phẩm, đơn vị đã hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, dụng cụ đựng rau, giống, màng lưới che chắn, mở lớp tập huấn hướng dẫn canh tác theo quy trình chuỗi kiểm soát cho bà con nông dân. Đến nay, các hộ tham gia chuỗi đã hiểu rõ về quy trình canh tác, chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống sang chuỗi được kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng được một cửa hàng chuỗi làm đầu mối thu gom, phân phối sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, vướng mắc lâu nay vẫn là đầu ra sản phẩm. Thực tế rau màu do nông dân canh tác theo quy trình chuỗi vẫn còn bày bán ngoài chợ và giá không chênh lệch.

Ông Huỳnh Hữu Phúc, đại diện cửa hàng chuỗi thực phẩm Phúc Lộc, phường III, thành phố Vị Thanh cho biết, ông đã chủ động tìm đến các bếp ăn tập thể trên địa bàn giới thiệu sản phẩm và đã liên kết được 5 trường học để đưa sản phẩm chuỗi vào phục vụ. Để tiếp tục tháo nút thắt về đầu ra, mới đây các ngành chức năng của tỉnh đã làm cầu nối giúp cửa hàng chuỗi tiếp tục gặp gỡ với đại diện một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy để tìm hiểu nhu cầu, bàn tính hướng liên kết đầu ra cho nông sản chuỗi. “Tôi đang có một số hợp đồng cung ứng sản phẩm cho nhà trẻ trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Vì thế, cửa hàng đã có kinh nghiệm trong cung ứng cho bếp ăn tập thể, rất mong nhận được sự ủng hộ tiếp tục của các trường”, ông Phúc bày tỏ khi trao đổi với ban giám hiệu một số trường tiểu học, mầm non.

Qua trao đổi với cửa hàng chuỗi, đại diện ban giám hiệu các trường cho biết vấn đề an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể nhà trường được quan tâm hàng đầu. Tại Trường Mầm non Họa Mi, ở ấp 4, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, chế độ ăn của các em học sinh bán trú được tính toán để đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng. Các loại rau, quả thường dùng là chuối cau, dưa hấu, xoài, nho, củ, quả… Bà Trần Thị Ái Liềl, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, cho biết: “Trung bình bếp ăn ở trường phục vụ khoảng 340-370 suất/ngày. Nguồn nông sản được lấy từ đầu mối tin cậy ở địa phương. Qua giới thiệu từ đại diện cửa hàng và đơn vị quản lý chất lượng, tôi thấy yên tâm tin tưởng vào sản phẩm chuỗi, bởi được kiểm soát chặt theo quy trình. Vì vậy, nếu có liên kết để đưa vào bếp ăn tập thể sẽ an tâm hơn về chất lượng cũng như vấn đề an toàn thực phẩm. Trước mắt cửa hàng chuỗi cần cung cấp danh sách sản phẩm cửa hàng hiện có để nhà trường xem tham khảo trước khi xúc tiến bước liên kết”.

Tương tự, bà Phan Ngọc Bích, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, cho rằng nguồn hàng hóa mà cửa hàng chuỗi cung cấp cần đa dạng hơn và giá cả không nên quá cao. Cần thiết nhất là đa dạng hàng hóa, giá phù hợp, khi trường cần mặt hàng nào thì đáp ứng ngay mặt hàng đó.

Qua làm việc, đoàn công tác yêu cầu cửa hàng chuỗi Phúc Lộc thống kê lại nhu cầu của các trường và những mặt hàng cần thiết mà chuỗi không có. Trên cơ sở đó, đơn vị quản lý nhà nước sẽ có buổi làm việc với 12 hộ dân chuỗi, mặt hàng nào có thể sản xuất sẽ tính toán với người dân để phục vụ nhu cầu. “Với các mặt hàng cần thiết mà khí hậu, thổ nhưỡng ở Hậu Giang không trồng được như su hào, cà rốt thì Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh có thể giúp hỗ trợ liên hệ với đơn vị chức năng ở Đà Lạt tìm đầu mối sản xuất hàng hóa có nguồn gốc, uy tín, chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm để gắn kết theo hướng trao đổi hàng hóa phục vụ nhu cầu tại địa phương”, ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh trao đổi tại buổi làm việc với đại diện Trường Tiểu học Kim Đồng.

Ông Nguyễn Minh Đức cũng cho biết thêm, hiện trên địa bàn thành phố Vị Thanh có 12 hộ tham gia mô hình chuỗi. Về quy trình, trước khi trồng thì ngành chức năng thu mẫu đất, nước nơi trồng để kiểm tra các chất độc hại. Trước khi thu hoạch có bốc mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Qua hơn 1 năm triển khai chuỗi rau màu theo kế hoạch của UBND tỉnh, các sản phẩm rau, củ, quả kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn.

Vào trung tuần tháng 3-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cũng đã có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Công nghệ NhoNho Việt Nam về định hướng xây dựng kế hoạch và khảo sát sản xuất rau an toàn trong mô hình chuỗi. Theo ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, do yêu cầu của một số đơn hàng cần sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn, vì thế ngành chuyên môn sẽ tiếp tục định hướng cho người dân về việc nâng chuỗi rau sản xuất theo hướng an toàn lên tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến từ đây đến năm 2020 sẽ tiếp tục nâng dần chuỗi rau và mở rộng diện tích sản xuất. Trước mắt sẽ chọn thí điểm khoảng 3 hộ trong chuỗi để xây dựng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP rồi từng bước mới xem xét nhân rộng.

Trong buổi thăm mô hình sản xuất rau màu theo chuỗi an toàn thực phẩm ở thành phố Vị Thanh vào tháng 3, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng cho rằng việc vận động nông dân tham gia sản xuất theo hướng chuỗi phải kết hợp đảm bảo đầu ra. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành công thương tính toán tìm hướng liên kết với các siêu thị trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố Vị Thanh chọn lựa một vị trí chuẩn bị trước, ngành nông nghiệp tỉnh thu hút các đơn vị đã có thương hiệu giúp liên kết tiêu thụ sản phẩm chuỗi.

Có thể thấy, thời gian qua ngành nông nghiệp, y tế đã nỗ lực xây dựng, giúp chuỗi thí điểm liên kết, sản xuất rau màu theo hướng an toàn thực phẩm đứng vững và phát triển. Đồng thời, còn thực hiện vai trò làm cầu nối giúp gỡ khó trong khâu liên kết đầu ra cho nông sản chuỗi. 

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>