Giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản

06/07/2018 | 08:25 GMT+7

Mật số cá lau kiếng tăng nhanh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài thủy sản khác là kết quả mà thạc sĩ Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, đã điều tra được trong quá trình thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đề xuất giải pháp bảo vệ và phát triển”.

Ngoài thả cá thì cần tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đánh bắt quá mức mới có thể tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Qua các mẫu thu thập số liệu, cá lau kiếng có mật số xuất hiện thứ 2 sau cá mè vinh với sản lượng 5,58 tấn/năm. Theo các tài liệu điều tra trước đó, cá lau kiếng còn gọi là cá lau kính hay cá cọ bể, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nhiều năm trước được du nhập vào Việt Nam qua đường kinh doanh cá cảnh với công dụng là “dọn vệ sinh” các hồ cá cảnh. Đặc điểm của cá lau kiếng thuộc loại mắn đẻ nên chúng phát triển rất nhanh, có khả năng sinh tồn ở bất cứ nơi nào có nước, như: ao nuôi cá, kênh mương thủy lợi, giếng lấy nước sinh hoạt, kể cả những nơi bùn lầy, nước đọng bị ô nhiễm, chính vì vậy mà mật số càng tăng nhanh. Mặt khác, cá lau kiếng là loài gây hại, chúng phá bờ, cắn lưới của ngư dân. Vì cá lau kiếng thường đào hang để trú ẩn (chiều dài hang phổ biến từ 0,5-1m) nên dễ gây ra xói lở bờ sông, kênh, rạch, ao đìa… và còn cạnh tranh gay gắt thức ăn với các loài thủy sản bản địa. Khi đàn cá lau kiếng càng phát triển thì khả năng cung cấp thức ăn và nơi cư trú cho các loài thủy sản bản địa càng giảm dần, nhất là động vật đáy và côn trùng. Đặc biệt, cá lau kiếng có thể ăn cả trứng và cá con của các loài cá bản địa. Từ tập tính ăn tạp ở tầng đáy đã tác động trực tiếp đến hệ thực vật thủy sinh ở nền đáy và ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái.

Cũng qua nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài còn nhận thấy mật số xuất hiện của các loài như cá lóc, cá trê có tần suất xuất hiện rất thấp, trong khi đây là những loại cá phổ biến, có giá trị kinh tế nhiều năm nay của tỉnh. Thậm chí một số loại cá quý hiếm đặc sản trước đây của tỉnh như cá phèn vàng, cá dầy không hoặc chỉ xuất hiện 1 lần trong số lần điều tra. Mặc dù, các điểm thu thập số liệu là tuyến sông lớn trên địa bàn huyện Châu Thành, sông Nước Đục, sông Cái Lớn, kênh xáng Xà No… Bằng phương pháp lưới kéo ở tầng đáy của các sông, chủ nhiệm chỉ tìm được đa số là cá lau kiếng, cá rô phi và một số loài tôm, tép. Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Mấy năm trước, vào dịp thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, có một số người dân đã mua cá lau kiếng để thả. Một phần do người dân không biết sự gây hại của nó, phần vì giá cá rẻ có vài ngàn/kg. Mặt khác, vì thịt cá lau kiếng được người dân đánh giá khá ngon nên dẫn đến mật độ gia tăng đáng kể như hôm nay”.

Cũng theo thạc sĩ Lê Kim Ngọc, trước tình trạng đó, ngành đã khuyến cáo người dân không thả phóng sinh loại cá này. Bên cạnh đó, ngành cũng đang tìm cách tái tạo lại nguồn lợi cho các loại cá có giá trị kinh tế của tỉnh như cá lóc đồng, cá trê vàng, cá phèn vàng…  Kết quả nghiên cứu của đề tài còn cho thấy, tần suất đánh bắt của người dân ngày càng tăng. Hơn nữa, những loại lưới có mắt nhỏ cũng được thường xuyên sử dụng khiến nguồn thủy sản ngày càng bị tận diệt. Nguồn lợi thủy sản suy giảm, nhất là các loài cá có giá trị kinh tế cao. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm suy giảm nguồn lợi thủy sản là do có trên 53% số hộ/304 hộ tham gia phỏng vấn khai thác quanh năm, còn lại là đánh bắt cá theo mùa. Đa số các hộ có thu nhập thấp, trình độ dân trí chưa cao nên việc thực hiện pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế; các hình thức khai thác mang tính hủy diệt, vi phạm về kích thước ngư cụ, mắt lưới vẫn thường xuyên diễn ra. Bên cạnh đó, nguồn nước thải ra kênh, rạch sau quá trình sản xuất nông nghiệp có sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học nhiều khiến môi trường nước ô nhiễm. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến sự sống còn, nhân đàn của các loại thủy sản.

Để phát triển, khai thác thủy sản một cách hiệu quả và bền vững thì giải pháp chính vẫn là khâu tuyên truyền. Theo chủ nhiệm đề tài, trước tiên phải làm cho người dân hiểu và tuân thủ tốt quy định, luật pháp về luật đánh bắt thủy sản. Trong khai thác cá, người dân nên sử dụng những loại ngư cụ được cho phép, đánh bắt loại cá đã đạt kích cỡ, không bắt cá non, cá lòng ròng. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản để tạo nguồn cá tự nhiên, đa dạng loài.

Tuy nhiên, đối với một số loài cá có giá trị kinh tế như cá lóc đồng, cá trê vàng thì khó tăng ngay mật số. Vì vậy, trong ngành thủy sản hiện nay đang dùng giải pháp gia tăng mật số bằng hình thức nuôi cá ruộng, nuôi vèo. Cá sẽ được nuôi bằng thức ăn tự nhiên là cá tạp, ốc bươu vàng. Tuy làm theo cách này cá chậm lớn, thời gian kéo dài nhưng cho chất lượng cá ngon không kém gì cá tự nhiên.

Bên cạnh đó, vấn đề bức thiết là khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, hạn chế làm ô nhiễm môi trường nước. Theo đó, người dân nên tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học thay cho thuốc hóa học vào canh tác. Có như vậy, sẽ hạn chế được độc chất, mật số cá mới dần tăng, lượng cá sẽ đa dạng và phong phú trở lại. Ngoài ra, đối với cá lau kiếng, cần có biện pháp cụ thể hơn để quản lý tốt như không nhân đàn hay thả nuôi. Bên cạnh đó, kêu gọi người dân đánh bắt, tiêu diệt từ cá con đến cá trưởng thành; tát cạn ao nuôi, dùng vôi bột để làm sạch ao nhằm tiêu diệt trứng và cá con lau kiếng; đối với thịt cá lau kiếng cũng có thể chế biến để làm thức ăn cho người, gia súc, gia cầm. Có như vậy, cá lau kiếng sẽ giảm mật số, dần tái tạo lại nguồn cá có giá trị cho tỉnh nhà.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>