Có những người phụ nữ đặc biệt

08/03/2019 | 08:15 GMT+7

Họ đặc biệt bởi bản thân không chỉ làm mẹ, mà còn làm cha, dù mỗi người đều mang một hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ đơn thân ấy, đã thay người đàn ông từng là trụ cột trong nhà, gánh vác việc gia đình và lo cho các con trở thành những người có ích cho xã hội.

Dù cuộc sống còn lắm khó khăn, nhưng chị Trâm vẫn vững tin vào cuộc sống bởi bên chị luôn còn có các con.

Trong những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp về ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, để tìm gặp chị Trần Huỳnh Ngọc Trâm, 31 tuổi, hỏi thăm bà con xung quanh hầu như ai cũng biết rõ về người phụ nữ này. Sở dĩ mọi người biết rõ như vậy, bởi chị Trâm là một trong những người phụ nữ đơn thân, không những đã cố gắng rất nhiều để nuôi dạy con cái, mà còn có cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình. Tranh thủ trò chuyện cùng chị Trâm, chúng tôi được biết chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, vì vậy cuộc sống cũng gặp không ít khó khăn. Khi lập gia đình, do vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, nên cả hai đã chia tay khi tuổi đời còn rất trẻ. Cũng từ đó, chị Trâm đã một mình nuôi dạy hai con nhỏ và tập trung phát triển kinh tế gia đình bằng công việc may gia công tại nhà.

Được biết, từ một người phụ nữ phải đi làm công nhân may kiếm thu nhập hàng tháng, hiện nay chị Trâm đã mở được một cơ sở may tại nhà, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chị Trâm tâm sự: “Trước đây, do cuộc sống khó khăn, tôi đã lên Sài Gòn làm công nhân may. Nhưng rồi thấy đi làm xa, bỏ con nhỏ ở nhà không yên tâm, nên tôi mới xin nghỉ và bắt đầu ý định về may tại nhà. Ban đầu, tôi chỉ định tìm mối nhận đồ về may tại nhà một mình thôi, rồi chị em xung quanh ai cũng kêu nhận về cho họ làm cùng. Thấy vậy, tôi mới mạnh dạn tìm các mối lớn ở Sài Gòn để nhận hàng về mở xưởng may gia công đến nay”.

Từ một cơ sở nhỏ với vài chiếc máy may được mua từ số tiền tích góp của bản thân đến nay, cơ sở may của chị Trâm đã có khoảng 60 máy may tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ ở nông thôn. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, chị Trâm còn là người mẹ luôn hết lòng vì các con. “Cũng vì biết các con thiếu tình thương của cha, tôi luôn cố gắng bù đắp để các con không thua thiệt với bạn bè. Nhờ các con hiểu chuyện luôn động viên tôi cố gắng làm việc, nhờ vậy mà bản thân tôi cũng thấy hạnh phúc hơn”, chị Trâm chia sẻ thêm.

Chia tay chị Trâm, chúng tôi tìm về ấp Hưng Thạnh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, để gặp bà Nguyễn Thị Thanh Hương, 52 tuổi, người phụ nữ đơn thân đã vượt lên cái nghèo nuôi bốn đứa con ăn học nên người. Theo chia sẻ của bà Hương, cách đây 20 năm chồng bà đã qua đời do bệnh nặng, khi đó đứa con nhỏ nhất của bà mới được 3 tuổi. Thời điểm đó, thấy gia đình quá khó khăn, bà đành gửi các con về ngoại để đi làm công nhân ở Sài Gòn. Đi làm được 3 năm, bà Hương trở về quê làm thuê, làm mướn để được gần nhà và tiện chăm sóc các con. Bà Hương bộc bạch: “Ban đầu, cuộc sống khó khăn quá, đôi lúc tôi cũng cảm thấy nản lòng, nhưng rồi thấy các con còn quá nhỏ, nếu mình không cố gắng tương lai các con sẽ ra sao. Có lẽ thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ, nên 4 đứa con tôi dù không vào được hết đại học, nhưng tất cả đều tốt nghiệp lớp 12. Giờ thấy đứa nào cũng có việc làm ổn định tôi cảm thấy rất ấm lòng”.

Được biết, để có điều kiện lo cho các con trước đây, ngoài tự làm 5 công ruộng của gia đình, bà Hương còn tranh thủ những ngày rảnh rỗi đi làm cỏ mướn, đánh lá mía cho bà con xung quanh… Nhờ chịu thương chịu khó, từ một gia đình là hộ nghèo, nhà cửa xập xệ, bà Hương đã mua thêm được ruộng, cất được nhà mới khang trang và vươn lên trở thành hộ khá, giàu của địa phương. Hiện tại, trong bốn đứa con của bà Hương có một người đã tốt nghiệp đại học Cần Thơ đang làm kế toán cho nhà hàng, hai người con trai lớn đang làm thuyền trưởng lái xà lan và đứa con gái út đang buôn bán ở Sài Gòn.

Có thể thấy, đối với chị Trâm, bà Hương và những người phụ nữ đơn thân khác, niềm hạnh phúc nhất với họ không phải là thứ gì xa hoa lộng lẫy, mà đơn giản chỉ là khi nhìn thấy các con trưởng thành. Đây có lẽ là phần thưởng cao quý nhất dành cho những người phụ nữ đang hàng ngày làm trụ cột gia đình, vượt khó để nuôi con nên người. Theo chia sẻ của một người mẹ đơn thân: “Hạnh phúc nhất dành cho những người mẹ đơn thân chúng tôi vào những ngày dành để tôn vinh phụ nữ 8-3, đó là nhìn thấy các con được trưởng thành và nên người”.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>