Học Bác phải bằng hành động

19/05/2016 | 19:16 GMT+7

Thành phố Vị Thanh có nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo Bác. Điều đáng nói là họ đã biến những điều đã học được thành hành động thiết thực, góp phần phục vụ lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Ông Lý Châu Tuấn, ở khu vực 5, phường VII, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn.

Đến ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến, hỏi nhà ông Huỳnh Văn Cống thì ai cũng biết, bởi ông vốn là lão nông khá nổi tiếng về các mô hình làm ăn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ít ai ngờ, người nông dân “chân lấm tay bùn” này lại am hiểu nhiều điều về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và ông khẳng định nhờ làm theo tấm gương của Bác mà cuộc sống của gia đình ông mới đầy đủ, hạnh phúc như ngày nay.

Theo ông Cống, tấm gương đạo đức của Bác như “bao la trời biển”, có học cả đời cũng không thể hết. Cho nên, là người nông dân, ông chọn học lấy những đức tính phù hợp với cuộc sống và bản thân mình. Trong đó, cần cù lao động và sống tiết kiệm là 2 đức tính mà ông tâm đắc nhất và đang cố gắng làm theo.

Nói đến cần cù, ông Cống chẳng thua kém ai. Hôm tôi đến nhà ông đã 11 giờ trưa, nhưng ông vẫn chưa có hột cơm trong bụng vì bận cắt cỏ cho 18 con dê nuôi trong chuồng. Ngoài lũ dê, ông và đứa con trai cũng quần quật suốt ngày để chăm sóc cho khoảng 26 công đất trồng cây ăn trái và lúa. Dù đã 66 tuổi, nhưng sức khỏe ông Cống không thua kém đám thanh niên. Ông bảo lao động đã quen rồi, giờ bắt ông ở nhà chắc buồn không chịu nổi.

Khi đi thực địa mô hình làm ăn của gia đình ông Cống, chúng tôi trải qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác vì cách làm ăn quá tỉ mỉ của lão nông này. Cỏ trong vườn cây ăn trái được ông cắt để cho bầy dê ăn hàng ngày, đỡ chi phí mua thuốc diệt cỏ và đỡ công tìm thức ăn cho dê. Phân do dê thải ra được ông xử lý rồi bón lại cho vườn cây, đỡ chi phí chăm sóc. Cứ thế mà mô hình làm ăn của gia đình cứ khép kín như vậy trong nhiều năm nay. Ông Cống chia sẻ: “Làm nông dân nếu không biết cần cù, tính toán kỹ lưỡng trong làm ăn thì rất dễ rơi vào hộ nghèo. Mình làm sao phải tự thân phấn đấu chứ đừng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu ai cũng không chịu cố gắng làm ăn thì đất nước mình khó phát triển”.

Trời không phụ người có lòng, những nỗ lực của ông Cống đã được đền đáp xứng đáng. Ông nhẩm tính, khu vườn rộng khoảng 8 công đất trồng quýt đường đang cho trái sẽ thu về khoảng 900 triệu đồng. Còn tiền bán dê giống, dê thịt mỗi năm cũng được khoảng 50 triệu đồng… Quả thật, nguồn thu nhập của gia đình ông Cống là niềm ao ước của rất nhiều người nông dân trên địa bàn tỉnh.

Dù nước da ngăm đen vì cháy nắng, dù cơ thể gầy gò vì phải lao động cật lực, nhưng ánh mắt của ông Cống không giấu được sự mãn nguyện, khi cuộc sống vật chất của gia đình đầy đủ, 6 người con (1 trai, 5 gái) của ông cũng có cuộc sống khá giả, hạnh phúc. Với người nông dân như ông thì đó là niềm vui vô giá. “Những gì tôi có ngày hôm nay đều nhờ vào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Tôi nghĩ, chỉ cần chúng ta học tập và làm theo gương Bác thì sẽ trở thành người sống có ích cho xã hội”, ông Cống bộc bạch.

Còn ông Lý Châu Tuấn, ở khu vực 5, phường VII, cũng là một gương điển hình trong thực hiện Chỉ thị 03. Trong mắt mọi người, ông Tuấn được ví như “Bồ Tát sống”, vì rất nhiều việc từ thiện mà ông đã làm suốt 10 năm qua. Nào là tặng tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo… Giờ hỏi ông đã bỏ ra bao nhiêu tiền của để làm từ thiện thì ông cũng không thể nhớ hết.

Nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất là lần làm từ thiện cách đây 6 năm. Lúc đó, ông phối hợp với một số bác sĩ ở thành phố Vị Thanh đến khám bệnh và cấp thuốc miễn phí tại một ngôi chùa ở phường VII. Khi buổi phát thuốc gần xong thì có một trường hợp bệnh nhân ở tỉnh Kiên Giang bị tai biến nặng đến nhờ cứu giúp, vì người thân của bệnh nhân sợ nếu chuyển tới bệnh viện thì không còn kịp nữa. Dù khá bất ngờ, nhưng cả đoàn quyết định cứu người. Các bác sĩ dùng nhiều phương pháp cứu chữa, còn ông Tuấn có nhiệm vụ lo lấy những thứ thuốc cần dùng. Cuối cùng, tính mạng của bệnh nhân đã được cứu. Ông Tuấn nhớ lại: “Dù rất mệt, nhưng bản thân tôi thấy rất vui vì góp phần cứu lấy một mạng người. Từ đó tới nay, bản thân luôn tâm niệm phải làm nhiều việc thiện, coi đó như trách nhiệm trong cuộc sống”.

Với tiệm bán thuốc tây hiện có của gia đình, hễ thấy người bệnh đến mua thuốc có hoàn cảnh khó khăn là ông liền giảm giá, thậm chí cho không. Hỏi ra mới biết, tấm lòng thiện nguyện ấy do ông Tuấn học được từ tấm gương đạo đức của Bác. Ông chia sẻ: “Bác Hồ đã hy sinh trọn cuộc đời mình cho dân, cho nước. Đó là phẩm chất cao quý mà mỗi người dân Việt Nam phải noi theo. Nếu mỗi chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp biết bao”.

Ông Huỳnh Văn Hưởng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh, cho biết: “Ông Tuấn và ông Cống là 2 trong số nhiều gương điển hình tiêu biểu khi thực hiện Chỉ thị 03 trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Dù tuổi tác, hoàn cảnh, công việc mỗi người mỗi khác, nhưng họ đã noi theo gương Bác bằng những hành động cụ thể, những việc làm thiết thực, chứ không nói lý thuyết suông. Điều đó chứng tỏ Chỉ thị 03 đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ và ăn sâu vào nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thành phố”.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>