Xây niềm  tin từ những điều đơn giản

31/01/2017 | 06:35 GMT+7

Đã có nhiều ý kiến chưa… ưng bụng với một số hoạt động của các hội, đoàn thể, thế nhưng không thể phủ nhận sự cống hiến của đoàn viên, hội viên đối với sự phát triển ở địa phương. Bằng cách này hay cách khác, họ đang nỗ lực từng ngày để đem lại những đổi mới cho quê hương.

Trẻ xung phong

Trước kia, thanh niên trong ấp Hòa Phụng C, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp chỉ toàn làm nông, xong việc đồng áng thì không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Ấy thế mà mấy năm trở lại đây, nhiều thanh niên đã biết xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp. Đây được xem là kết quả từ sự vận động của anh Nguyễn Văn Khoa, người “phất cờ” liên kết, tập hợp thanh niên xóm ấp để hỗ trợ nhau phát triển.

Câu lạc bộ chăn nuôi ở xã Thuận Hưng trong một buổi sinh hoạt lệ.

Từ nhỏ, anh Khoa đã thích đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều cách làm ăn hiệu quả. Năm 2009, anh tham gia Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ. Hàng tháng, mỗi lần sinh hoạt CLB xong, anh lại đem kiến thức về truyền đạt cho nhiều thanh niên ở quê. Song, việc chăn nuôi nhỏ lẻ thời điểm đó gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả kinh tế thấp.

Năm 2012, anh Khoa vận động thanh niên trong xóm thành lập CLB chăn nuôi (9 thành viên), với số vốn ban đầu 25 triệu đồng. Anh Khoa chia sẻ: “Muốn chăn nuôi thành công trước hết phải xác định được từng loại giống nuôi theo mùa vụ, biết kỹ thuật, đồng thời tìm hiểu rõ nhu cầu của thị trường. Rồi bản thân mình phải làm đạt hiệu quả trước thì mới kêu gọi anh em làm theo”.

Đến nay, CLB của anh có 15 thành viên tham gia, hầu hết đều xây dựng được mô hình chăn nuôi riêng. Nhờ có sự trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nên các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế tương đối. Anh Thạch Chí Tâm, thành viên CLB, cho biết: “Từ khi tham gia CLB, được anh em chỉ cho nhau thời điểm nào nuôi con gì bán có giá và cách chăm sóc vật nuôi mau lớn, ít tốn kém… Nhờ đó, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn trước”.

Chị Thu kiểm tra chất lượng các sản phẩm trước khi giao hàng.

“Anh Khoa còn là một bí thư chi đoàn ấp năng nổ, nhiệt tình trong công tác. Nhiều phong trào do đoàn cấp trên phát động được anh triển khai về ấp có hiệu quả. Anh đã dùng bầu nhiệt huyết tuổi trẻ giúp nhiều thanh niên ở ấp chín chắn hơn trong suy nghĩ, có nhiều hành động tích cực”, anh Trần Thanh Phới, Bí thư Xã đoàn Hoa An, nói.

Hiện tại, CLB xây dựng mô hình vừa chăn nuôi xuất ra thị trường thương phẩm, vừa sản xuất con giống trên diện tích 1.050m2 đất. Mỗi năm, các mô hình cá thát lát, cá lóc, ếch, vịt, heo, ba ba bán ra thị trường được hơn 150 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Trong, thành viên CLB, chia sẻ: “Tết này là cái tết thứ năm anh em trong CLB xem nhau như người một nhà. Bây giờ, thành viên CLB ai cũng có đời sống khá hơn xưa, tất cả cũng nhờ sự nhiệt tình của anh Khoa”.

Già gương mẫu

Nghe đồn về ông đã lâu, thế nhưng khi gặp, chúng tôi mới rõ hết vẻ chơn chất, dễ gần của cựu chiến binh (CCB) Lê Thành Công (Hai Công), ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành.

Cựu chiến binh Hai Công - một trong những điển hình phát triển kinh tế gia đình.

Nhâm nhi tách trà nóng, ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành, mở lời: “Từ ngày về đây, anh Hai Công tham gia chi hội CCB ấp và được bầu làm chi hội trưởng. Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, anh tích cực tham gia phát triển kinh tế, nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ anh em hội viên, đi đầu trong các phong trào, tạo được sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân”.

Ngồi nghe… cấp trên cũng là đồng đội nói về mình, ông Hai Công mỉm cười và chia sẻ về cuộc sống, công việc của mình.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Tiền Giang, năm 1967, tiếp bước cha ông, ông Hai Công tham gia cách mạng khi vừa tròn 20 tuổi. Đến khi đất nước thống nhất, ông về tận Cà Mau sinh sống. Trong ký ức ông còn nhớ như in ngày vợ chồng dắt díu các con về miệt nước mặn xa xôi. Ở vùng quê còn nhiều thiếu thốn, đêm suy nghĩ đến tương lai các con, ông không sao chợp mắt...

“Nỗi mong muốn càng lớn thì nỗi lo càng trĩu nặng, nhà có mấy công đất mà tới 7 đứa con nên rầu lo lắm. Lo chuyện cơm áo đã khó huống chi chuyện học hành. Ấy vậy mà vợ chồng tôi đã làm được, cũng mừng vì các con biết vượt khó cùng cha mẹ”, ông Hai Công chia sẻ.

Năm 1986, ông chuyển về Cần Thơ mua bán nhỏ để lo cho con ăn học. Năm 2007, khi con út ra trường, có việc làm thì ông bàn với vợ về Hậu Giang mua đất làm vườn để tìm hướng phát triển mới.

Ban đầu, với 5 công đất, ông trồng chanh không hạt, sau vài vụ có vốn ông mạnh dạn đào một công đất để làm ao nuôi cá thát lát, cá rô đầu vuông; 4 công kia chuyển sang trồng mít, cam, dừa, xoài, mận, dưới mé bờ trồng môn nước, rau lang, rau muống; rào lưới vườn cây ăn trái để nuôi gà, làm chuồng nuôi dê, bò. Ông nói chăn nuôi như vậy để tránh tình trạng được mùa mất giá hay được giá mất mùa.

Cũng nhờ cách làm ăn bài bản này mà sau nhieu năm các mô hình kinh tế cho gia đình ông thu nhập bình quân từ 250-300 triệu đồng/năm. Dẫn tôi dạo quanh một vòng các mô hình kinh tế của mình, đúng với những gì ông nói, hầu như mảnh vườn không có khoảng đất trống, nhìn đâu cũng thấy huê lợi. Ông Công nói vui: “Tết năm nào con cháu cũng sum họp về đây cúng ông bà, thăm hỏi cha mẹ xong tụi nó lại quay về với gia đình nhỏ mà không quên xin con gà, con cá. Tụi nó nói, “đồ” của tôi làm ra toàn là đặc sản”. Nói xong, ánh mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc.

Hết lòng vì cộng đồng

Mười mấy năm trước, chị Lê Thị Ngọc Thu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Tú, ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, nhận thấy ngoài việc làm nông, phụ nữ xóm mình chỉ biết chăm lo nhà cửa hoặc đi làm thuê. Tuy nhiên, giờ đây ai cũng kiếm thêm được một khoản tiền kha khá từ nghề đan đát lục bình do chị Thu truyền lại.

Năm 2003, sau lần đi Phụng Hiệp thăm bà con, chị nhận thấy nghề đan đát lục bình rất phù hợp với điều kiện của bản thân và người dân trong xóm. Là người ham học hỏi, chị bắt đầu học nghề từ đó. Thời gian đầu, chị tập hợp một số chị em trong ấp lại vừa học vừa làm.

Để mang nghề mới về quê nhà, có đêm chị phải thức trắng tập làm mẫu mới để sáng hôm sau hướng dẫn lại cho… học viên. Ban đầu, phần lớn sản phẩm nhận gia công bị trả lại do không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Không nản, chị tiếp tục mời… thầy về quê truyền nghề…

Sau khi mọi người thành thạo tay nghề, chị Thu bắt đầu nghĩ đến chuyện thu mua sản phẩm từ chị em (từng chị đan tại nhà riêng). Từ đó, nhà chị Thu trở thành vựa thu mua sản phẩm đan đát từ lục bình để cung cấp ra thị trường, HTX Thanh Tú cũng được hình thành không lâu sau đó.

Hiện tại, hàng tháng bình quân HTX Thanh Tú thu mua khoảng 7.000 sản phẩm đan đát từ lục bình. Các sản phẩm này HTX thu mua từ các tổ hợp tác trên địa bàn các huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Từ ngày thành lập đến nay, HTX đã tạo được việc làm ổn định cho gần 100 lao động thường xuyên và hàng ngàn lao động thời vụ. Chỉ riêng 50 thành viên của tổ hợp tác đan đát lục bình tại ấp 10, mỗi thành viên trung bình có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Hiền, ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tùy tháng có thời gian ít hay nhiều mà thu nhập từ nghề đan đát lục bình dao động. Thường thì mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng”.

Ngồi tiếp chuyện với tôi mà điện thoại của chị Thu reo liên tục. Chị cho biết, do mưa kéo dài, lục bình khan hiếm, mua nguyên liệu không có, phải để chị em nghỉ nửa tháng trời. Thấy mọi người than không tiền xài tết, vậy là chị tất tả ngược xuôi tìm cách. Rồi hôm thấy chị chở cả xe tải dây nhựa về phân phát cho chị em, ai cũng ngạc nhiên. Vậy là tết năm nay chị em lại tiếp tục bận rộn với công việc của mình. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ba, ở ấp 10, Vị Thắng, chia sẻ: “Biết chị Thu từ lâu, thương “chỉ” ở chỗ luôn nghĩ ngợi và lo cho chị em”.

Khi được hỏi, chị có được điều gì từ cái nghề mình chọn, chị cười tươi rói: “Cái được lớn nhất đối với tôi không phải tiền bạc mà là niềm vui được giúp những người lao động có việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định”.

Chia tay chị Thu trong buổi chiều cuối năm khi hương tết ngập tràn khắp các nẻo đường, tôi hít một hơi thật mạnh để tận hưởng không khí trong lành ở vùng quê nghèo đang vươn mình.

Tết - thời khắc cứ lặp đi lặp lại nhưng cảm xúc thì chẳng năm nào giống nhau. Đối với người này là sự bình yên, đối với người kia là sự rộn ràng, riêng với tôi là niềm tin. Tôi tin người như ông Công, chị Thu, anh Khoa - những người đã có công gắn kết, xây dựng niềm tin từ những điều giản đơn nhưng thiết thực. Họ chẳng khác những con ong chăm chỉ đang ngày ngày góp mật cho đời, dệt thêu cuộc sống.

NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>