Thu hút hội viên đồng bào dân tộc

15/09/2016 | 07:39 GMT+7

Với mong muốn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, thời gian qua, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã đa dạng hóa các mô hình, câu lạc bộ mang tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu, sở thích và tập hợp được khá đông phụ nữ người dân tộc tham gia.

Lễ phát triển hội viên phụ nữ người dân tộc ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy.

Toàn tỉnh có hơn 105.000 hội viên phụ nữ, trong đó phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt hội khá ít, chỉ trên 2.000 hội viên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng một phần là do đời sống chị em (đa số người dân tộc Khmer) còn nghèo, trình độ, nhận thức còn thấp nên công tác vận động tham gia vào tổ chức hội gặp không ít trở ngại.

Trước tình hình trên, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để thu hút, tập hợp chị em vào tổ chức hội. Trong đó, công tác tuyên truyền được hội LHPN các cấp đặt lên hàng đầu; nội dung, hình thức tuyên truyền cũng thường xuyên được thay đổi cho phù hợp với đặc điểm từng vùng, tập quán của đồng bào. Cán bộ phụ nữ cũng thường xuyên trực tiếp xuống tận các ấp, khu vực để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, tham dự sinh hoạt và giúp cho chị em thấy được lợi ích khi tham gia vào tổ chức hội. Ngoài ra, còn đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ dân tộc, đặc biệt là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, học tập; cử cán bộ và hội viên nòng cốt kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ hội viên, phụ nữ lúc ốm đau, hoạn nạn.

Bà Nguyễn Thị Như Kiều, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, toàn huyện phát triển mới được 53 hội viên người dân tộc, nâng tổng số hội viên người dân tộc toàn huyện lên 456. Hiện nay, huyện Vị Thủy có hai ấp là ấp 4, xã Vị Bình và ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây không còn phụ nữ dân tộc (trên 18 tuổi - PV) chưa vào hội. Đây là chỉ tiêu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ của huyện và sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới”.

Bà Sơn Na, ở ấp 9, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Trước đây, tôi được vay vốn chăn nuôi và nuôi heo không cho hiệu quả nên chuyển sang cải tạo vườn, đến nay cuộc sống tương đối ổn. Tôi và chị em người dân tộc trong ấp vừa tham gia mô hình Câu lạc bộ phụ nữ dân tộc tiết kiệm điện năng của ấp. Sau khi tham gia, được hướng dẫn cách thức tiết kiệm điện năng trong sinh hoạt, từ số tiền tiết kiệm được mình cùng chị em hùn vốn xoay vòng để dùng trang trải việc khác trong gia đình”.

Bên cạnh đó, hội LHPN các cấp trong tỉnh còn chú trọng lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhân các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, của hội để từng bước tạo cơ hội cho cán bộ hội gần gũi hơn, tạo nhận thức mới cho chị em. Bà Trương Thị Mỹ Lệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Nhờ tổ chức các hoạt động giao lưu thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ vào dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc mà chị em biết nhau, trò chuyện và hiểu nhau hơn. Khi có sự cảm thông, giúp đỡ nhau thì chị em sẽ lắng nghe và có những hành động tích cực”.

Bà Thị Lẹt, Đội đua ghe ngo nữ ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tham gia vào các mô hình tổ, nhóm tiết kiệm hùn vốn giúp đỡ nhau thoát nghèo hội viên thấy rất hài lòng. Chị em người dân tộc ở đây nhiệt tình lắm, làm hết mình, chơi cũng hết mình nhưng đều đồng lòng, khuyên răn nhau làm gì cũng phải lo cho kinh tế ổn định trước đã”.

Còn bà Thị Thu Hà, thành viên Câu lạc bộ thích hát dù kê ở ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Câu lạc bộ mới thành lập có 8 thành viên thôi, trước đó tất cả đều thích loại hình sân khấu cổ truyền này nhưng không tập hợp lại được. Mấy chị phụ nữ trên xã đề nghị tập hợp lại thành lập câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên để nâng cao chất lượng nên tụi tui tham gia. Mới thành lập xong câu lạc bộ đã đi biểu diễn nhân dịp Đại hội Phụ nữ thành phố rồi đó. Vui lắm!”.

Trên thực tế, công tác tập hợp, thu hút phụ nữ người dân tộc theo các mô hình, câu lạc bộ đã mang lại hiệu quả bước đầu. Để nâng chất đòi hỏi các cấp hội LHPN cần có sự năng động, sáng tạo, tư duy mới trong từng cách làm, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng. Các mô hình mặc dù được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện và do các thành viên chủ động về nội dung, hình thức sinh hoạt nhưng cần có sự định hướng, hỗ trợ của các cấp hội về nội dung, phương thức hoạt động.

Bà Đỗ Thị Bích Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Quan tâm hỗ trợ, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với chị em phụ nữ người dân tộc cũng chính là cơ sở, nền tảng để tập hợp, thu hút phụ nữ, nâng cao chất lượng tổ chức hội ở địa bàn các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội, rèn luyện người cán bộ hội phải thực sự tâm huyết, bám sát cơ sở để gây dựng phong trào và thúc đẩy phong trào thêm khởi sắc. Có như thế thì hiệu quả việc thành lập các loại hình tập hợp, đoàn kết phụ nữ của hội mới ngày càng phát huy tích cực hơn nữa”.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>