Quan tâm nâng cao đời sống nông dân

24/04/2018 | 09:26 GMT+7

5 năm qua, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã không ngừng củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Cầu kênh Hội Đồng, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, trong giai đoạn thi công.

Hội Nông dân huyện Châu Thành có 9 cơ sở hội trực thuộc với 14.426 hội viên; huyện có trên 80% dân số làm nông, do đó nông dân có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong suốt nhiệm kỳ 2013-2018, Huyện hội đã tập trung chỉ đạo các cơ sở hội phát động và tổ chức có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (phong trào NDSXKDG) nhằm tạo động lực khích lệ, động viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phước, nhiệm kỳ 2013-2018, để phát huy hiệu quả phong trào NDSXKDG, hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể… Qua 5 năm, toàn xã có 554 hộ NDSXKDG, so đầu nhiệm kỳ, tăng 116 hộ; có gần 190 hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, hội nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thường xuyên quan tâm tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân; tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Để đồng vốn phát huy hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, hội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để giúp hội viên, nông dân có thêm kiến thức, mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng phương pháp sản xuất tiến bộ giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Từ sự giúp sức đó, nhiều hội viên, nông dân đã đầu tư mở rộng diện tích canh tác, cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả để chuyển đổi cây trồng phù hợp hơn.

Hộ ông Nguyễn Ngọc Tính, ở ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, được công nhận là hộ NDSXKDG nhờ năng động trong trồng trọt.

Cách nay hơn 4 năm, sau khi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay 30 triệu đồng, ông Tính đã chuyển đổi 4.000m2 ruộng lúa sang lập vườn trồng cam sành. Qua học tập kinh nghiệm từ các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng cây có múi, ông đã chăm sóc tốt vườn cam. Vụ trái chiếng năm rồi, gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng. Hiện tại, vườn cam đang vào mùa trái thứ 2, hứa hẹn năm nay cho thu hoạch trên 16 tấn trái.

Ông Tính cho biết: “Qua sự quan tâm, giúp đỡ, động viên kịp thời của hội, nông dân chúng tôi tích cực hưởng ứng phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng của địa phương, từ đó đời sống kinh tế từng bước cải thiện. So với 5 năm trước thì nhìn chung hiện nay cuộc sống của nông dân có phần khởi sắc hơn, số hộ có mô hình làm ăn hiệu quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm không hiếm”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, những năm qua, hội viên, nông dân huyện Châu Thành còn tích cực tham gia thi đua xây dựng nông thôn mới.

Qua tham gia phong trào, từng hộ hội viên đã thực hiện tốt 1 đến 3 nội dung theo tiêu chí 17 về môi trường. 5 năm qua, toàn huyện có 18 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường gắn với tổ thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nông dân huyện còn tham gia hiến đất, đóng góp tiền để xây dựng, sửa chữa cầu, làm đường, thực hiện kiên cố đê bao,… tổng giá trị đóng góp ước trên 11,6 tỉ đồng và trên 234.985m2 đất.

Nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp hội và hội viên chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Nông dân huyện Châu Thành lần thứ XI nhiệm kỳ 2018-2023, từ đầu năm đến nay, hội nông dân cấp xã ở huyện đã triển khai nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa.

Ông Lê Văn Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu, cho biết: “Thiết thực chào mừng Đại hội Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân xã đang triển khai xây dựng công trình cầu kênh Hội Đồng, tại ấp Phú Lợi, kinh phí thực hiện trên 100 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Công trình này đưa vào sử dụng sẽ góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và nguy hiểm cho người đi đường diễn ra nhiều năm qua”.

Đường kênh Hội Đồng lưu lượng giao thông, nhất là học sinh đi lại hàng ngày khá đông. Trước đây, mặt lộ rộng khoảng 3m nhưng cầu cũ rộng chỉ hơn 1m, xuống cấp nghiêm trọng…

Có thể thấy, nhiệm kỳ qua, hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành đã nỗ lực rất lớn để làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, từng bước nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân.

Nhiệm kỳ 2013-2018 khép lại, nhiệm kỳ mới mở ra với mục tiêu tiếp tục xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nâng chất các phong trào thi đua của hội và địa phương; các cấp hội cũng sẽ chú trọng các giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân nhằm phát huy tốt hơn vai trò của giai cấp nông dân trong thời đại mới.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>