Hiệu quả từ tổ may bao tay gia công

21/01/2016 | 08:51 GMT+7

Thời gian qua, nhằm giúp cho chị em hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phước Hưng đã thành lập nhiều mô hình như: mô hình đan lát, mô hình chăn nuôi heo liên kết... đặc biệt là Tổ may bao tay gia công ở ấp Mùa Xuân, đang hoạt động cho hiệu quả.

Thành viên Tổ may bao tay gia công ở ấp Mùa Xuân tranh thủ may trong lúc rảnh rỗi.

Được sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phước Hưng, chúng tôi tìm đến thăm gia đình chị Đặng Thị Đồng, ở ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng. Được biết, chị Đồng là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình may bao tay gia công do Chi hội Phụ nữ ấp Mùa Xuân thành lập cách đây 2 năm. Vốn làm nội trợ, không có thu nhập ổn định, nhưng nhờ đồng vốn vay xoay vòng gần 4 triệu đồng trong Hội Phụ nữ xã, chị Đồng đầu tư mua dàn may và học may bao tay. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, chị cũng thu nhập từ 2-3 triệu đồng. Chị Đồng chia sẻ: “Mô hình may gia công này tuy mới, nhưng thu nhập thì ổn định. Từ khi tham gia mô hình, có thêm thu nhập cho gia đình, nên chi tiêu cũng thoải mái hơn trước đây rất nhiều”.

Có công việc với thu nhập ổn định, chị em trong ấp chia sẻ công việc với nhau để làm. Nếu như 2 năm trước, khi mới thành lập, tổ may chỉ có 6 thành viên, bằng cách góp vốn xoay vòng cho các chị khác trong ấp mượn đầu tư máy may, đến nay tổ may đã tăng lên 16 thành viên. Mới đây, tổ được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và huyện hỗ trợ số tiền 50 triệu đồng cho 10 chị vay để chuyển đổi máy móc, thiết bị, nhằm phát huy hiệu quả, nâng thu nhập ổn định hơn cho các chị em trong ấp. Ngồi trên chiếc bàn may cồng kềnh, to gấp 3 lần so với máy may thông thường, chị Đào Kim Phượng, ở ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng, chia sẻ: “Mới ban đầu đem máy về cũng không biết sử dụng, nhưng cũng nhờ mấy chị đi trước, có kinh nghiệm chỉ dạy lại cho mình, bây giờ thì sử dụng thành thạo, mỗi ngày cũng kiếm được 50.000-70.000 đồng, cũng trang trải được cuộc sống gia đình”.

May gia công bao tay không đòi hỏi người may phải có tay nghề cao, chỉ cần biết sử dụng máy may thông thường, học hỏi thêm 5-10 ngày thì sẽ may thành thạo sản phẩm. “Bình thường, nếu bỏ ra khoảng 8 tiếng may xuyên suốt, mỗi chị có thể may từ 30 đến 40 đôi bao tay, thậm chí người may giỏi thì được 50 đôi. Với giá gia công khoảng 3.500 đồng/đôi bao tay, mỗi ngày các chị có thể kiếm được trên 100.000 đồng/ngày. Do có đầu mối ở ngay thị xã Ngã Bảy đến tận ấp giao nguyên liệu và nhận sản phẩm đều đặn nên đầu ra rất ổn định. Hơn nữa, khi nhận nguyên liệu về may tại gia đình, không bị gò bó về thời gian may, có thể kết hợp những công việc đồng áng, buôn bán, chăm sóc gia đình… nhưng cũng có nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo”, chị Quách Thị Phương, Tổ trưởng Tổ may bao tay gia công ở ấp Mùa Xuân (xã Tân Phước Hưng), khẳng định.

Bà Đinh Thị Cẩm Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phước Hưng, cho biết thêm: “Khi mới thành lập, nhiều người cũng nghi ngại về mức độ thành công, vì đa phần chị em đều là dân lao động, làm thuê làm mướn. Nhưng qua 2 năm thực hiện, hiệu quả của mô hình đã được chứng minh bằng thu nhập của chị em được cải thiện. Với những hiệu quả tích cực từ mô hình may gia công ở ấp Mùa Xuân, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ lấy mô hình này nhân rộng trong địa bàn toàn xã. Vì mô hình không chỉ giúp cho các chị em hội viên phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo mà qua đây còn tạo được tinh thần gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hội viên phụ nữ tại địa phương”.

Bài, ảnh: TRÚC DUY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>