Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động hội phụ nữ cơ sở

04/03/2021 | 17:33 GMT+7

Từ việc đẩy mạnh triển khai, thực hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả thời gian qua, đã giúp cho các chi hội phụ nữ nâng cao chất lượng hoạt động; từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.

Mô hình nuôi và nhân giống ba ba của hộ bà Đỗ Thị Được (ngồi), ở ấp Tân Quới, xã Tân Bình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Góp phần tập hợp, thu hút hội viên

 Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức hội và hội viên”, hội liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã củng cố nâng chất, kiện toàn chi, tổ hội theo địa bàn dân cư; xây dựng lại các mô hình, loại hình tập hợp phụ nữ theo nhu cầu, lứa tuổi, ngành, nghề gắn với phát triển hội viên theo hộ gia đình. Đồng thời, tăng cường đổi mới nội dung sinh hoạt ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực, phù hợp tình hình thực tế địa phương.

Qua đó đã góp phần thu hút phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc, tôn giáo tham gia vào tổ chức hội. Cụ thể như: mô hình “Phụ nữ dân tộc với pháp luật và đời sống”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao”; Câu lạc bộ “Xóm đạo bình yên”; tổ, câu lạc bộ “Phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện”; “Chi hội kiểu mẫu”; “Chung tay hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế”; “Không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”.

Riêng mô hình “Chi hội kiểu mẫu” được xem là khâu đột phá để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức hội phụ nữ cơ sở thời gian qua. Mô hình còn giúp cán bộ hội cơ sở ngày càng thể hiện được sự năng động, sáng tạo, nhạy bén hơn trong việc hưởng ứng, tổ chức nhiều phong trào, cuộc vận động thiết thực tại địa phương. Từ đó đã tập hợp, thu hút được đông đảo chị em tham gia cũng như giúp hội viên nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Điều lệ Hội.

Theo bà Lê Thị Huyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Quới, xã Tân Bình, trên cơ sở triển khai, thực hiện các tiêu chí của mô hình “Chi hội kiểu mẫu”, ngoài chọn thời gian, địa điểm phù hợp từng đối tượng, chi hội còn tổ chức sinh hoạt hàng tháng với nội dung phong phú, đa dạng. Mặt khác, trên cơ sở bám sát thông tin nội bộ của trên và các văn bản liên quan đã giúp chi hội thu hút được đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ theo quy định.

Còn theo bà Dương Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, sau nhiều năm thực hiện mô hình “Chi hội kiểu mẫu”, tỷ lệ hộ gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có ít nhất một phụ nữ tham gia sinh hoạt chi, tổ hội hàng năm trên địa bàn đều tăng lên. Hiện có 70 chi hội đăng ký thực hiện mô hình này có tỷ lệ tập hợp hội viên đạt từ 80-100%, trong đó có 29 chi hội đạt 100% trên tổng số hộ gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. 

Tương trợ, giúp nhau trong cuộc sống

Bên cạnh phát huy hiệu quả các hình thức tiết kiệm và quản lý, sử dụng các nguồn vốn theo quy định, các chi, tổ hội trên địa bàn huyện còn tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể như mô hình “Vườn rau hỗ trợ chất lượng cuộc sống”; hỗ trợ chị em đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Nhờ vậy đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế của hội nói chung, chi, tổ hội nói riêng. Chị Phạm Thị Ngọc Em, chủ cơ sở Ngọc Phạm HGI, chuyên cung cấp các sản phẩm chế biến từ cá thát lát và thịt heo, ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng thừa nhận, thời gian qua, cơ sở được các cấp hội của huyện quan tâm hỗ trợ trong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để từng bước mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. 

Bà Lê Thị Huyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Quới, xã Tân Bình, thông tin, trên địa bàn ấp ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất của gia đình hội viên, phụ nữ mang lại thu nhập cao như: mô hình nuôi ba ba, cua đinh; trồng chanh không hạt, mít Thái, sầu riêng... Đáng ghi nhận là thông qua các tổ liên kết sản xuất, các hội viên ngày càng quan tâm tương trợ, giúp đỡ về cây con giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả để cùng vươn lên trong cuộc sống.

Đơn cử tổ hợp tác nuôi ba ba, cua đinh do hộ bà Đỗ Thị Được, ở ấp Tân Quới, xã Tân Bình đứng ra vận động thành lập đang phát huy hiệu quả tích cực. Bà Đỗ Thị Được cho biết, tổ hiện có 13 thành viên là đại diện gia đình hội viên, phụ nữ trong ấp. Trong quá trình hoạt động, tổ không chỉ kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật thả nuôi và nhân giống ba ba, cua đinh mà còn giúp các thành viên có hoàn cảnh khó khăn cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình bằng cách hỗ trợ con giống bước đầu.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Dương Thị Thùy Trang nhấn mạnh: “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, nâng chất và nhân rộng các mô hình làm kinh tế có hiệu quả, huy động vốn tự có từ trong tổ, nhóm và các nguồn vốn khác để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Mặt khác, đa dạng hóa các mô hình hoạt động phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện nhằm dễ tập hợp chị em tham gia vào tổ chức hội ngày càng đông về số, mạnh về chất…”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thông tin, đơn vị vừa tổ chức thành công buổi họp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2021) và 1981 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Dịp này, đơn vị còn tổ chức sơ kết mô hình “Chi hội kiểu mẫu” giai đoạn 2017-2021 và khen thưởng 10 chi hội tiêu biểu; trao vốn hỗ trợ cho 6 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện mô hình khởi nghiệp và phát triển kinh tế gia đình.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN GIA

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>