Xã hội hóa trong nhà trường phải được thực hiện đúng quy định

10/03/2017 | 07:28 GMT+7

(HG) - Đó là đề nghị của ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, khi tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016 tại Trường Mẫu giáo Thuận Hưng và Trường Tiểu học Thuận Hưng 1 của huyện Long Mỹ. Ông Thanh đề nghị Trường Mẫu giáo Thuận Hưng cần xem lại việc cơ cấu cán bộ quản lý của nhà trường hợp lý hơn (hiện tại dư 1 phó hiệu trưởng), bố trí việc làm cho giáo viên phù hợp đáp ứng nhu cầu giảng dạy (trường hiện thiếu 4 giáo viên). Riêng Trường Tiểu học Thuận Hưng 1 tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, trường cần phải linh động sắp xếp bố trí phù hợp tình hình thực tế, phát huy các chế độ chính sách vừa qua trường đã thực hiện tốt… Sau buổi giám sát, đoàn sẽ tổng hợp ý kiến trình HĐND tỉnh điều chỉnh chế độ hỗ trợ hợp lý cho giáo viên hợp đồng, chế độ hỗ trợ thâm niên…

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh trao đổi với giáo viên Trường Mẫu giáo Thuận Hưng.

Năm học 2015-2016, Trường Mẫu giáo Thuận Hưng có tổng số 300 trẻ/8 nhóm, lớp, trường có 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó chỉ có 6 biên chế, còn lại là hợp đồng. Năm học 2016-2017, trường có 289 trẻ/9 nhóm, lớp. Còn Trường Tiểu học Thuận Hưng 1 năm học 2015-2016 có tổng số 37 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có 36 biên chế. Hiện tại trường còn thiếu 1 giáo viên tiếng Anh, 1 nhân viên thư viện, thiết bị và 1 nhân viên bảo vệ, dư 1 giáo viên tin học.

- Chiều ngày 9-3, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016 tại Trường THPT Hòa An (huyện Phụng Hiệp) và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (huyện Châu Thành A). Trường THPT Hòa An báo cáo những khó khăn do còn bị chồng chéo chưa phân định rõ chế độ hỗ trợ chính sách cho nhà trường, giáo viên được hỗ trợ theo Nghị định 61 và Nghị định 116; trường đã xây dựng hoàn thành 2 phòng thiết bị nhưng chưa sử dụng được vì còn chờ gói thầu thiết bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam đang gặp khó do thiếu 1 văn thư, trường có 11 giáo viên đã chuẩn hóa đại học sư phạm nhưng chưa được xét thăng hạng…

Sau buổi khảo sát, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét 26 trường hợp được hưởng theo Nghị định 116, chấn chỉnh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ của Trường THPT Hòa An; tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách cho giáo viên trường, xã hội hóa cần công khai, minh bạch, rõ ràng. Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam cần quan tâm chất lượng lực lượng giáo viên và học sinh dân tộc.

Tin, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>