Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018: Ít còn chuyện đăng ký theo cảm tính

28/03/2018 | 07:33 GMT+7

Học sinh lớp 12 hiện nay đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai của mình khi chọn ngành học đã gắn với năng lực và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Học sinh Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, nỗ lực ôn tập.

Biết mình, biết ta

Mỗi mùa tuyển sinh đến, việc chọn trường, chọn nghề luôn là điều băn khoăn lớn của nhiều học sinh. Em Trần Tiến, học sinh lớp 12AV, Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Em đã tìm hiểu thông tin trên các trang mạng và người thân, được biết cơ hội làm việc trong Nhà nước là rất khó nên em xác định học ra để có một nghề. Em rất thích ngành quản trị kinh doanh và ngành du lịch. Với lợi thế về ngoại hình và khả năng nói tiếng Anh khá tốt, em nghĩ mình sẽ dễ tìm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài hay các công ty”.

Còn em Võ Phước Duy, học sinh lớp 12TN, Trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Em rất mê và thích ngành công nghệ ôtô nên trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới em dự định sẽ chọn đăng ký nguyện vọng 1 ngành này. Em nghĩ, với ngành học này em không lo ra trường sẽ không có việc làm, em có thể dễ tìm việc ở các xưởng xe ôtô, hay một tiệm nhỏ rồi từ từ rút tỉa kinh nghiệm”.  

Có thể thấy, các em học sinh trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay đã rất chủ động trong việc tìm hiểu các thông tin về ngành học, ngành học nào mới, cơ hội việc làm ngành nào cao hơn sau khi ra trường. Việc chọn học theo số đông, theo cảm tính của học sinh đã giảm đáng kể. Có những em còn tìm hiểu khá kỹ nhu cầu thị trường lao động hiện nay và cả các ngành sẽ “lên đời” nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đã rất nhiều lần tham gia các buổi tư vấn từ các trường đại học uy tín, em Phạm Bá Hỷ, học sinh lớp 12VL, Trường THPT chuyên Vị Thanh, nói: “Sắp đến thời gian đăng ký các ngành xét tuyển đại học, cao đẳng rồi, hơn 1 tháng nay em đã tìm hiểu nhiều ngành mới, các ngành liên quan đến công nghiệp 4.0. Em rất thích ngành công nghệ thông tin, bản thân em cũng thấy mình có năng khiếu với ngành này, gia đình em cũng rất ủng hộ nên em sẽ chọn để học phát triển tương lai mình”.

Chọn đúng năng lực và phù hợp với đam mê

Không đăng ký quá nhiều nguyện vọng, việc lựa chọn tổ hợp môn thi theo đúng năng lực và niềm đam mê của mình là cách các trường THPT đang hỗ trợ học sinh trong việc lựa chọn đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Cô Nguyễn Thị Kiều Diễm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT chuyên Vị Thanh, chia sẻ: “Chúng tôi tư vấn để các em chọn tập trung vào 1 tổ hợp môn thi thôi, hoặc khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên sẽ giúp các em hệ thống kiến thức và không mất nhiều thời gian ôn quá nhiều môn dễ bị phân tán năng lực học tập”.

Để tăng cơ hội xét tuyển vào ngành học mình sẽ chọn, cách làm trước mắt của học sinh chính là việc các em phải tập trung học tập thật tốt. Em Lê Thị Kim Cương, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tham gia kỳ thi năm nay, ngoài 3 môn bắt buộc em sẽ chọn thi bài tổ hợp khoa học xã hội để tập trung ôn tập hiệu quả. Chọn nhiều môn thi hơn nữa thì em sẽ phải phân bố thêm thời gian”.

Thi THPT quốc gia năm nay cũng chỉ có mỗi môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn khác thi theo hình thức trắc nghiệm, việc có thêm chương trình lớp 11 vào đề thi đang làm học sinh gặp nhiều áp lực vì lượng kiến thức khá nhiều. Vì vậy, ưu tiên trước nhất của các trường là hỗ trợ kiến thức để học sinh đậu tốt nghiệp, từ cơ sở đó, sẽ xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo khảo sát sơ bộ ở các trường, hiện nay rất hiếm có học sinh chọn thi cả 2 bài thi tổ hợp. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có nhiều điểm mới nên áp lực, gánh nặng tâm lý đối với thí sinh và phụ huynh là không tránh khỏi.

Bắt đầu từ ngày 1 đến 20-4, học sinh đăng ký thi THPT quốc gia. Chọn ngành, nghề là một quyết định lớn trong tương lai đòi hỏi có sự cân nhắc thận trọng bởi “sai một li đi một dặm”.

Phải bình tĩnh, dồn hết sức vào việc hoàn thành chương trình học

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Có rất nhiều yếu tố để học sinh căn cứ lựa chọn ngành nghề như sở thích, điều kiện kinh tế gia đình, thực lực bản thân… Trong đó, một điều hết sức quan trọng các em cũng cần chú ý chính là tham khảo nhu cầu nhân lực của ngành nghề mình định chọn trong vòng 4-5 năm tới. Điều này giúp các em không lựa chọn vào những ngành nghề mà nhu cầu nhân lực đã bão hòa. Tuy còn nhiều điều phải lo nhưng tôi nghĩ học sinh lúc này cần phải bình tĩnh, dồn hết sức vào việc hoàn thành chương trình học. Kiến thức thi có rộng và đề thi dàn trải khắp chương trình nhưng nếu có học bài, chịu khó chú ý theo lời giảng của thầy cô thì các em sẽ rất dễ làm bài. Bài điểm số cao thì có chọn vào ngành nào cũng không làm khó các em.”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>