Tạo điều kiện để giáo viên trao đổi kinh nghiệm

23/02/2017 | 08:08 GMT+7

Năm nay, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, không chỉ có giáo viên ở các trường THCS, THPT tham gia, mà còn có giáo viên ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) cùng dự thi, để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.

Phần thi thực hành qua tiết dạy của thầy Nguyễn Văn Xuyên, ở Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Long Mỹ.

Chuẩn bị bài giảng thật chu đáo, lồng ghép các bài tập vận dụng vào bài học nhằm thu hút học viên… đó là công việc không mấy xa lạ đối với các giáo viên đang giảng dạy ở hệ GDTX, nhưng khi đi thi thì lại khác. Cô Tào Thị Liên, giáo viên môn lịch sử, ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Lần đầu tham gia thi nên cũng hồi hộp lắm, khi biết mình sẽ dự thi, tôi cũng chuẩn bị rất sớm. Thấy vậy, chứ giáo viên ở hệ GDTX gặp khó hơn rất nhiều so với giáo viên ở hệ THPT. Do kinh nghiệm soạn giảng ít, học viên ở trung tâm trình độ lại thấp, độ tuổi của các em chênh lệch nhau cũng nhiều nên khi soạn bài và giảng dạy thực tế đôi khi rất khác”.

Theo cô Liên, đôi khi những bài ở hệ thường xuyên chỉ cho dạy 2 tiết, còn hệ phổ thông dạy đến 3 tiết, nên có những bài dài quá sợ học sinh nắm không kịp, giáo viên chỉ giảng kiến thức trọng tâm thôi. Đặc biệt, môn lịch sử là môn học hiện nay đang rất khó thu hút được học viên, nên để tạo hứng thú cho môn học này giáo viên phải chuẩn bị rất nhiều.

Có trực tiếp được tham dự tiết thi giáo viên dạy giỏi của thầy Nguyễn Văn Xuyên, giáo viên môn hóa học, ở Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Long Mỹ, mới thấy được những tiết học sinh động, hấp dẫn chẳng khác gì so với các trường THPT. Thầy Xuyên tâm sự: “Trong bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin, tôi cũng đưa hình ảnh, bài tập vận dụng để mong các em vừa học, vừa giải trí, nhưng do đa phần ý thức học tập của học viên còn thấp, nên tiết dạy không đạt kết quả như mình mong muốn được”. Nếu tiết học ở các trường THPT luôn sinh động bởi những cánh tay giơ lên góp ý kiến xây dựng bài của học sinh, thì tiết học ở hệ GDTX giáo viên luôn là người chủ động cho bài giảng của mình. Bởi vậy, để tạo được sự năng động cho học sinh hệ này, đòi hỏi từng giáo viên phải nỗ lực, sáng tạo nhiều.

Biết được năng lực học tập của học viên ở trung tâm mình như vậy, nên dù còn nhiều khó khăn, mỗi thầy cô đều cố gắng tìm ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy. Thầy Võ Quốc Cường, giáo viên môn hóa học, ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vị Thủy, nói: “Trong giảng dạy trên lớp thường ngày, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ thông tin đủ hết để tạo hứng thú và giúp các em tiếp thu bài dễ hơn. Do ở hệ GDTX mỗi môn cũng chỉ có một giáo viên, nên hội thi lần này còn là dịp để chúng tôi gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy”.

Nhận xét về phần thi của giáo viên ở hệ GDTX, ông Trang Kim Danh, Phó trưởng Phòng Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám khảo hội thi, cho biết: “Để chuẩn bị cho các phần thi của mình, giáo viên ở hệ GDTX cũng chuẩn bị bài giảng rất tỉ mỉ, chu đáo. Các thầy cô cũng áp dụng nhiều phương pháp để đổi mới cách giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng cho học viên, nhưng do các em ở các trung tâm thường có học lực rất yếu và thiếu ý thức học tập, nên bài giảng của giáo viên thường dạy rất chậm. Hiểu được khó khăn đó, nên sau mỗi phần thi của giáo viên, chúng tôi cũng đóng góp ý kiến để giúp thầy cô rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp hơn”.

Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, năm học 2016-2017 có 241 thí sinh là giáo viên ở các trường THCS, THPT và trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh tham gia. Trong đó, 108 giáo viên cấp THCS, 121 giáo viên cấp THPT và 12 giáo viên ở hệ GDTX.

Ở cấp THCS và THPT sẽ thi giáo viên dạy giỏi ở các môn: sinh học, vật lý, địa lý, tiếng Anh, thể dục thể thao và công nghệ (kỹ thuật công nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp). Còn hệ GDTX sẽ thi: toán, vật lý, hóa học, ngữ văn, sinh học, lịch sử, địa lý…

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>