Siêu nhí cừ khôi

30/01/2017 | 08:14 GMT+7

Năm 2016, những học sinh nhỏ tuổi của tỉnh Hậu Giang mang về nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp khu vực và quốc gia. Với sự thông minh và sáng tạo, các em đã khẳng định được vị thế, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà với các tỉnh, thành trong khu vực.

Ý tưởng về máy lọc nước mặn

Khi những cánh mai vàng đang e ấp đón chào mùa xuân đến, chúng tôi có dịp về thăm lại Trường Tiểu học Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, ngôi trường đang chở ước mơ bé bỏng của cậu học trò nhỏ Nguyễn Chí Tình, học sinh lớp 4A1. Mới 8 tuổi, nhưng Tình là học sinh vinh dự đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” năm 2016, do Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công ty Honda Việt Nam tổ chức, với mô hình “Máy lục bình thông minh lọc nước mặn thành muối và nước ngọt”.

Em Tình đang cùng giáo viên vẽ tiếp ước mơ của mình.

Đôi mắt tròn xoe, nụ cười hóm hỉnh, em đang cùng đứa bạn thân của mình ngồi đọc sách. Giữa sân trường rợp bóng cây, Tình chia sẻ: “Em rất thích đọc sách. Nhờ đọc sách mà em có thể tìm ra những điều hay và thú vị. Em hy vọng từ những mẩu chuyện, bài học, các phát minh mới mà em đọc được sẽ giúp em hình thành ý tưởng vẽ nên một con rô bốt xây nhà”. Hỏi vì sao em có ý tưởng táo bạo như thế, Tình bộc bạch: “Em muốn giúp ba đỡ khiêng vác nặng trong việc xây nhà. Vì em thấy ba cực quá, khi hàng ngày phải đi vác đá, gạch mướn cho người ta để kiếm tiền lo cho em ăn học. Nhìn cái áo hai vai sờn chỉ của ba mà em thương lắm”.

Từ tình yêu gia đình, luôn quan tâm đến những khó khăn của người thân mà em đã chịu khó quan sát để tìm ra những giải pháp giúp đỡ mọi người. Chính sự tỉ mỉ quan sát thay đổi xung quanh đã giúp em hình thành nên ý tưởng cho mô hình “Máy lục bình thông minh lọc nước mặn thành muối và nước ngọt”. Nếu được thực hiện, mô hình sẽ giúp mọi người rất nhiều. Mô hình cũng đơn giản: Máy lục bình nhỏ sẽ dẫn truyền nước lên thân máy liên tục, máy lục bình lớn sẽ hút nước truyền lên thân máy ở giữa, tấm lọc thông minh sẽ tách nước nhiễm mặn thành tinh thể muối và nước ngọt. Tuy nói là đơn giản, nhưng để hoàn thiện chắc không dễ dàng, đòi hỏi các nhà khoa học phải tiếp tục nghiên cứu…

Chia sẻ cơ duyên để em hình thành nên ý tưởng này, Tình cho biết: “Nhờ ông nội nói với em là hổm rày nước sông mình cứ lợ lợ, đến khi xem thời sự nói hiện nay nước mặn đang xâm nhập đến khu vực Phụng Hiệp, em mới nghĩ sao mình phải chịu khổ khi nước mặn xâm nhập, có cách nào lọc nước mặn thành nước ngọt không?”. Cô Võ Thị Kim Cương, giáo viên dạy mỹ thuật của Trường Tiểu học Phụng Hiệp, chia sẻ: “Thật bất ngờ là dù không đặt nặng giải thưởng, nhưng mô hình đã đạt giải nhất cấp quốc gia. Đây là một niềm vui lớn của cô, trò trong mùa xuân mới”.

Lần đầu Hậu Giang vào tốp 3 cả nước

Xuất sắc khi đạt giải nhất Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXII năm 2016 được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, nên xuân này đối với em Nguyễn Phan Ngân Quỳnh (11 tuổi), học sinh lớp 6A2, Trường HCS Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, lại càng vui hơn. Giải thưởng là động lực để em sáng tạo ra phần mềm mới.

Em Quỳnh (bìa phải) cùng một bạn trong lớp đang thiết kế trang website cho riêng mình để có thể làm nên một sản phẩm vừa nâng cao nhận thức của mọi người.

Ba em Quỳnh, thầy Nguyễn Thanh Lâm, giáo viên toán - tin Trường THPT Lương Thế Vinh, thổ lộ: “Hai cha con đang nghiên cứu để viết phần mềm về an toàn giao thông. Tuy đây không phải là một vấn đề mới, nhưng hiện nay nó vẫn còn rất thời sự. Tôi muốn từ phần mềm này, con mình có thể trang bị thêm nhiều kiến thức hay và bổ ích trong cuộc sống”. Phấn khởi và đặt nhiều hy vọng vào sản phẩm tương lai của mình, em Quỳnh chia sẻ: “Không chỉ nghiên cứu với ba, em còn cùng một bạn trong lớp đang thiết kế trang website cho riêng mình để có thể làm nên một sản phẩm vừa nâng cao nhận thức của mọi người về an toàn giao thông, vừa là một dụng cụ học tập tốt khi thiết kế các trò chơi đố vui, đuổi hình bắt chữ…”.

Chia sẻ niềm đam mê của mình với tin học, em Quỳnh bộc bạch: “Em mê tin học từ năm học lớp 3. Khi lần đầu tiên được lên máy vi tính, được thầy cô chỉ dạy thế nào là lập trình Pascal, thế nào là ứng dụng của phần mềm Paint trong chỉnh sửa hình ảnh… những thiết kế hình tròn, hình vuông, các bảng logo, giải toán có lời văn… đã thu hút tính tò mò của em”. Đến năm lớp 4, Quỳnh được vào đội tuyển học sinh giỏi tin học của huyện. Cũng năm học đó (năm 2015) em đạt giải ba Hội thi Tin học trẻ cấp huyện, giải nhì Hội thi Tin học trẻ cấp tỉnh với phần thi phần mềm sáng tạo về Bảo vệ môi trường. Năm học lớp 5 em vinh dự đạt giải nhất cấp tỉnh và được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi tin học cấp quốc gia.

Em Nguyễn Phan Ngân Quỳnh (hàng trên, bìa trái) luôn chủ động trong học tập.

Không phụ lòng thầy cô đã mong đợi, năm nay, em vinh dự mang về giải nhất Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXII năm 2016 cho tỉnh, góp phần đưa Hậu Giang vào tốp 3 ở hội thi lớn.

Ngạc nhiên với “Đèn giao thông thông minh”

Đó là em Nguyễn Lê Như Ý và Cao Nguyễn Khánh Trình (13 tuổi), học sinh lớp 8A9, Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy. Hai em là chủ nhân của mô hình “Đèn giao thông thông minh”, đã đạt giải nhì tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXII năm 2016. Đây là sản phẩm gây rất nhiều ngạc nhiên và thu hút sự chú ý của mọi người, khi lần đầu tiên Hậu Giang có sản phẩm dự thi ở phần cứng. Em Nguyễn Lê Như Ý chia sẻ: “Em rất thích và ấn tượng với việc xem các anh chị ở các trường đại học ở thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh trình diễn rô bốt. Từ những mảnh sắt vụn, những dây điện, các mao mạch… mà làm nên một vật di chuyển, thiệt em phục lắm”.

Em Nguyễn Lê Như Ý (phải) và Cao Nguyễn Khánh Trình (trái), (13 tuổi) học sinh lớp 8A9, Trường THCS Ngô Quốc Trị, đang nối các mao mạch cho thiết kế mới của mình.

Với thành công từ việc lập trình phần cứng qua mô hình “Đèn giao thông thông minh”, là nền tảng để hai em học sinh Nguyễn Lê Như Ý và Cao Nguyễn Khánh Trình tiếp tục đam mê sáng tạo thành công một con rô bốt nhặt rác để giúp nhà trường nâng cao ý thức của học sinh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của đôi bạn này là phần thiết kế đôi tay rô bốt và kinh phí thực hiện các lần thí nghiệm. Thầy Nguyễn Viết Đức, giáo viên dạy tin học, Trường THCS Ngô Quốc Trị, chia sẻ: “Chúng tôi muốn làm một đôi tay rô bốt mới, lạ và thật độc đáo với nhiều tính năng để có thể cầm, nắm linh hoạt. Chứ không mua cánh tay rô bốt được người ta làm sẵn. Như vậy không có tính hấp dẫn, sáng tạo. Ngoài ra, do mới hình thành ý tưởng nên việc thiết kế, phác họa ra mô hình như thế nào cũng đang được thầy trò nghiên cứu”. Thầy Đức là một giáo viên rất “mát tay” trong việc bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu tham gia hội thi tin học trẻ cấp tỉnh và quốc gia. Từ sự hướng dẫn của thầy đã có rất nhiều học sinh thành công, theo đuổi niềm đam mê với tin học…

Với sự thông minh, nhạy bén và óc sáng tạo, các em học sinh “siêu nhí” hứa hẹn sẽ mang đến một dấu ấn mới trong các cuộc thi cấp khu vực, quốc gia năm tới. Từ kết quả của năm nay, sang năm Đinh Dậu 2017, hy vọng sáng tạo sẽ càng thêm đa dạng, để nhân tài Hậu Giang có nhiều cơ hội tỏa sáng…

Hậu Giang là tỉnh vùng sâu, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, công tác đầu tư, quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, bày tỏ: “Dấu ấn của giáo dục năm nay là những kết quả cao từ các hội thi cấp khu vực và quốc gia. Đa phần đều thuộc các trường vùng sâu còn nhiều khó khăn. Những giải thưởng mà các em học sinh mang lại đã thật sự tạo nên những bất ngờ và đây cũng là những hạt nhân để ngành giáo dục quan tâm bồi dưỡng nhân tài. Chúng tôi rất mừng vì sự chủ động, vượt khó vươn lên của các trường vùng sâu. Từ chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên rõ rệt đã giúp ngành giáo dục tỉnh rút ngắn sự chênh lệch giữa các nơi khó khăn và nơi có điều kiện”.

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>