Phát huy hiệu quả đào tạo

15/12/2017 | 07:47 GMT+7

Qua hơn 1 năm sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, để mỗi địa phương chỉ còn một trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) đã minh chứng được đây là yêu cầu tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp.

Lớp học ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành.

Dạy nghề, dạy học

Lớp học thưa thớt, thiết bị dạy nghề chưa có, giáo viên dạy nghề, dạy bổ túc văn hóa có khi phải thỉnh giảng từ các trường, các trung tâm khác về dạy… Đây là thực trạng rất dễ bắt gặp khi đến các trung tâm GDNN-GDTX lúc mới được sáp nhập hoặc bổ sung thêm chức năng dạy nghề, dạy bổ túc văn hóa. Trên nền tảng là một trung tâm dạy nghề, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ khi thành lập được bổ sung thêm chức năng giáo dục thường xuyên. Ông Đinh Trung Hiếu, Phó Giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Do trước đây, là trung tâm dạy nghề, mà đa phần các lớp nghề lại đặt tại địa phương, nên hoạt động giảng dạy tại trung tâm cũng rất ít. Vì vậy, khi thêm chức năng dạy văn hóa cán bộ, giáo viên của trung tâm đã rất tích cực để vận động học sinh ra lớp. Khi vận động học sinh ra học văn hóa ở trung tâm nhiều phụ huynh hỏi mấy câu như chỗ trung tâm đó cũng có dạy văn hóa nữa hả, trước giờ tôi đi ngang nhìn cứ tưởng chỗ trung tâm là cái… nhà kho. Tôi nghe vậy cũng bất ngờ lắm”.

Dù khó là vậy, nhưng đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ vẫn còn thiếu giáo viên dạy bổ túc văn hóa, nhưng để phát huy đầy đủ chức năng vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa, trung tâm đã chủ động đi vận động học sinh ra lớp và thỉnh giảng giáo viên để mở các lớp bổ túc văn hóa. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã mở được 13 lớp dạy nghề và 2 lớp dạy bổ túc văn hóa. Ông Lê Quang An, Giám đốc trung tâm, nói: “Bước đầu của việc chuyển đổi thành trung tâm GDNN-GDTX cũng còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay trung tâm đã phát huy đúng được vai trò là vừa dạy nghề vừa dạy học. Trung tâm đã mở được các lớp đào tạo nghề để cung ứng nguồn lao động ngay tại địa phương, vận động kịp thời học sinh bỏ học ra lớp, kết hợp với các trường nghề mở lớp vừa học nghề vừa học văn hóa…”.

Khả quan sau 1 năm sáp nhập

Cũng khá khó khăn khi được bổ sung thêm chức năng dạy nghề, lại là đơn vị được chuyển đổi thành trung tâm GDNN-GDTX sau cùng của tỉnh, nên tìm ra hướng đi hiệu quả cũng là hành trình gian nan của Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Ngã Bảy. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc trung tâm, bộc bạch: “Trước giờ, trung tâm không có mã nghề cũng như giáo viên cơ hữu dạy nghề, nên hiện chúng tôi đã cho giáo viên cơ hữu của trung tâm bồi dưỡng thêm kiến thức nghề để sang năm 2018 xin dự toán thực hiện đào tạo nghề. Riêng ở mảng giáo dục thường xuyên năm nay, chúng tôi cũng chủ động xuống nhà vận động học sinh ra lớp nên kết quả cũng khả quan”. Bên cạnh tập trung để thực hiện tốt chức năng được bổ sung là đào tạo nghề, đối với mảng giáo dục thường xuyên đến nay trung tâm đã mở được 3 lớp với hơn 50 học viên theo học.

Đối với những địa phương có sẵn trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên, việc sáp nhập hai trung tâm thành một đã phát huy được hiệu quả tích cực. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, cho biết: “Sau 1 năm nhìn lại, việc sáp nhập trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên thành một là chủ trương đúng đắn. Qua đây, bộ máy tổ chức đã được tinh giảm gọn nhẹ, phù hợp nhu cầu thực tế địa phương hơn. Đối với mảng dạy nghề năm nay, trung tâm mở được 19 lớp dạy nghề nông thôn, trong đó có việc làm hơn 80%. Mảng giáo dục thường xuyên năm nay cũng có 73 học viên theo học”.

Lúc chưa thực hiện quyết định sáp nhập, trên địa bàn tỉnh có 5 trung tâm dạy nghề tại các huyện: Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành A, Châu Thành và 7 trung tâm GDTX ở thành phố Vị Thanh, Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy, Châu Thành A và Châu Thành. Khi thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015 của Bộ Nội vụ với Bộ GD&ĐT hướng dẫn sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, toàn tỉnh có 7 trung tâm GDNN-GDTX ở huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành và Trung tâm GDTX tỉnh. Như vậy, đã giảm được 4 đơn vị.

Từ đầu năm đến nay, các trung tâm trên địa bàn tỉnh đã mở được 89 lớp dạy nghề và vận động được hơn 600 học sinh theo học các lớp bổ túc văn hóa cho năm học 2017-2018. Trong đó, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vị Thủy đã mở được 9 lớp dạy nghề và 5 lớp dạy bổ túc văn hóa; Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Long Mỹ mở được 7 lớp dạy nghề và 3 lớp dạy văn hóa; Trung tâm GDNN-GDTX huyện Long Mỹ mở được 13 lớp dạy nghề và 2 lớp dạy bổ túc văn hóa (cho năm học 2017-2018); Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp được 17 lớp dạy nghề và 4 lớp dạy văn hóa; Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Ngã Bảy được 3 lớp dạy văn hóa; Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A mở được 19 lớp dạy nghề và 4 lớp dạy văn hóa; Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành được 8 lớp dạy nghề và 3 lớp dạy văn hóa và Trung tâm GDTX tỉnh mở được 5 lớp dạy văn hóa.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>