Những người thầy từng mặc áo lính

03/05/2017 | 07:32 GMT+7

“Phục vụ trong quân ngũ chỉ từ 2 đến 5 năm nhưng đó là thời gian đáng nhớ và hỗ trợ chúng tôi rất tốt trong môi trường sư phạm”, là chia sẻ của những nhà giáo từng khoác lên mình chiếc áo lính.

Thầy Cao Minh Ngoan được đồng nghiệp quý mến vì sự nhiệt tình, hết lòng với công việc.

Rèn tính cần cù và kỷ luật

Thầy Nguyễn Viết Đức, giáo viên dạy tin học, Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, được biết đến với thành tích nổi bật trong bồi dưỡng học sinh giỏi tin học, đặc biệt là phong trào tin học trẻ, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng từ những ngày giáo dục còn khó khăn. Thầy Đức từng là lính hải quân, từ năm 1995-1997 công tác tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thầy Đức chia sẻ: “Thời gian đi bộ đội đã rèn cho tôi tính kỷ luật, bản lĩnh trước những thách thức và khó khăn của cuộc sống”. Thầy nhớ lại, năm 2001 khi mới về công tác tại Trường THPT Vị Thủy (nay là Trường THCS Ngô Quốc Trị): “Điều kiện cơ sở vật chất còn rất hạn chế, ở nhà tập thể, mùa mưa xung quanh toàn là nước, ban đêm tôi có cảm giác giống như đang ở ngoài đảo xa vậy, ban ngày đi dạy có lớp nước ngập nửa ghế ngồi của học sinh, nhưng tôi vẫn cố vượt khó bám trường, bám lớp”. Trong điều kiện khó khăn đó, năm học 2003-2004 thầy đã đăng ký bồi dưỡng tin học trẻ cho trường và thầy đã đặt viên gạch đầu tiên cho sự đam mê với môn tin học của học sinh. Tuy nhiên, để có được thành tích đáng nể như ngày nay là cả quá trình nỗ lực. Bởi muốn giỏi lập trình thì các em ít nhất phải thành thạo một số kỹ năng cơ bản về máy tính, nhưng học trò vùng sâu việc tiếp cận máy tính rất hạn chế, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi mà cái gì các em cũng hỏi nói không rành, không biết, thương học sinh, nên thầy trò cùng cố gắng…

Từ năm 2005 đến nay, thầy đã bồi dưỡng cho các em học sinh và mang về trên 104 giải thưởng cấp huyện, tỉnh, trên 13 giải thưởng cấp quốc gia trong các cuộc thi tin học trẻ, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Đặc biệt, nhờ thầy bồi dưỡng, 2 em Nguyễn Lê Như Ý và Cao Nguyễn Khánh Trình, học sinh lớp 8A9 của trường đã xuất sắc đạt giải nhì tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXII, năm 2016 với mô hình “Đèn giao thông thông minh”. Thầy Đức chia sẻ: “Với tôi, không gì hạnh phúc bằng kết quả học tập của học sinh ngày một tiến bộ và nhiều em đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi. Đây cũng chính là cách tôi cống hiến cho ngành, cho trường, cho quê hương”.

Chất lính làm nên thầy giáo dám nghĩ, dám làm…

Còn với thầy Cao Minh Ngoan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Hữu, huyện Châu Thành, chính môi trường quân ngũ đã đào tạo ra một người thầy, một đảng viên tâm huyết, yêu nghề và hết lòng vì học sinh thân yêu. Thầy Ngoan chia sẻ: “Trước đây, ước mơ của tôi là phục vụ lâu dài trong quân đội, được đem hết sức mình phục vụ cho quê hương như ông bà, dì cậu của mình”. Thầy Ngoan có bà ngoại là Mẹ Việt Nam anh hùng, 3 cậu là liệt sĩ, 1 cậu từng công tác tại Chiến khu D. “Những lần về thăm nhà, cậu hay kể những câu chuyện khi đi chiến đấu, lúc giáp mặt địch… Từ những câu chuyện oai hùng ấy, tôi nghĩ mình cần phải đi bộ đội để tự trui rèn bản lĩnh, cống hiến sức trai”, thầy Ngoan nhớ lại.

Năm 1997, thầy tốt nghiệp cao đẳng hóa - sinh, Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ. Một năm sau thầy nhận giấy gọi nhập ngũ tại Tiểu đoàn Tây Đô (huyện Phong Điền). Vui mừng khi ước mơ của mình thành hiện thực, thầy hăng hái lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của người trai.

Do một số điều kiện khách quan thầy Ngoan không phục vụ lâu dài trong quân đội. Khi đó, thầy xác định, không phục vụ trong quân ngũ lâu dài phải tiếp tục học cho xong lớp đại học tại chức chuyên ngành sư phạm hóa. Vậy là trong màu áo quân nhân, thầy đều đặn đến giảng đường. Thầy Ngoan tâm sự: “Phục vụ trong quân ngũ được 4 năm (năm 2002), tôi ra quân. Khi đó, có chính sách cho một số chiến sĩ phục vụ lâu dài được ra quân trước thời hạn, tôi trở về quê hương và dạy học cho tới ngày nay”.

Năm 2012, thầy được tín nhiệm bầu làm phó hiệu trưởng nhà trường cho đến nay. Ông Trần Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Hữu, nhận xét: “Khi giữ chức phó hiệu trưởng chỉ 1 năm, năm sau thầy đã đề xuất thực hiện dạy 2 buổi/ngày cho 100% lớp học trong trường. Từ sáng kiến này đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Tôi thấy mừng vì trường có một thầy giáo dám nghĩ, dám làm, mà làm tốt như vậy”. Được biết, hàng năm cùng với nhà trường, thầy Ngoan đưa ra nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh khá giỏi, giảm học sinh yếu kém. Kết quả là trung bình hàng năm giảm từ 2-3% học sinh yếu kém, tăng học sinh khá giỏi.

Nhờ trưởng thành trong môi trường quân ngũ, đã giúp các nhà giáo vững tin và hết lòng với nghề đã chọn. Nhờ chất lính, các thầy đã cho thấy mình luôn dám nghĩ, dám làm và dám nhận việc khó về mình để chung tay lo cho giáo dục tỉnh nhà.

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay, toàn ngành có khoảng 140 cán bộ quản lý, giáo viên từng tham gia quân ngũ. Theo đánh giá, thì đây là những nhà giáo yêu nghề, nhiệt tình với công việc. Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật rất cao. 

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>