Ngăn chặn bạo lực học đường

30/11/2016 | 07:54 GMT+7

Nhiều trang mạng xã hội gần đây đã đăng tải không ít clip học sinh mặc đồng phục đánh nhau, để tình trạng này không còn xuất hiện trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục cũng đã có những biện pháp tích cực để ngăn chặn...

Giáo viên gần gũi, quan tâm học sinh hơn, sẽ giúp các em tự hoàn thiện nhân cách mình.

Thực trạng bạo lực học đường

Sau khi vụ việc ồn ào vào khoảng tháng 3 năm học 2014-2015, một đoạn clip được tải lên facebook ghi lại cảnh đánh nhau dữ dội giữa 2 cô gái trẻ đến nỗi ngất xỉu ngay trên đường, còn những người xung quanh đó có cả nam lẫn nữ đứng nhìn và thậm chí còn cổ vũ. Ngay sau đó, thiếu nữ bị ngất xỉu được xác định là T.T.B.H. (học sinh lớp 9 một Trường THCS ở thị xã Ngã Bảy). Nguyên nhân của vụ việc trên là do mâu thuẫn cá nhân của các em học sinh dẫn đến hành vi bạo lực. H. được đánh giá là một học sinh có học lực khá và hạnh kiểm tốt. Vụ việc đã dấy lên hồi chuông về bạo lực học đường xảy ra tại tỉnh. Sau vụ việc, ngành giáo dục cũng như các trường học trong địa bàn đã siết tay hơn trong công tác ngăn chặn bạo lực học đường và tìm nhiều giải pháp phối hợp với nhau để không xảy ra vụ việc đáng tiếc tương tự.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong các năm qua, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 50 vụ học sinh gây gổ, đánh nhau. Nguyên nhân của thực trạng trên được xác định phần nhiều là do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Một bộ phận học sinh có lối sống thực dụng, đua đòi, các em thiếu sự quan tâm, động viên kịp thời của gia đình, nhà trường… Bà Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Pháp chế và Chính trị, tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Hiện nay, hoạt động giáo dục trong nhà trường ngày càng được các cấp quản lý giáo dục coi trọng, đặc biệt là các trường THCS và THPT, nơi mà các em học sinh đang trong lứa tuổi có nhiều biến động lớn về tâm sinh lý. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, tình trạng nghiện game… của một bộ phận học sinh ngày nay. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng được xem là cần thiết là hoạt động của tổ tư vấn học đường, xây dựng mô hình đôi bạn cùng tiến, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh… Hoạt động đã và đang góp phần giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình, có thái độ sống tốt, sống tích cực và năng động hơn trong học tập”.

Học sinh cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn

Thầy Lý Phước Lâm, giáo viên phụ trách tổ tư vấn học đường, Trường THPT Nguyễn Minh Quang, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Trước những cám dỗ với các trò chơi điện tử, các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay, học sinh rất cần được quan tâm, hỗ trợ. Chỉ có việc thường xuyên theo dõi, quan tâm, nắm bắt những thay đổi tâm lý trong các em một cách kịp thời thì giáo viên mới giúp đỡ các em một cách phù hợp, để các em tìm lại niềm tin trong cuộc sống và sống tích cực hơn, quan tâm hơn cho việc học, tránh xa bạo lực học đường hiện nay”.

Để hỗ trợ cho học sinh, giúp các em vượt qua khó khăn, trở ngại về tâm lý để vươn lên học tốt, sống có ích, các trường đã thành lập tổ tư vấn học đường, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn xung đột cho học sinh… Theo đó, với những chủ đề thích hợp để các em nhận diện các biểu hiện của bạo lực học đường, giải pháp và cách phòng tránh, hình thành các kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, kiềm chế cảm xúc, giải quyết xung đột một cách nhẹ nhàng nhất… Em Huỳnh Mai Bích Trâm, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Lương Tâm, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Nhờ các hoạt động ngoại khóa với những buổi giáo dục hỗ trợ kỹ năng sống cho học sinh mà chúng em ngày càng gắn bó và hiểu nhau hơn. Bạn bè quan tâm, động viên nhau nhiều trong học tập. Vì thế, các mâu thuẫn với nhau cũng dễ trao đổi và đóng góp để cùng nhau tiến bộ”.

Theo các giáo viên, việc để học sinh hiểu rõ ràng, sâu sắc và nhận diện chính xác hơn về các biểu hiện của hành vi bạo lực có thể xảy ra, như dấu hiệu của bạo lực là gì, đâu là nguyên nhân cơ bản, duyên cớ dẫn đến bạo lực học đường, trong trường hợp tương tự cần giải quyết theo cách nào?... sẽ giúp nâng cao nhận thức của các em thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc làm giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

Là một trong những học sinh đã có những thay đổi tích cực sau nhiều lần được tổ tư vấn học đường hỗ trợ, em H.T.T., học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Minh Quang (thị xã Ngã Bảy), thổ lộ: “Từ trước đến nay, em nghĩ chỉ có mình là bất hạnh nên hay ghen tức, gây gổ với các bạn bè trong lớp. Đó là nguyên nhân vì sao em không hòa đồng với bạn, gây gổ với bạn. Nay em đã hiểu, muốn được yêu thương trước hết phải yêu thương mình và mọi người”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>