Dự án sau khi đạt giải quốc gia

“Đóng thùng, cất kỹ”

04/04/2017 | 08:54 GMT+7

/uploads/Video/News/2017/04/04/164510Xe canh tac lua da nang - final.mp4

Đạt giải nhì Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 khu vực phía Nam, Dự án “Xe canh tác lúa đa năng sử dụng năng lượng xanh” khi về đến trường là được tháo ra... “mất tiêu” và khi phóng viên đến viết bài tuyên truyền thì nhà trường rất dè chừng, vì sao như vậy ?

Mô hình khi thực nghiệm ngoài đồng ruộng. (Ảnh Trường THPT Vị Thủy cung cấp).

“Đóng gói” sau khi đạt giải lớn

Hay tin dự án của nhóm học sinh Lê Văn Duy, lớp 10A2 và em Trần Văn Thương, học sinh lớp 11TN2, Trường THPT Vị Thủy thực hiện dưới sự hỗ trợ của thầy giáo Lưu Hoàng Thức, một giáo viên dạy thể dục của trường vừa mang vinh dự về cho tỉnh nhà, chúng tôi tìm đến, nhưng chỉ được trao đổi sơ qua các hiệu quả hoạt động của mô hình, còn cấu tạo, nguyên lý hoạt động… của dự án đều được trả lời khá lấp lửng, bỏ ngỏ. Mô hình của dự án đã được thầy và trò “đóng thùng, cất kỹ” và phóng viên vẫn không thể nhìn thấy được mô hình. Phải chăng khi dự án đạt giải, là kèm theo những nỗi lo cho tác giả?

Thầy Lưu Hoàng Thức, giáo viên hướng dẫn dự án, chia sẻ: “Mô hình của dự án đã được chúng tôi tháo ra và đóng gói lại cất để khi có thời gian thầy và trò sẽ nghiên cứu nâng cấp lại các chức năng như bánh xe, cần phun… để có thể triển khai áp dụng thực tế trên đồng ruộng nhằm giúp bà con nông dân giảm bớt chi phí mà vẫn cho năng suất cao. Do mô hình lắp ráp khá công phu và cần nâng cấp lại cộng với chúng tôi không có thời gian nên không thể mang lên trường mà để tại nhà cho tiện”. Cũng theo thầy Thức, hiện nay thầy trò cũng đang có ý định sau khi tham gia xong một cuộc thi nữa sẽ đăng ký bản quyền sở hữu cho dự án. Vừa có thêm điều kiện để nghiên cứu vừa tránh sự sao chép của người khác.

Đem chuyện trao đổi với một cán bộ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ về việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thì được tư vấn là mọi người đều có quyền đăng ký sở hữu sản phẩm do mình làm ra. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hướng dẫn hình thức, thủ tục đăng ký, hồ sơ… để người cần đăng ký hoàn chỉnh gửi về Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ở Hà Nội.

Bỏ qua những chuyện lo lắng liên quan đến việc sợ bị “ăn cắp chất xám”, có thể khẳng định đây là dự án hay, giúp nhà nông nhiều nếu được hoàn thiện.

Dự án “6 trong 1” tiềm năng

6 tính năng ưu việt hỗ trợ nhà nông trong 1 chiếc xe như: Phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, cắt bông cỏ, lúa 2 tầng, sạ hàng, đánh rãnh thoát nước, chan phẳng mặt ruộng trước khi gieo sạ, Dự án “Xe canh tác lúa đa năng sử dụng năng lượng xanh” sẽ giúp bà con nông dân giảm bớt chi phí và nhất là tác hại khi sử dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng.

Chia sẻ nguyên nhân vì sao trong nhiều ứng dụng nhưng các em học sinh lại chọn ứng dụng nghiên cứu đầu tiên là giảm tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người do quá trình phun xịt thuốc trừ sâu gây ra, em Lê Văn Duy, học sinh lớp 10A2, nói: “Thấy cha mẹ ra ruộng, phun thuốc cắt cỏ rất cực khổ, nên chúng em nảy sinh ý tưởng làm ra được chiếc xe để cho cha mẹ đỡ tốn công sức. Vì, nhà em cũng làm ruộng nên em hiểu được ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, nhất là với các chú đi xịt thuốc mướn”.

Điểm đột phá của Dự án “Xe canh tác lúa đa năng sử dụng năng lượng xanh” là việc sử dụng năng lượng xanh (ánh sáng mặt trời) kết hợp với bình ắc-quy, đã giảm bớt chi phí cho người dân và bảo vệ môi trường. Em Trần Văn Thương, học sinh lớp 11TN2, cho biết: “Em xem trên mạng cũng có một số sản phẩm hỗ trợ cho nhà nông nhưng chi phí khá cao đến hơn 90 triệu đồng, còn dự án của chúng em làm chỉ gần 5 triệu đồng, sản phẩm trên mạng sử dụng động cơ đốt trong nên ảnh hưởng đến môi trường”.

Khi bắt tay vào thực hiện, nhóm học sinh gặp khó khăn khi thiết kế khung sườn, phải mất hơn 3 lần thiết kế mới có được một bộ khung ưng ý. Không chỉ vậy, việc chọn và thiết kế bánh xe phù hợp với địa hình đồng ruộng cũng là vấn đề làm khó các em. Em Trần Văn Thương, học sinh lớp 11TN2, thổ lộ: “Mô hình của dự án gồm 3 bánh xe, với 2 bánh xe lớn phía trước và 1 bánh xe nhỏ ở phía sau. Chúng em tận dụng bộ sườn xe đạp đã hư hỏng, sơn sửa lại, kết hợp với thiết kế sắt như chiếc xe ba gác để có thể mang gánh các vật dụng phụ trợ bên dưới như bình đựng thuốc khi xịt, lắp ráp cần xịt, hay hộc đựng cỏ… với các tính năng 6 trong 1 chiếc xe sẽ giúp bà con giảm tối đa chi phí trên đồng ruộng”.

Thầy Lưu Hoàng Thức, giáo viên hướng dẫn cho các em, tâm sự: “Quả thật, ý tưởng sáng tạo của các em làm tôi rất bất ngờ khi chọn áp dụng theo mô hình điều khiển từ xa như những chiếc xe đồ chơi nhỏ của các em bé. Ý tưởng thì có, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, khó khăn hơn nhiều do chưa chọn được mô hình lắp ráp phù hợp, lý thuyết thực hiện nhiều hạn chế, nhưng được sự hỗ trợ của nhà trường và các thầy cô hướng dẫn, các em đã hoàn thành dự án ngoài mong đợi”.

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>