Điểm mới từ phong trào “Luyện chữ - giữ vở”

21/02/2017 | 07:56 GMT+7

Hội thi “Viết chữ đẹp” cấp tiểu học mỗi một năm đều được tổ chức với hình thức mới, lạ để tạo sự hấp dẫn cho không chỉ thí sinh mà cả người xem.

Tổ chức thi tập trung giữa sân trường giúp học sinh thoải mái và tự tin hơn.

Năm nay, việc tổ chức thi chung tại một điểm ở sân trường rộng thoáng, mát mẻ đã gây sự quan tâm, hấp dẫn mọi người.

Giáo viên, phụ huynh và học sinh đều thoải mái

Không còn cảnh phải thấp thỏm, ngồi chờ đợi con thi trong phòng nữa, năm nay, các bậc phụ huynh dẫn con đi thi có tâm trạng khá thoải mái. Đang chăm chú ngắm nhìn những nét chữ tròn đều, đẹp mắt của các em học sinh tại bàn trưng bày vở sạch, chữ đẹp ở điểm thi Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, ông Trần Văn Thoa, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, chia sẻ: “Năm nay tổ chức thi ngoài trời, tôi thấy như vậy rất hay. Vừa tạo được không khí thi đua giữa các cháu khác khối lớp, vừa giúp phụ huynh yên tâm hơn vì vẫn có thể theo dõi suốt quá trình làm bài thi của con. Vừa trông con, tôi cũng tranh thủ xem các trang vở được trưng bày. Quả thật nét chữ rất đẹp”. 

Cùng tâm trạng như phụ huynh, cô Trần Thị Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Hòa 2, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Tôi thấy mình đỡ hồi hộp hơn khi vừa xem các em học sinh khác viết như thế nào, bản thân mình cũng nhìn ngó được học trò. Tôi thấy như vậy tạo cho các em sự tự tin và chú tâm nhiều hơn trong từng con chữ”.

Điểm mới của cuộc thi năm nay không chỉ ở cách tổ chức thi mà cả nội dung thi, đối tượng thi thực hành bài viết cũng khác. Hội thi năm nay chỉ học sinh khối lớp 4, 5 tham gia, với 83 học sinh, viết bài viết một đoạn văn hoặc đoạn thơ trong thời gian 30 phút (trong đó, học sinh khối 4 viết 120 chữ, học sinh khối 5 viết 150 chữ). Còn 120 học sinh các khối lớp 1, 2, 3, các phòng giáo dục và đào tạo đã gửi bài viết chính tả về Sở Giáo dục và Đào tạo, không thi thực hành tại tỉnh. Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Việc không tổ chức cho các khối lớp 1, 2, 3 tham gia thi thực hành bài viết tại tỉnh như mọi năm một phần vì muốn tạo nét mới lạ, cũng nhằm thể hiện tinh thần tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo tốt chất lượng hội thi. Các khối lớp 1, 2, 3 chỉ là giai đoạn để các em bắt nhịp, làm quen với kỹ năng viết chữ sạch đẹp. Chúng tôi vẫn chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo chọn và gửi bài viết về sở để chọn ra những bài viết xuất sắc chấm giải, tạo sự khích lệ cho học sinh. Riêng khối lớp 4, 5 đây là khối lớp khá chín muồi về khả viết chữ đẹp nên chúng tôi muốn tạo một sân chơi để các em tự tin so tài cùng các bạn của mình. Một mặt không chỉ nâng chất lượng phong trào, tạo sự quyết tâm giữa học sinh với nhau. Bên cạnh đó, sẽ thuận tiện đi lại cho phụ huynh các em, nhất là các khối lớp 1, 2, 3, học sinh còn quá nhỏ”.

Giữ gìn truyền thống

Việc chỉ viết 1 bài viết theo yêu cầu của đề thi (mọi năm có 2 bài viết, 1 viết theo mẫu chữ hiện hành, 1 viết theo mẫu chữ sáng tạo), thời gian thi cũng được nâng lên, không gò bó theo khuôn chữ cũng tạo cho học sinh sự hấp dẫn và tự tin hơn trong phần thi của mình. Khá vui mừng khi kết thúc bài viết với đoạn thơ 150 chữ rất chỉn chu và cẩn thận, em Nguyễn Thị Mỹ Quyên, học sinh Trường Tiểu học Thuận Hưng 2, huyện Long Mỹ, nói: “Em rất vui khi được tham gia hội thi cấp tỉnh lần này. Đây là lần thứ 2 em tham gia. Em thấy việc mình ngồi thi chung với các bạn rất hay, những lần thi trước, chúng em được chia theo từng phòng nên cảm giác hơi áp lực. Khi ngồi như vậy, được gần gũi với thiên nhiên và cũng để chúng em học hỏi kinh nghiệm từ các bạn”.

Khi công nghệ thông tin phát triển, chữ viết tay dần được thay thế bởi văn bản đánh máy, thì những hội thi về “Viết chữ đẹp” đã góp phần gìn giữ truyền thống luyện chữ, dạy người. Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong phong trào rèn chữ đẹp cho học sinh, cô Trương Thị Chung, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Để tìm và bồi dưỡng được một học sinh viết chữ đẹp rất khó. Các em không chỉ có kỹ năng viết chữ mà còn cần sự kiên nhẫn và niềm đam mê ở học sinh. Với tôi, việc luyện chữ cũng như dạy người vậy. Khi thấy học sinh viết chữ với các nét sáng tạo tôi rất mừng”.

Rèn luyện cho học sinh viết đúng, viết đẹp, viết đảm bảo tốc độ không chỉ tạo điều kiện cho các em học tốt các môn học, mà thông qua đó giáo dục tính kiên trì cẩn thận, tinh thần kỷ luật và óc thẩm mỹ. Ông Bùi Đức Quang, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó ban Tổ chức hội thi, nói: “Ngoài ý nghĩa ca ngợi vẻ đẹp của các nét chữ, việc viết chữ đẹp còn nhằm tôn vinh vẻ đẹp của chữ Việt và thể hiện sự gìn giữ giá trị văn hóa Việt. Rèn chữ viết là để học sinh trau dồi kỹ năng viết chữ, kỹ năng trình bày, thúc đẩy và phát huy vai trò của giáo viên trong rèn chữ, cũng là cách giáo dục thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy giáo dục toàn diện của các nhà trường”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>