Cơ hội để đo lòng yêu nghề

07/04/2017 | 07:55 GMT+7

Những sinh viên sư phạm có thời gian đáng quý khi được về các trường kiến tập, thực tập. Đó là khoảng thời gian để mỗi người đánh giá lại lòng yêu nghề “gõ đầu trẻ” của mình.

Tô Thị Huyền Trân, sinh viên lớp giáo dục công dân, K39, Trường Đại học Cần Thơ, trong tiết dạy giáo dục công dân tại lớp 11A3, Trường THPT Phú Hữu.

Tạo ấn tượng từ đầu

Nhờ niềm đam mê với nghề, sự tự tin, luôn thể hiện tác phong mẫu mực trong giảng dạy mà các giáo sinh tuy mới về thực tập nhưng đã gây thiện cảm với nhà trường từ những buổi lên lớp đầu tiên. Cô Dương Thị Hồng Nga, giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Là giáo sinh thực tập nhưng các em làm chủ khá tốt lượng kiến thức của mình đã học để áp dụng thực tế vào giảng dạy. Điểm mạnh của các em là sự phối hợp với học sinh, các em học sinh cùng với giáo sinh của mình có sự tương tác qua lại với nhau làm cho giờ học thêm hay. Tôi thấy từ các em bản thân mình cũng học hỏi được phần nào sự năng động, sáng tạo cái mới của các giáo viên trẻ tương lai”.

Trong một tiết dạy của một giáo sinh tại Trường THPT Phú Hữu, huyện Châu Thành, nếu chưa được giới thiệu trước có lẽ sẽ không nhận ra đây là sinh viên thực tập. Với cách diễn đạt rõ ràng và truyền cảm, cùng giọng nói nhẹ nhàng, Tô Thị Huyền Trân, sinh viên lớp giáo dục công dân, K39, Trường Đại học Cần Thơ đã tạo được sự hấp dẫn trong tiết dạy của mình. Em Nguyễn Thị Uyển Nhi, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Phú Hữu, chia sẻ: “Các hình ảnh dân số đông, những bức tranh biếm họa nguyên nhân bùng nổ dân số, các đoạn clip về hệ lụy khi dân số đông… giúp em tiếp thu bài nhanh và tự rút ra bài học cho bản thân rất lớn”.

Còn giáo sinh Phan Thị Ngọc Quyên, sinh viên lớp sư phạm tiếng Anh Trường Đại học Cần Thơ, lại gây ấn tượng với sự năng động và tự tin khi gợi ý học sinh trả lời các câu hỏi để làm rõ chủ đề thuyết trình “Môn thể thao mà bạn yêu thích” trong phần thi học sinh hùng biện tiếng Anh tại Trường THPT Vị Thanh. Giáo sinh Ngọc Quyên bộc bạch: “May mắn của em là được về thực tập ngay tại trường cũ của mình, được thầy cô yêu thương và hướng dẫn rất nhiệt tình. Đây chính là động lực để em tự tin mỗi khi đứng trên bục giảng”.

Tâm huyết với nghề tương lai

Chia sẻ cảm giác khi được đứng trên bục giảng, giáo sinh Tô Thị Huyền Trân nói: “Đứng lớp thực hành là một hoạt động rất thú vị, rất hấp dẫn với giáo sinh chúng em nhưng cũng là một thách thức lớn khi phải thực hiện đúng vai trò, tác phong mẫu mực của một giáo viên thực thụ. Lo lắng là vậy nhưng em thấy chỉ có sự tự tin thì em mới thực hiện thành công ước mơ làm cô giáo của mình”.

Bên cạnh thực hành chuyên môn giảng dạy, các em giáo sinh còn phải thực tập làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Công việc này khá vất vả và tốn khá nhiều thời gian của giáo sinh. Nguyễn Hoàng Phúc, sinh viên sư phạm giáo dục thể chất, Trường Đại học Cần Thơ, thực tập tại Trường THPT Phú Hữu, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Là giáo sinh nam nên việc tiếp xúc và tìm hiểu về học sinh của em không được thuận tiện như các bạn giáo sinh nữ. Nhưng bằng sự đam mê với nghề nên chỉ hơn 1 tuần là em nắm bắt tình hình lớp khá ổn. Công việc chủ nhiệm lớp tuy có hơi vất vả, nhưng sẽ đo được tâm huyết với nghề của em”.

Từ những giờ tìm hiểu, làm quen với lớp, rồi các hoạt động vận động các em học sinh tập văn nghệ, hướng dẫn lao động, hoặc lên kế hoạch cho lớp tổ chức các hoạt động kỷ niệm, hàng ngày phải sinh hoạt 15 phút đầu giờ, dự giờ, sinh hoạt lớp… đã giúp giáo sinh rút ra được những kinh nghiệm ứng xử nhanh với những trường hợp xảy ra ngoài ý muốn.

Ông Nguyễn Quang Nhơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh, chia sẻ: “Gần 10 năm, trường mới nhận lại giáo sinh về thực tập. Tuy có một số khó khăn nhưng tôi thấy đây là một quyết định đúng vì chất lượng giáo sinh về thực tập tại trường khá tốt. Thực tập sư phạm là một học phần quan trọng trong quá trình đào tạo người giáo viên, đây sẽ là quá trình cọ xát với thực tiễn để các thầy, cô giáo tương lai có dịp nhìn lại chính mình một cách toàn diện và tự rút ra được những bài học bổ ích cho bản thân”.

Từ giữa tháng 2 đến nay, 275 sinh viên sư phạm khóa 39 Trường Đại học Cần Thơ đã về thực tập tại 9 trường THPT trong địa bàn tỉnh (so với đợt thực tập năm trước tăng 35 sinh viên) với 15 chuyên ngành gồm: toán, lý, lý tin, lý công nghệ, sinh, sinh kỹ thuật nông nghiệp, văn, sử, địa, Anh văn, Pháp văn, giáo dục thể chất, giáo dục công dân.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>