Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Còn lắm gian nan !

Bài 1: Mừng, lo trường chuẩn

11/04/2017 | 07:46 GMT+7

80% trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 sẽ là một hành trình gian nan, liệu chỉ tiêu này có đạt ?

Chất lượng dạy và học được nâng lên là “trái ngọt” từ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đó là điều đáng mừng, nhưng nỗi lo vẫn hiện hữu...

Trường Tiểu học Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, được công nhận đạt chuẩn quốc gia trước thời hạn đăng ký.

Trường đạt chuẩn mới tăng hơn 3 lần

Trường Tiểu học Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, được công nhận đạt chuẩn quốc gia cuối năm 2016, dù trước đó tưởng chừng không thể, ông Trần Thiên Son, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tuy đăng ký xây dựng trường đạt chuẩn vào năm 2017 nhưng nhờ chất lượng giáo dục luôn khẳng định, các tiêu chí trường đạt chuẩn đã hoàn thành nên Trường Tiểu học Lái Hiếu đã được công nhận sớm hơn dự định. Khó nhất trong xây dựng trường chuẩn là thiếu cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng…”. Năm học 2016-2017, trường được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng mới 14 phòng học, phòng chức năng, đã giúp nhà trường khắc phục được tình trạng thiếu phòng, lớp học. Năm học 2016-2017, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Em Lê Thị Như Ý, học sinh lớp 5A1, bộc bạch: “Em xem trường học như ngôi nhà thứ 2 của mình vậy, em luôn cố gắng học tốt, chủ động trong mỗi tiết học để xứng đáng là học sinh của trường đạt chuẩn”.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia là một hành trình dài, đôi khi phải chạy đua với thời gian và sự cố gắng, nỗ lực đã được đền đáp. Hậu Giang hiện có 170/339 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 50,14%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 02 của Đảng bộ tỉnh đề ra năm 2016 (50-55% trường đạt chuẩn), so với năm 2015, đã tăng 28 trường. Nhờ chỉ đạo quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, nên chỉ trong 2 tháng (từ tháng 10 đến tháng 12-2016), có 22 trường học đủ điều kiện được kiểm tra và công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây là con số chưa hề có từ khi thành lập tỉnh đến nay và hiếm có tỉnh, thành phố nào ở đồng bằng sông Cửu Long đạt được.

Năm 2016, Hậu Giang có nhiều đột phá trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, số lượng trường đạt chuẩn mới tăng hơn 3 lần so với những năm trước. Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Thành công lớn là có sự chung tay, quan tâm chăm lo cho giáo dục của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Kết quả trên là cả một quá trình nỗ lực không chỉ của ngành giáo dục và đào tạo mà của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang, cùng các mạnh thường quân xa gần trong việc chăm lo cho giáo dục tỉnh nhà”.

Tuy nhiên, không phải trường nào được công nhận đạt chuẩn cũng toàn diện, nhiều trường phải “nợ chuẩn”, mà nhiều khi chưa biết đến khi nào trả cho hết “nợ” đó.

Bao giờ trả nợ...

Năm 2016, huyện Vị Thủy là địa phương xây dựng trường đạt chuẩn nhiều nhất tỉnh với 8 trường (3 trường mầm non, mẫu giáo; 3 trường tiểu học và 2 trường THCS). Tuy nhiên, có ít nhất 3 trường phải nợ tiêu chuẩn cơ sở vật chất. Là trường cuối cùng trong danh sách 8 trường xây dựng đạt chuẩn trong năm qua, nhưng để được công nhận, Trường Mẫu giáo Vị Thắng đã phải nợ lại gần 7 phòng học, phòng chức năng (đang xây dựng). Còn Trường Tiểu học Vị Đông 3 cần xây dựng thêm nhà vệ sinh riêng cho giáo viên, Trường THCS Vị Thắng cũng thiếu nợ một số phòng chức năng… Đoàn kiểm tra công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh đã thống nhất trình UBND tỉnh công nhận các trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nhưng yêu cầu chuẩn nào chưa hoàn chỉnh phải kịp thời bổ sung. Đặc biệt, cơ sở vật chất đang xây dựng phải bổ sung sớm, sau khi khối các công trình xây dựng xong, trường phải làm báo cáo gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo, để Đoàn kiểm tra phúc tra lại theo quy định. Nói là vậy, nhưng nhiều khi các trường rất nan giải trong chuyện này, vì đau đầu lo kinh phí, nên dù biết có nợ, mà không trả nổi.

Ông Tống Huy Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Do thiếu kinh phí nên công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, những trường đủ điều kiện chúng tôi đã cố gắng đạt chuẩn trong năm rồi nên năm 2017 này là một thách thức lớn của huyện khi các trường xây dựng chuẩn cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, với hàng tỉ đồng”.

Ngoài ra, việc nợ tiêu chuẩn sĩ số học sinh trên lớp cũng là một trong những khó khăn đối với các trường ở địa bàn trung tâm. Trường Mầm non Hoa Trà Mi (thành phố Vị Thanh) được công nhận đạt chuẩn cuối năm 2016, nhưng lớp học khá đông, có lớp đến 50-60 trẻ. Việc nợ tiêu chuẩn trẻ trên lớp (quy định lớp không quá 35 trẻ) là vấn đề không tránh khỏi. Còn khi nào trả “nợ” chuẩn, trường cũng không dám trả lời, bởi riêng trường thì lo không xuể.

Bài toán nguồn lực…

Thị xã Long Mỹ là địa phương có số lượng trường đạt chuẩn thấp đứng gần… áp chót tỉnh với 14/32 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 43,75%. Nếu theo chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã và Đảng bộ tỉnh, thì từ nay đến năm cuối nhiệm kỳ, thị xã phải có thêm ít nhất 12 trường đạt chuẩn. Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Long Mỹ Lê Văn Trắng, thì ít nhất mỗi năm thị xã phải có 3 trường đạt chuẩn và khó khăn lớn nhất hiện nay ở thị xã là thiếu nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất. Trước đây, số lượng trường đạt chuẩn ở địa bàn cũng tương đối ổn, nhưng khi điều chỉnh địa giới hành chính, phần lớn các trường đã được đầu tư đạt chuẩn đều thuộc huyện Long Mỹ. Đó là chưa kể chương trình kiên cố hóa trường, lớp học dừng triển khai, khiến thị xã “mất hẳn” đi một nguồn đầu tư cơ sở vật chất.

“Đứng đầu” tỷ lệ thấp trong xây dựng trường chuẩn của tỉnh là huyện Phụng Hiệp, với 27/68 trường đạt chuẩn, chỉ chiếm 39,7%. Khó khăn của huyện là có quá nhiều điểm trường, nhiều điểm phụ, nhiều trường thuộc địa bàn vùng sâu rất khó khăn nên đến nay việc thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra là một thách thức. Ông Đặng Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thành, lo ngại: “Năm 2017, trường sẽ xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng hiện tại trường vẫn còn thiếu các phòng chức năng, chúng tôi lo sẽ khó đạt chuẩn trong thời gian tới”.

Trường chuẩn tăng gấp 21 lần so với thời điểm 2004

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc của tất cả các địa phương, các doanh nghiệp, mạnh thường quân xa gần, từ tháng 10 đến tháng 12-2016, Hậu Giang đã có 22 trường học đủ điều kiện được kiểm tra và công nhận mới (9 trường mầm non, mẫu giáo, 7 trường tiểu học, 4 trường THCS, 2 trường THPT), trong khi từ đầu năm 2016 đến tháng 10 cùng năm chỉ có 6 trường được công nhận đạt chuẩn.

So sánh với thời điểm thành lập tỉnh (năm 2004) chỉ có 8 trường đạt chuẩn, đến nay con số này đã tăng lên 170 trường học đạt chuẩn, gấp hơn 21 lần.

 

Bài, ảnh: THẢO TRÂN

Bên cạnh xây dựng trường chuẩn mới, việc đầu tư, bổ sung kinh phí để tái công nhận cho các trường đã được công nhận đạt chuẩn sau 5 năm, cũng là vấn đề phải bàn.

Bài 2: Nguy cơ “rớt” chuẩn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>