Ý kiến của đại biểu Quốc hội rất sâu sắc, trách nhiệm

04/11/2021 | 19:20 GMT+7

Sau 11 ngày (từ ngày 20 đến 30-10) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ bằng hình thức trực tuyến, đợt 1 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV kết thúc tốt đẹp theo đúng chương trình đề ra, đảm bảo chất lượng. Đại biểu và Nhân dân đánh giá cao đợt đầu, tin tưởng đợt 2 của kỳ họp cũng sẽ đạt cao các yêu cầu đề ra.

Quang cảnh phiên thảo luận ở tổ tại điểm cầu Hậu Giang.

Đại biểu tích cực

Thông tin một số kết quả đợt 1, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cho rằng, đợt 1 kết thúc thành công rất tốt đẹp, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu đặt ra. Theo đó, qua 11 ngày họp trực tuyến, kỷ cương lập pháp đã được tăng cường hơn; các cơ quan chuẩn bị đã soạn thảo bảo đảm được tiến độ, thời gian và chất lượng các dự thảo luật cũng như các đề án để trình với Quốc hội, cơ quan thẩm tra có thời gian hơn để thẩm tra rất kỹ lưỡng; các báo cáo của cơ quan trình, báo cáo thẩm tra cũng rất ngắn gọn.

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, chương trình của kỳ họp được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, sắp xếp khoa học, tận dụng tối đa thời gian để các đại biểu Quốc hội có thể đóng góp ý kiến vào các dự án trình Quốc hội. Ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, kể cả đại biểu Quốc hội mới trúng cử lần đầu đều rất sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm; ý kiến phát biểu đa chiều, xem xét từng góc độ của vấn đề trình tại kỳ họp…

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hậu Giang, cho rằng, thời gian kỳ họp được rút ngắn, tăng cường họp cả ngày thứ bảy và chủ nhật nhưng đảm bảo đầy đủ các nội dung, yêu cầu đề ra. Trong đó, có đánh giá các dự án luật để cho ý kiến trong thời gian sắp tới cũng như đánh giá, thảo luận toàn diện tình hình cả nước và các báo cáo kèm theo.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Quốc hội đã làm việc trên tinh thần liên tục đổi mới, linh hoạt, không có ngày nghỉ kể cả thứ 7 và chủ nhật để bảo đảm dù rút ngắn tối đa chương trình kỳ họp song không vì vậy mà ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Vì vậy, trong 11 ngày làm việc của đợt 1, Quốc hội đã làm việc tới 3 ngày nghỉ cuối tuần và làm việc ngoài giờ. Việc họp liền mạch giúp đại biểu tận dụng tối đa, tiết kiệm thời gian để có thêm thời gian dành cho những công việc cấp bách khác của địa phương, nhất là đối với những tỉnh, thành phố đang đối diện với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nhận xét, trong quá trình điều hành phiên họp, Đoàn Chủ tịch Quốc hội luôn đảm bảo đúng nguyên tắc song rất dân chủ, linh hoạt, khoa học và phù hợp với thực tiễn. Qua đó, tạo không khí thoải mái, đảm bảo đầy đủ mọi ý kiến của các đại biểu phát biểu tại các phiên họp tại tổ và thảo luận trực tuyến.

4 nhóm vấn đề được chất vấn tại đợt 2

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 2. Cụ thể, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho công tác chất vấn 4 nhóm vấn đề về lĩnh vực y tế; lao động, thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo.

Trong đó, đối với lĩnh vực y tế sẽ chất vấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua; chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược về vắc-xin trong thời gian tới. Việc bảo đảm cung cấp và quản lý giá xét nghiệm đối với các vật tư y tế liên quan đến Covid-19; thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế…

Đối với vấn đề lao động, thương binh và xã hội, nội dung chất vấn sẽ xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả; công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ mồ côi do đại dịch. Thực trạng, nguyên nhân người lao động rời Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt; giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; các chính sách thu hút lực lượng lao động trở về làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.

Ở lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nội dung chất vấn về giải pháp phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi phát triển sản xuất và kinh doanh. Công tác chuẩn bị đầu tư được phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch của năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư cho phát triển.

Riêng nội dung chất vấn lĩnh vực giáo dục, đào tạo là về việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo trong điều kiện Covid-19; công tác dạy học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; việc giảm tải chương trình học cho học sinh. Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.

Trên tinh thần chuẩn bị thật tốt cho đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8 đến 13-11 này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo hoàn thiện các văn bản phục vụ điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội trên cơ sở khoa học, kịp thời, chủ động và dự thảo bước đầu Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Diễn ra trong bối cảnh khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên công tác phòng, chống dịch và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn cần được đặc biệt quan tâm…

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>