Tiếp tục thảo luận về các dự án luật

07/01/2022 | 08:13 GMT+7

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, ngày 6-1, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Quang cảnh kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính chất tương đối độc lập. Dự án đã được cả các cơ quan Quốc hội và Chính phủ chuẩn bị công phu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Theo đó, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết và những nội dung sửa đổi, bổ sung. Trong đó, lưu ý bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cơ sở khoa học thực tiễn của các chính sách sửa đổi, bổ sung; các quy định phải chặt chẽ để đảm bảo việc áp dụng pháp luật trong thực tế cũng như các điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.

Các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm giải quyết các trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, đề nghị các chính sách, từng Dự án Luật cần sửa đổi, bổ sung cần tiếp tục được rà soát kỹ nhằm thể hiện rõ đó là những chính sách thực sự cấp bách, cần thiết; những vấn đề lớn, phức tạp, chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì không đưa vào Dự án Luật lần này; tiếp tục rà soát kỹ các điều luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Ngoài ra, do dự án Luật liên quan đến sửa đổi, bổ sung 8 luật cụ thể, nên điều khoản thi hành, thời điểm có hiệu lực của từng luật cần phải chi tiết, cụ thể, phù hợp với từng nội dung.

Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Điện lực, lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm rõ dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng bỏ quy định về lưới điện đồng bộ, bỏ quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện.

Lãnh đạo đơn vị này cơ bản nhất trí với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực nhằm thể chế chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập hiện hành và giải quyết vướng mắc liên quan đến độc quyền truyền tải điện. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng nếu chỉ sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực thì sẽ không xử lý dứt điểm được những vướng mắc trong truyền tải điện, do đó cần rà soát để sửa đổi các điều khoản khác có liên quan đến vấn đề này.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục làm rõ phạm vi độc quyền của nhà nước trong truyền tải điện quốc gia; quyền và nghĩa vụ trong vận hành truyền tải trong khu vực tư nhân và nhà nước; quyền tự do thỏa thuận giữa các tổ chức hoạt động điện lực, sử dụng điện và các nhà đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải theo quy định pháp luật; có quy định tháo gỡ điểm nghẽn bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý sau khi nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư, nhất là trong vấn đề nhận tài sản, hoạch toán chi phí tài sản bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm rõ, trước đây có quy định “Nhà nước độc quyền truyền tải điện” được hiểu là độc quyền trong tất cả các khâu từ đầu tư, quản lý, vận hành, điều độ. Quan điểm trước đây cho phép tư nhân đầu tư nhưng quản lý, vận hành, điều độ vẫn thuộc độc quyền nhà nước. Do đó phát sinh yêu cầu sau khi tư nhân đầu tư xong phải bàn giao cho Nhà nước. Đến dự thảo Luật lần này đã có sự phân cấp trong quản lý, vận hành. Như vậy tư nhân vừa có thể vừa đầu tư vừa vận hành, quản lý thì khi đó không cần thiết đặt ra vấn đề bàn giao lại cho nhà nước.

Còn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, dự thảo luật không đặt ra vấn đề bàn giao sau đầu tư của nhà đầu tư. Vấn đề bàn giao chỉ đặt ra khi nhà đầu tư có cam kết trước. Tại dự thảo Luật lần này quy định rõ tư nhân đầu tư có quyền quản lý, vận hành; trường hợp không thể quản lý, vận hành trực tiếp thì có thể thuê quản lý, vận hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, điều quan trọng trong sửa đổi lần này nhằm giải quyết bài toán huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển điện năng; quy định về đầu tư để vừa giải tỏa công suất của các nhà máy điện hiện có và khai thác lợi thế tiềm năng của các địa phương; đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cho ý kiến về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, quy mô dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhất trí việc phân cấp cho địa phương quyết định chủ trương đầu tư thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư về thủ tục đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định, phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định này cần gắn với cơ chế tăng cường giám sát, kiểm tra, đồng thời việc thẩm định và lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa được thực hiện theo thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Điều 36 Luật Đầu tư và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về công tác giám sát và trách nhiệm của UBND, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 33 Luật Đầu tư.

Về nội dung sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp bày tỏ nhất trí với nội dung dự thảo Luật. Theo đó, trường hợp người phải thi hành án có tài sản phải xử lý ở nhiều nơi, theo quy định hiện hành thì phải thi hành án lần lượt, tuần tự ở từng nơi, thì lần sửa đổi này quy định theo hứng được ủy thác thi hành án để có thể tiến hành đồng thời, xử lý tài sản ở nhiều địa phương cùng một lúc để đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nâng cao hiệu lực thi hành nhất là trong việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Nhấn mạnh dự án luật nào cũng phải đảm bảo yêu cầu tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đối với dự án 1 luật sửa nhiều luật lần này vấn đề bảo đảm tính thống nhất càng cần thiết, bảo đảm thống nhất trong mỗi luật và trong toàn hệ thống pháp luật. Do đó các cơ quan cần có sự rà soát kỹ lưỡng các quy định có liên quan.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm đã được quyết định tại Kỳ họp thứ Nhất.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các chính sách nếu không được quyết định đúng và trúng, để xảy ra lãng phí là có lỗi với Nhân dân, bởi suy cho cùng nguồn lực thực hiện đều từ tiền thuế của Nhân dân. Lưu ý, việc quyết định chính sách mới nằm ngoài khung khổ đã có không phải là không có rủi ro, do đó, bên cạnh huy động được nguồn lực còn phải phân bổ đúng và trúng, sử dụng hiệu quả, tính khả thi cao. Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>