Xung đột ở Yemen có nguy cơ thành cuộc chiến

28/09/2017 | 04:24 GMT+7

Tổng thống Yemen Abd Rabbuh Mansour Hadi mới đây đã tuyên bố cuộc xung đột tại nước này rất có thể phải được giải quyết bằng biện pháp quân sự, chứ không phải chính trị như ý định của nhiều tổ chức quốc tế bảo trợ mong muốn. Nguyên nhân chính là do phe đối lập chưa chấp thuận hòa đàm, đồng thời liên tục gia tăng xung đột. Mặt khác, theo Tổng thống Hadi, kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát cảng biển Hudaydah chủ chốt của nước này cho một bên trung gian vẫn bị phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh ngăn cản, trong khi các lực lượng này tiếp tục được Iran hậu thuẫn. Do vậy, nhiều khả năng Yemen sẽ sử dụng giải pháp quân sự để giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, Chính phủ Yemen vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán hòa bình cho phe đối lập bởi đây là trách nhiệm của chính quyền đối với người dân Yemen. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng Houthi vẫn còn cơ hội tham gia tiến trình chính trị nếu chấp nhận giao nộp vũ khí và lập ra một bên trung gian nhằm giúp thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc.

Trẻ em Yemen sơ tán tại một lán trại ở vùng ngoại ô thủ đô Sanaa. Nguồn: AFP

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của nước này, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3-2015, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Yemen Abd Rabbo Mansour. Theo báo cáo của LHQ, chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 20 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, gần 40.000 người bị thương và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo. Kể từ tháng 4 vừa qua, Yemen cũng đang đối mặt với dịch tả được coi là tồi tệ nhất thế giới với khoảng 5.000 cas nhiễm được ghi nhận mỗi ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới nay đã có hơn 686.700 cas nhiễm tả và 20.90 trường hợp tử vong được ghi nhân kể từ tháng 4.

Mới đây, theo Tân Hoa xã, phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite Houthi tại Yemen tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo nhằm vào một căn cứ không quân tại thành phố biên giới Khamis Mushait của Saudi Arabia. Tuy nhiên, kênh truyền hình vệ tinh Al Arabiya của Saudi Arabia lại đưa tin rằng Lực lượng Phòng không nước này đã đánh chặn tên lửa trên vùng trời Khamis Mushait và bắn phá bệ phóng tên lửa này tại Yemen. Trước đó, lực lượng Chính phủ Yemen và các bộ lạc trung thành với Tổng thống Mansour Hadi đã mở chiến dịch tấn công ở phía Đông thủ đô Sanaa nhằm giành lại quận Nehem, sau khi lực lượng phiến quân Houthi và Đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh đơn phương công bố danh sách Hội đồng chính trị điều hành đất nước gồm 10 thành viên. Hiện Houthi và GPC kiểm soát phần lớn miền Bắc Yemen, trong khi các lực lượng của Tổng thống Hadi và các bộ lạc địa phương kiểm soát phần còn lại của đất nước.

Trước thực trạng trên, đặc phái viên của LHQ về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Ông Ould Cheikh Ahmed khẳng định: “Không gì có thể thay thế cho một giải pháp chính trị tại Yemen”, đồng thời hối thúc các bên tham chiến sớm quay lại bàn đàm phán nhằm tìm được một giải pháp cho cuộc xung đột. Theo quan chức này, đàm phán hòa bình ở Yemen vẫn chưa thất bại và hai phía cần phải nhượng bộ để tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố Washington muốn thúc đẩy “càng sớm càng tốt” các vòng đàm phán hòa bình nhằm tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Yemen. Mỹ đã cung cấp hỗ trợ quân sự hạn chế cho liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu giúp chính quyền Yemen chống lại phiến quân Houthi trong hơn hai năm qua. Washington đã và đang cung cấp thông tin tình báo cũng như nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu của liên quân tiến hành các chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen.

Như vậy dù không muốn nhưng nhiều khả năng xung đột ở Yemen vẫn tiếp tục leo thang và việc lựa chọn một giải pháp quân sự để gải quyết xung đột hoàn toàn có thể xảy ra khi hòa đàm đã không mang lại kết quả.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>