Vì sao Mỹ tuyên bố tiếp tục hợp tác với Philippines ?

22/12/2016 | 08:40 GMT+7

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhiều lần tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận quân sự giữa hai nước nhưng Mỹ vẫn muốn hợp tác chặt chẽ với quốc gia Đông Nam Á này. Đâu là khuất tất của câu chuyện trái khoáy trên ?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo với Mỹ rằng Washington cần sẵn sàng cho việc hủy bỏ một thỏa thuận hợp tác quốc phòng quan trọng giữa hai nước. Ảnh: AFP

Trả lời tại buổi họp báo sau khi trở về Philippines từ chuyến thăm Campuchia và Singapore, ông Duterte nêu rõ: “Chúng tôi không cần các anh (Mỹ). Hãy chuẩn bị rời Philippines. Chuẩn bị cho việc hủy bỏ ngay lập tức thỏa thuận quân sự giữa hai nước (VFA)”. VFA là thỏa thuận ký năm 1998 giữa Philippines với Mỹ. Theo đó, cho phép Washington luân chuyển lực lượng qua Manila để tham gia tập trận chung hay hỗ trợ chống khủng bố tại quốc gia Đông Nam Á này. Trước đó, Tổng thống Duterte cũng khẳng định Philippines có thể tồn tại mà không cần tiền của Mỹ, sau khi một cơ quan viện trợ Mỹ hoãn quyết định cung cấp tài chính cho các chương trình chống nghèo đói tại nước này.

Hiện Mỹ chưa có phản ứng nào trước tuyên bố của Tổng thống Philippines, nhưng Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest từng xác định rằng Mỹ sẽ không phản ứng công khai mỗi lần ông Duterte có tuyên bố “thiếu tính xây dựng”.

Thực tế, quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Philippines đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Duterte lên cầm quyền hồi giữa năm nay. Nhiều lần, ông Duterte phản ứng mạnh mẽ và tức giận trước việc Washington chỉ trích chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở Philippines mặc dù chiến dịch này đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây cho rằng, việc nhà chức trách cho phép nổ súng bắn chết nghi phạm mà không cần tòa xét xử là vi phạm nhân quyền. Theo số liệu thống kê của cảnh sát Philippines cho thấy hơn 3.300 nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy đã bị bắn chết kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức.

Cảnh sát Philippines đã tiến hành gần 19.000 chiến dịch truy quét tội phạm ma túy và bắt giữ hơn 18.000 nghi can. Ngoài ra, hơn 700.000 nghi can cũng đã ra đầu thú.

Trước đó, Philippines đã đề nghị Mỹ xem xét lại quyết định tạm ngừng cung cấp viện trợ nhân đạo cho nước này, khi Ngoại trưởng Perfecto Yasay hối thúc Washington viện trợ mà không gắn kèm bất cứ điều kiện nào. Ngoài ra, ông Yasay cũng cho biết chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đang nỗ lực hết sức để giải quyết các cáo buộc về vi phạm nhân quyền, vốn là mối lo ngại chính của Mỹ. Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines cũng cho rằng nếu Washington quyết định ngừng viện trợ vì quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Philippines, điều này cũng sẽ không có “tác động lớn” tới tình hình kinh tế của Manila.

Mặc dù bị chỉ trích nặng nề từ phía Philippines nhưng mới đây Đại sứ quán Mỹ tại Manila đã ra thông cáo khẳng định sẽ “hợp tác chặt chẽ” với chính quyền của Tổng thống Duterte để “giải quyết bất cứ mối lo ngại nào”. Có nhiều lý do để Mỹ giữ mối quan hệ với Philippines nhưng có 3 lý do chính khiến Mỹ chờ đợi phản ứng tiếp theo của Philippines.

Thứ nhất là Whashington muốn có mặt ở Đông Nam Á để đối trọng với Bắc Kinh thông qua hợp tác với Manila.

Thứ hai là Philippines vốn là đồng minh truyền thống của Mỹ nên không thể ngày một ngày hai “nói lời chia tay”. Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, khẳng định rằng mối quan hệ đồng minh với Philippines dựa trên nền tảng vững chắc.

Thứ ba là những phát biểu của ông Duterte vốn dĩ bất nhất, dễ gây sốc và thiếu thiện chí xây dựng không chỉ với Mỹ mà còn cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Chính điều này nên Washington đang chờ đợi, với hy vọng thời gian sẽ làm dịu tình hình và ông Duterte sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

Theo ông Evan Medeiros, cựu Giám đốc châu Á của Nhà Trắng, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nước này vẫn đang xem xét những tác động từ các phát biểu của ông Duterte cũng như khoảng cách giữa lời nói và thực tiễn. Điều này cho thấy, Mỹ cũng đã tính toán những khả năng đối phó với ông Duterte khi sức chịu đựng của Nhà Trắng vượt quá giới hạn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>