Tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Trump

04/05/2017 | 08:10 GMT+7

Tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một động thái bất ngờ. Đằng sau tuyên bố này là gì đang được giới quan sát đặc biệt quan tâm. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nguồn: GETTY/TTXVN

Trả lời phỏng vấn độc quyền với hãng tin Bloomberg, Tổng thống Trump nêu rõ: “Nếu điều kiện phù hợp, tôi đương nhiên sẽ gặp ông ấy (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un). Tôi lấy làm vinh dự về điều đó”. Ông Trump cho rằng hầu hết các chính trị gia đều không bao giờ tuyên bố như vậy, song ông khẳng định vẫn để ngỏ khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu như thấy thích hợp.

Tuyên bố đầy bất ngờ của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang căng thẳng liên quan tới các hoạt động hạt nhân và thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, cũng như những động thái quân sự của Mỹ trong khu vực. Theo đó, Triều Tiên đẩy mạnh các hoạt động thử tên lửa và dọa sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trong vòng một thập kỷ qua bất cứ lúc nào. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, mặc dù cuộc đối đầu giữa Triều Tiên và Mỹ đã kết thúc từ lâu, song “sự hiếu chiến của Mỹ chưa bao giờ lên tới đỉnh điểm và tình hình trên bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ tiến gần hơn tới bờ vực chiến tranh như hiện nay”. Triều Tiên cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là nguy hiểm nhất trong nửa thế kỷ qua, kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Cũng theo quan chức này, Triều Tiên “đúng và khôn ngoan khi lựa chọn việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân quyền lực để phòng vệ”.

Về phần mình, Mỹ đã điều một nhóm tàu sân bay và tàu ngầm tới ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, đồng thời tăng cường các đòn trừng phạt về kinh tế nhằm gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Bên cạnh đó, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung từ đầu tháng 3 vừa qua. Washington cũng đã triển khai hoàn tất Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc nhằm sẵn sàng đáp trả Triều Tiên. Ngoài ra, việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang cân nhắc tất cả các lựa chọn để giải quyết vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã tạo ra đồn đoán rằng Mỹ có thể tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên bất cứ lúc nào.

Về quan hệ ngoại giao, kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2011 đến nay, ông Kim Jong-un chưa từng gặp bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào, đồng thời cũng chưa từng rời khỏi đất nước. Mặt khác, trong mắt của lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ là kẻ đối địch số một hiện nay nên một cuộc gặp gỡ mang tính đàm phán hòa bình cho bán đảo Triều Tiên là điều không tưởng.

Còn phía Mỹ, ngoài Cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright là quan chức cấp cao gần đây nhất của Mỹ gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) thì kể từ đó đến nay, vẫn chưa có tiền lệ gặp gỡ giữa Washington và Bình Nhưỡng.  Đáng lưu ý là từ sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump khẳng định ông sẽ không bao giờ cho phép Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công nước Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có cuộc gặp nào xảy ra trong lúc này.

Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của ông Trump về cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Triều Tiên phải chăng là một hành động nhượng bộ hay đây chỉ là tuyên bố “trước sau bất nhất” trong ngoại giao của của vị tổng thống này. Nhiều người cho rằng giả thuyết thứ hai sẽ đúng hơn bởi lẽ như vậy đúng phong cách của ông Trump.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>