Trung Quốc chống chọi với ô nhiễm môi trường

13/12/2016 | 07:59 GMT+7

Cơ quan khí tượng học Trung Quốc cuối tuần vừa rồi đã phát cảnh báo vàng về một đợt khói mù mới dự kiến bao trùm khu vực rộng lớn ở nước này.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc. Nguồn: AFP

Nhiều nơi ở các tỉnh, thành như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông sẽ bị bao phủ bởi khói mù, một số khu vực bị ô nhiễm nặng nề. Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết theo màu gồm 4 bậc, mức nghiêm trọng nhất là màu đỏ, tiếp theo là cam, vàng và xanh lơ. Dù Chính phủ nỗ lực chống ô nhiễm song tình trạng khói mù xảy ra ngày càng thường xuyên vào mùa Đông ở miền Bắc do người dân đốt than đá để sưởi ấm.

Như vậy, trong một tuần Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra hai cảnh báo về tình trạng khói bụi, sương mù. Còn nhớ đầu tuần rồi, thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, đã phải ban bố cảnh báo màu đỏ, trong khi thành phố Bắc Kinh cũng đã ban bố cảnh báo màu da cam để ứng phó với ô nhiễm không khí. Đợt ô nhiễm khói bụi từ ngày 2 đến ngày 5-12 này bao phủ 7 tỉnh và thành phố khu vực miền Bắc Trung Quốc gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Sơn Tây và Thiểm Tây, trong đó ô nhiễm nhất vẫn là thành phố Bắc Kinh và một số khu vực thuộc tỉnh Sơn Tây. Trong 35 điểm quan trắc chất lượng không khí ở thành phố Bắc Kinh thì có tới 23 điểm thể hiện mức độ ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.

Có thể thấy, sau nhiều thập kỷ chú trọng đạt tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt thách thức vì môi trường bị tàn phá nghiêm trọng và gây thiệt hại kinh tế. Trung Quốc đạt mức tăng trưởng kinh tế gần 10% mỗi năm trong thập kỷ qua, nhưng cũng là nước có lượng xả thải carbon lớn nhất thế giới. Chất lượng không khí ở nhiều thành phố lớn của nước này không còn đáp ứng tiêu chuẩn y tế thế giới. Tháng 12-2015, Bắc Kinh phải ra báo động đỏ đầu tiên về ô nhiễm. Theo Tổ chức Greanpeace East Asia, ít nhất 80% trong 367 thành phố của Trung Quốc có chỉ số đo lường chất lượng không khí ở mức không an toàn vào 3 quý đầu năm 2015.

Than là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chất lượng không khí xuống cấp nghiêm trọng ở Trung Quốc, khi nước này là quốc gia sản xuất than lớn nhất, nhưng cũng chiếm một nửa tiêu thụ toàn cầu. Trung Quốc cũng ghi nhận 17 triệu lượt đăng ký ôtô mới trong năm 2014, góp phần vào tình trạng khí thải đô thị ở mức báo động. Ô nhiễm không khí đô thị còn do tình trạng di dân và tốc độ đô thị hóa. Đô thị hóa quá nhanh dẫn đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng, các nhà máy sản xuất điện và trung tâm công nghiệp cũng sinh sôi theo. Theo các chuyên gia, ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước cũng là một thách thức môi trường nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Khoảng 2/3 các thành phố Trung Quốc thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước ngầm ở hơn 60% thành phố Trung Quốc được xác định ở mức “tệ và rất tệ”, hơn 1/4 các con sông chính ở Trung Quốc được khuyến cáo là “con người không nên tiếp xúc”. Thực trạng không có cơ chế loại bỏ rác thải cũng như xử lý nước kém hiệu quả khiến sự ô nhiễm thêm nghiêm trọng. Ngoài sự bùng nổ của phát triển công nghiệp, việc canh tác nông nghiệp theo kiểu cũ, chăn thả quá mức và tác động của biến đổi khí hậu khiến khủng hoảng nước ở Trung Quốc ở mức báo động. Cơ quan quản lý rừng quốc gia cho biết, khoảng 2,7 triệu km2 đất tại quốc gia này rơi vào tình trạng sa mạc hóa, ảnh hưởng cuộc sống của hơn 400 triệu người.

Mỗi năm, khoảng 1,2 triệu cas chết trẻ ở Trung Quốc được xác định có liên quan đến ô nhiễm không khí. Các nghiên cứu dịch tễ thực hiện liên tục từ thập niên 1980 ở miền Bắc Trung Quốc cho thấy chất lượng không khí gây ra những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm suy hô hấp, các bệnh về tim mạch và đột quỵ. Ô nhiễm cũng gây ra tình trạng các bệnh cấp tính kinh niên xuất hiện nhiều hơn. Khoảng 11% những bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa ở Trung Quốc là do uống nước từ các nguồn không bảo đảm vệ sinh.

Trung Quốc đã phải tiêu tốn nhiều tiền để khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được cải thiện. Gần đây, Bắc tiếp tục cam kết đầu tư 275 tỉ USD trong 5 năm để làm sạch không khí, và 333 tỉ USD để xử lý các nguồn nước ô nhiễm. Gần đây nhất, trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9-2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra một cam kết dấu ấn khi thông báo nước này sẽ áp dụng chương trình toàn quốc về giới hạn và thu phí khí thải nhà kính. Chính sách này sẽ áp dụng từ năm 2017.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>