Tín hiệu hòa bình lập lại cho Libya

06/10/2017 | 07:53 GMT+7

Tranh giành quyền lực giữa hàng chục nhóm vũ trang khác nhau, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoành hành... đã khiến Libya rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện.

Hiện trường vụ đánh bom. Nguồn: ALARABIYA.NET

Kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011, các thế lực trong nước nổi lên tranh giành quyền lực làm cho Libya rơi vào khủng hoảng trầm trọng, không một ngày bình yên. Cùng với đó, IS lại gia tăng hoạt động khủng bố ở quốc gia này làm cho cuộc sống người dân vốn khó khăn lại rơi vào cảnh khốn cùng. Mới đây, IS lại tiến hành một vụ đánh bom liều chết tại trụ sở Tòa án thành phố Misrata của Libya, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 39 người khác bị thương. Người phát ngôn lực lượng vũ trang thành phố Misrata, Tướng Mohammed Ghassri cho biết, có 3 người đàn ông đã ra khỏi xe ô tô và một người trong số đó đã đi vào trong tòa nhà và kích hoạt khối thuốc nổ giấu trong người. Hai đối tượng còn lại đã đấu súng với lực lượng an ninh, sau đó một tên bị tiêu diệt và kẻ còn lại bị bắt.

Trong một diễn biến liên quan, một quan chức Libya cho hay, sau khi căn cứ Sirte bên bờ biển Địa Trung Hải thất thủ hồi năm ngoái, IS tại Libya đã chạy trốn vào sa mạc và thành lập một đạo quân tại đây. Đạo quân mới của IS gồm ít nhất 3 lữ đoàn, dưới sự lãnh đạo của chỉ huy người Libya là Al-Mahdi Salem Dangou, hay còn gọi là Abu Barakat. Nhóm quân mới này còn có các tay súng đến từ Sudan, Ai Cập, Tunisia và Algeria. Các tay súng này đã trở nên manh động hơn thời gian gần đây, khi lập một số điểm kiểm soát trên các con đường dẫn kết nối với khu vực miền Nam và Đông Sirte cũng như tuyên bố thực hiện những vụ tấn công đẫm máu nhằm vào lực lượng địa phương.

Trong khi đó, Bộ chỉ huy của quân đội Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) cho biết quân đội nước này đã tiến hành thêm các cuộc không kích nhằm vào IS ở Libya, tiêu diệt nhiều tay súng. Những cuộc không kích nói trên được cho là lần đầu tiên được lực lượng Mỹ tiến hành ở Libya kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1 năm nay.

Cùng thời gian này, không quân Ai Cập thông báo đã không kích phá hủy một đoàn gồm 10 xe địa hình đang vận chuyển lậu vũ khí từ Libya trên vùng sa mạc ở miền Tây nước này. Vụ không kích diễn ra sau khi nhà chức trách nhận được tin báo về “một nhóm tội phạm đang chuẩn bị xâm nhập Ai Cập”. Cairo quyết tâm tiêu diệt các tay súng Hồi giáo thánh chiến nhằm trả thù cho hàng trăm nhân viên an ninh của nước này đã bị các phần tử IS sát hại trong những năm qua.

Từ những diễn biến trên, nhiều tổ chức quốc tế đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị với mong muốn kết thúc tình trạng hỗn loạn ở quốc gia này. Theo đó, LHQ đã đưa ra một kế hoạch hành động mới cho tiến trình ổn định tình hình ở quốc gia Bắc Phi này trên cơ sở sửa đổi thỏa thuận hòa bình năm 2015 đang bị đình trệ. Cụ thể, Hội đồng Tổng thống của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) sẽ phải giảm số thành viên xuống còn ba người, sau đó đề cử một chính phủ chuyển tiếp mới. Kế hoạch sẽ bắt đầu vào tuần tới trước khi triệu tập một hội nghị quốc gia với sự góp mặt của tất cả các bên tham chiến chính tại Libya, cùng tham gia vào tiến trình chính trị. Dự kiến, kế hoạch hành động mới này sẽ kéo dài một năm.

Việc làm này không những tạo được sự tin tưởng của người dân Libya mà còn nhận được sự ủng hộ của Pháp, Anh và Italia, những nước đang cố gắng duy trì ảnh hưởng của mình tại Libya. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng bày tỏ tin tưởng đây là cơ hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài gây ra những đau khổ to lớn và bất ổn ở bên ngoài biên giới Libya, đồng thời cũng cho rằng đây là thời điểm mà tất cả các bên tham chiến tại Libya cần phải nắm lấy.

Nếu những dự định trên diễn ra suôn sẻ thì đây thật sự là tín hiệu hòa bình lập lại cho Libya trong tương lai gần.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>