Thủ tướng Anh gặp nhiều áp lực

20/06/2017 | 09:42 GMT+7

Chính phủ Anh vừa cho biết kỳ họp quốc hội khóa tới của nước này sẽ diễn ra trong 2 năm nhằm xử lý những vấn đề phức tạp của việc Anh tách khỏi EU (hay còn gọi là Brexit).

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đã không giành được số phiếu quá bán trong Cuộc tổng tuyển cử ngày 8-6 vừa qua dẫn đến những hệ lụy liên quan tới việc đàm phán Brexit. Thông thường, các kỳ họp quốc hội tại Anh kéo dài 1 năm. Tuy nhiên, thời gian này sẽ được tăng gấp đôi bởi hệ thống luật pháp Anh sẽ cần nhiều thay đổi sau Brexit.

Tiến trình đàm phán giữa Anh và EU dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, với nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hình thành EU. Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã từng lên các kế hoạch Brexit “cứng”, bao gồm rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ châu Âu. Tuy nhiên, thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua có thể sẽ định hình lại kế hoạch Brexit của Anh. Thủ tướng May đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các nhà lập pháp trong Đảng Bảo thủ của bà yêu cầu bà có lập trường mềm mỏng hơn. Bản thân bà May cũng đã thừa nhận với các thành viên Đảng Bảo thủ rằng cần một sự đồng thuận rộng rãi hơn về chiến lược đàm phán Brexit.

Lãnh đạo phe Bảo thủ Scotland Ruth Davidson gần đây tuyên bố, Chính phủ Anh cần coi kinh tế là trọng tâm của chiến lược Brexit, thay vì chỉ tập trung vào giảm nhập cư. Về phần mình, Bộ trưởng đại diện cho Scotland trong chính phủ, ông David Mundell cho biết, thỏa thuận cuối cùng về Brexit cần phải được toàn bộ các đảng phái trong quốc hội Anh ủng hộ. Trong khi đó, đánh giá về tiến trình Brexit, Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Kristian Jensen cho biết, ông hy vọng kết quả cuộc bầu cử quốc hội ở Anh sẽ đem lại một “khoảng thời gian tạm dừng” và tạo một cơ hội xem xét lại phương hướng cho các cuộc đàm phán về Brexit.

Kể từ sau tổng tuyển cử, bà May đã phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn về việc phải làm dịu bớt cách tiếp cận của chính phủ và ủng hộ việc duy trì quan hệ gần gũi với thị trường chung châu Âu trong quá trình kiểm soát nhập cư. Việc không đạt được thế đa số trong quốc hội đồng nghĩa với việc bà May đã phải bắt tay với đảng cực kỳ bảo thủ Liên minh Dân chủ (DUP) để củng cố vị thế Đảng Bảo thủ của bà.

Chính phủ Anh cho biết phiên họp khai mạc của quốc hội nước này sẽ diễn ra vào ngày 21-6, chậm hơn 2 ngày so với kế hoạch. Tại phiên khai mạc này, Chính phủ của bà May sẽ công bố chương trình nghị sự làm luật của mình. Một nguồn tin trong Đảng Bảo thủ nói rằng điều này có nghĩa là đảng của bà May đến nay đã tự tin sẽ nhận được đủ số phiếu để chương trình được phê chuẩn.

Dù bề ngoài cuộc gặp ngày 15-6 với các đảng Bắc Ireland là nhằm tháo gỡ những trở ngại đối với việc thành lập một chính quyền khu vực bao gồm nhiều đảng tỉnh này nhưng trên thực tế cuộc gặp cũng là để bà May nhận được sự chấp thuận rộng rãi hơn đối với thỏa thuận giữa Đảng Bảo thủ và DUP ở tỉnh. Một số người lo sợ sự tồn tại của nền hòa bình mong manh ở Bắc Ireland được thiết lập từ năm 1998 sau nhiều thập kỷ bảo lực có thể phụ thuộc vào thỏa thuận đạt được. “Nguy cơ ở đây là Bắc Ireland tiếp tục không tìm được giải pháp và có thể tiến trình hòa bình sẽ bị đảo ngược”, ông Simon Usherwood, một giảng viên chính trị tại Trường Đại học Surrey, cho hay.

Thỏa thuận hòa bình ở Bắc Ireland năm 1998 đã thiết lập cơ quan quản lý theo hình thức chia sẻ quyền lực ở cơ quan này nhưng cơ chế này đã sụp đổ vào tháng 1 vừa qua khi Đảng Sinn Fein rút khỏi cơ chế này với lý do mất niềm tin.

Do đó, tiến trình Brexit được dự báo vẫn sẽ là một vấn đề phức tạp. Ví dụ, đa số người dân ở Bắc Ireland muốn nước Anh vẫn tiếp tục ở lại trong khối EU nhưng DUP lại ủng hộ rời khỏi khối này. Phát biểu sau cuộc đàm phán ngày 15-6, Chủ tịch Đảng Sinn Fein Gerry Adams tuyên bố sẽ không chấp thuận thỏa thuận giữa Đảng Bảo thủ và DUP. “Thủ tướng đã hoàn toàn phớt lờ ý chí của người dân về Brexit”, ông nói.

Nguyễn Tấn tổng hợp

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>