Sẽ “nóng” chuyện Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La 2016

02/06/2016 | 07:07 GMT+7

Từ ngày 3 đến 5-6, Đối thoại Shangri-La 2016 dự kiến diễn ra tại Singapore sẽ đề cập đến nhiều vấn đề an ninh khác nhau, trong đó vấn đề Biển Đông là nội dung được dự đoán sẽ “nóng” lên tại diễn đàn này. 

Tàu nạo vét, bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nguồn: EPA

Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15, năm 2016 (còn gọi là Đối thoại an ninh Shangri-la 2016), lần này diễn ra trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có những căng thẳng liên quan đến nhiều quốc gia. Đáng lưu ý là cuộc chiến chống khủng bố, nỗ lực ngăn chặn lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vấn đề Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền biển đảo… Đặc biệt là hoạt động xây lắp trái phép của Trung Quốc trên các thực thể ở Biển Đông và tốc độ quân sự hóa tại một số bãi đá do nước này chiếm giữ phi pháp làm cho cộng đồng quốc tế quan ngại. Tiến sĩ Tim Huxley, Giám đốc khu vực châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng xét ở một khía cạnh nào đó, thì tình hình ở khu vực này đã xuất hiện dấu hiệu nguy hiểm. Những động thái của Trung Quốc gần đây đã châm ngòi cho phản ứng mạnh mẽ không chỉ các nước trong khu vực mà còn tạo sự phản đối của dư luận quốc tế. Từ đó, một số quốc gia liên quan như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản… đã có những động thái vào cuộc bởi họ quan ngại về những gì đang xảy ra ở Biển Đông do Bắc Kinh gây ra.

Theo đó, Nhật Bản và một số nước trong Cộng đồng ASEAN đã thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực hợp tác hướng tới hoạt động tuần tra, giám sát chung nhằm đảm bảo an ninh biển ở khu vực. Mỹ cùng đồng minh và đối tác an ninh tại khu vực cũng phản đối chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc. Hải quân Mỹ từ cuối năm 2015 đã triển khai hàng loạt đợt tuần tra tự do hàng hải để thể hiện lợi ích của Washington trong việc duy trì tự do đi lại trên biển cũng như trên không ở khu vực này.

Trong một động thái liên quan, Chính phủ Mỹ khẳng định, họ đã sẵn sàng thách thức chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông sau hàng tháng trời chịu áp lực từ Quốc hội và quân đội. Theo đó, Washington tuyên bố sẽ tiến hành tuần tra thường xuyên và liên tục mới có thể “bảo vệ tự do hàng hải” trong bối cảnh Trung Quốc đang có tham vọng áp đặt quyền lực của mình trên khu vực này và xa hơn nữa là muốn độc chiếm Biển Đông. Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore, nhận định: “Việc này không thể làm một lần rồi thôi mà Hải quân Mỹ cần phải tiến hành tuần tra thường xuyên mới có thể truyền tải mạnh mẽ thông điệp của mình”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng cảnh báo, Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép các nước vi phạm lãnh hải và không phận của mình trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền) dưới chiêu bài bảo vệ tự do hàng không và hàng hải.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội trước hành động tuần tra thường xuyên của Mỹ và khiến quan hệ chính trị và quân sự của hai bên trở nên cực kỳ căng thẳng. Theo đó, Hải quân Trung Quốc có thể tìm cách ngăn chặn, hoặc thậm chí bao vây tàu của Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định do nhận thức rõ về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng căng thẳng kéo dài trong quan hệ song phương, nên tại Đối thoại Shangri-La lần này, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng kiềm chế giống như họ từng thể hiện năm 2015. Tuy nhiên, chắc chắn một điều tại diễn đàn này, nhiều quốc gia liên quan sẽ phanh phui những hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nếu vấn đề được nêu ra, rõ ràng Trung Quốc sẽ bị thất thế cho dù ở Đối thoại Shangri-La hay bất cứ diễn đàn nào trên thế giới. Bởi lẽ, những hành động xây dựng trái phép tại các đảo mà họ đang chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời quân sự hóa một số thực thể bằng cách thiết lập căn cứ và triển khai vũ khí là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, bị dư luận lên án. Đây là điều không nên xảy ra đối với một nước lớn như Trung Quốc nếu như họ quan tâm đến uy tín quốc gia.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>